Những chính sách pháp luật có hiệu lực trong quý 1/2016

  1. Chính sách BHXH một lần đối với người lao động

Từ 01/01/2016, Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sẽ có hiệu lực. Theo đó:

Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Quy định mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, cụ thể cứ mỗi năm được tính như sau:

– 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.

– 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

  1. Quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016

Theo quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 như sau:

– Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

  1. Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2016.

Số lượng phó chủ tịch UBND các cấp
Số lượng phó chủ tịch UBND các cấp

Cụ thể, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND. Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

  1. Chính sách hỗ trợ người lao động bị thu hồi đất

Có hiệu lực từ 01/02/2016, người lao động bị thu hồi đất, nếu có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đang trong độ tuổi lao động sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg . Cụ thể, người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ như sau:

– Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg .

– Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học. – Vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, Người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

  1. Hướng dẫn chi tiết tiền lương tháng đóng BHXH

Từ ngày 01/01/2016, việc đóng, hưởng BHXH sẽ thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó:

– Từ 01/01/2016 đến 31/12/2017: Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương.

– Từ 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Lưu ý: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng tết, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thọai, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

  1. Hộ kinh doanh được quyền tham gia Hội đồng tư vấn thuế

Từ ngày 11/02/2016, Thông tư 208/2015/TT-BTC quy định về hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn có hiệu lực, theo đó, hộ kinh doanh cũng có quyền tham gia vào Hội đồng tư vấn thuế.

  1. 5 điều kiện để được thụ tinh trong ống nghiệm

Theo Thông tư 57/2015/TT-BYT quy định chi tiết một số nội dung tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đáp ứng 05 điều kiện sau:

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

– Không đang mắc bệnh lý mà không đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai, sinh con.

– Không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B.

– Không bị bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra.

– Không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

– Phải có kết luận bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm xác định đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con.

  1. CSGT được dừng xe kiểm soát trong 5 trường hợp

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2016) về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Theo đó, CSGT thực hiện nhiệm vụ TTKS được dừng xe để kiểm soát trong các trường hợp sau:

– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch TTKS của Cục trưởng Cục CSGT (C67) hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

– Thực hiện kế hoạch tổ chức TTKS và xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng TTKS giao thông đường bộ cao tốc thuộc C67, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên;

– Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

– Trường hợp cuối cùng là dừng xe để kiểm soát dựa trên tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Cán bộ TTKS giao thông đường bộ có quyền hạn như:

– Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

– Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

– Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

  1. Bản sao, chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực phải có đầy đủ các trang đã ghi thông tin của bản chính

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 20/2015/BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị đinh số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực từ 15/02/2016.

Quy định về chứng thực bản sao
Quy định về chứng thực bản sao

Theo đó, Bản sao, chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực phải có đầy đủ các trang đã ghi thông tin của bản chính. Ví dụ: khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin liên quan đến các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu.

  1. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Từ ngày 07/03/2016, Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa bắt đầu có hiệu lực. Theo đó:

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (x) Diện tích (x) Giá của loại đất trồng lúa. Trong đó:

– Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.

– Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

– Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

  1. Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc

Liên Bộ Y tế – Tài chính đã ban hành Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; áp dụng cho các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

Thông tư đã quy định giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ quỹ BHYT và điều chỉnh tăng thêm 30% chi phí phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và các phụ cấp trực của cán bộ y tế. Theo đó, sẽ có 1.887 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá trong đợt này, bao gồm: Giá khám bệnh (theo hạng bệnh viện); giá ngày giường (theo hạng bệnh viện và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng bệnh viện). Bên cạnh đó, 26 loại hình dịch vụ y tế với nhiều hạng mục thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu, tâm thần, nội tiết, ngoại khoa, bỏng, ung bướu, phụ sản, tạo hình thẩm mỹ, nội soi… được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III…

Lộ trình thực hiện: Mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù thực hiện từ ngày 01/3/2016; mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện từ ngày 01/7/2016.

  1. Chia tài sản khi ly hôn phải xét đến lỗi của hai bên

Đây là một trong những điểm mới của Luật hôn nhân gia đình 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP sẽ có hiệu lực thi hành 01/03/2016.

Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Như vậy, về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã có bổ sung mới khi đưa yếu tố lỗi vào là một trong những căn cứ trong phân chia tài sản chung giữa vợ chồng. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng ưu tiên các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của Luật.

  1. Bồi thường bảo hiểm người tối đa 100 triệu đồng/vụ

Theo Thông tư 22/2016/TT-BCT, từ ngày 01/4/2016, số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả trong trường hợp có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Quy định cũ là 70 triệu đồng/người/vụ.

Với thiệt hại về tài sản, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe môtô hai bánh, xe gắn máy gây ra (tăng 10 triệu đồng); mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc gây ra là 100 triệu đồng/vụ tai nạn, tăng 30 triệu đồng/vụ.

  1. VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
  2. Quy định đơn giá các loại cây trồng hoa màu, mật độ cây trồng…để thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định 39/2015/QĐ-UBND của về đơn giá các loại cây trồng hoa màu, mật độ cây trồng các loại con vật nuôi mức hỗ trợ đối với tài sản khai thác nghề biển nghề sông để thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, Theo đó, Quyết định quy định cụ thể giá của từng loại cây trồng, hoa màu; mật độ cây trồng; Đơn giá bồi thường, hỗ trợ các loại con vật nuôi; Mức hỗ trợ đối với tài sản khai thác nghề biển, nghề sông.

  1. Tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các công trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2016-2020

Ngày 17/12/ 2015, HĐND thành phố Tam Kỳ ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND về về quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các công trình phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2016-2020. Cụ thể đối với 04 xã gồm: Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng thì ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ là 35%, ngân sách thành phố, cấp xã phường và Nhân dân đóng góp là 65%, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ là 40%, ngân sách xã và Nhân dân đóng góp là 25%. Đối với các phường còn lại thì ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ là 35%, ngân sách thành phố, cấp xã phường và Nhân dân đóng góp là 65%, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ là 30%, ngân sách phường và Nhân dân đóng góp là 35%.

  1. Quy chế văn hóa công sở

Ngày 06/01/2016, UBND thành phố Tam Kỳ ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND về quy chế văn hóa ở công sở tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Theo đó:

– Các hành vi bị cấm bao gồm:

+ Chơi games tại cơ quan, đánh bạc dưới mọi hình thức; truy cập trang website có nội dung không lành mạnh; hút thuốc lá nơi làm việc.

+ Vào cơ quan sau khi đã uống rượu, bia hoặc thức uống có cồn; trong giờ làm việc sử dụng thuốc uống có cồn. Trường hợp đặc biệt vào các dịp liên hoan, lễ, tết, tiếp khách (khách ngoại tỉnh) việc sử dụng đồ uống có cồn do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định.

+ Tổ chức quảng cáo thương mại trong khuôn viên công sở.

+ Thờ cúng, tổ chức ăn uống trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan.

– Quy định về trang phục:

+ Nam: Mặc áo sơ mi, quần âu hoặc bộ comple, đi giày da hoặc dép có quai hậu;

+ Nữ: Mặc áo sơ mi, quần âu, váy công sở, áo dài truyền thống, đi giày da hoặc dép có quai hậu.

– Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ, nhiệm vụ phải đeo thẻ theo quy định.

Ngoài ra, Quy chế còn quy định cụ thể về lễ phục, cách thức giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, bài trí cơ quan, đơn vị mình…

Tổng hợp

 

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *