Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 04/9 đến 10/9/2017

  1. Đưa quyền con người vào chương trình giáo dục

Theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg  ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, thì:

Trong giai đoạn 2017-2020 tổ chức dạy thí điểm nội dung giáo dục quyền con ngườicho các cấp học, chương trình đào tạo như sau:

Quyền con người

– Đối với giáo dục mầm non và phổ thông sẽ tổ chức thí điểm ở 3 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền (dự kiến 02 trường mỗi cấp học;

– Đối với giáo dục đại học, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (dự kiến 03 trường mỗi khối trường)

– Đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành, nghề đào tạo (dự kiến 3 trường mỗi khối trường).

Giai đoạn 2021- 2025:

– Triển khai bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng;

– Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

– Đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân  tổ chức giáo dục quyền con  người cho người học.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên

Ngày 06/9/2017, Bộ Giáo dục và Đạo tạo ban hành thông tư 21/2017/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục, theo đó, để tổ chức tập huấn qua mạng, đơn vị chủ trì tập huấn cần đảm bảo các yêu cầu như: Có hệ thống quản lý học tập qua mạng đáp ứng các yêu cầu tại Điều 5 của Thông tư này; có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo triển khai các hoạt động tập huấn qua mạng, đáp ứng các yêu cầu tại Điều 6 của Thông tư này; có đầy đủ học liệu đáp ứng các yêu cầu tại Điều 7 của Thông tư này; có đội ngũ cán bộ tổ chức tập huấn qua mạng đáp ứng các yêu cầu tại Điều 8 của Thông tư này.

Theo Thông tư, hệ thống quản lý học tập qua mạng bao gồm các chức năng: Quản lý các khóa học, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phối các nội dung học tập tới người học; cho phép người học truy cập vào các nội dung học tập qua mạng như đã đăng ký và có thể tự học tập, tự đánh giá và nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; cho phép đơn vị chủ trì tập huấn quản lý điểm, tiến trình học tập, kết quả học tập của người học và các hoạt động của người dạy trên môi trường mạng; cung cấp diễn đàn trao đổi và các công cụ hỗ trợ khác để người học có thể trao đổi với người dạy hoặc Ban tổ chức lớp học về các vấn đề liên quan đến học qua mạng; quản lý được các yêu cầu thông tin khác của đơn vị chủ trì tập huấn.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/10/2017.

3. Từ năm 2020, chỉ bán kháng sinh khi có đơn thuốc

Đây là mục tiêu đề ra tại Quyết định 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ Y tế về việc thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, Theo đó, đến năm 2020 các quầy thuốc, nhà thuốc khi bán kháng sinh phải có đơn thuốc đạt tỷ lệ thực hiện là 100% .

Ngoài ra, các đơn vị thực hiện điều trị ngoại trú phải tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc đến năm 2020 như sau:

– Các cơ sở khám chữa, bệnh công lập và bệnh viện tư nhân phải kê đơn thuốc đủ nội dung đạt 100%, còn lại các cơ sở khám chữa, bệnh tư nhân khác đạt 80%;

 – Quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và bệnh viện tư nhân, còn lại các cơ sở khám chữa, bệnh tư nhân khác đạt 70%.

Quyết định 4041/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 07/9/2017.

  1. Điều kiện cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học

Nội dung này được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau đại học phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Điều kiện cử cán bộ, công chức đi học nâng cao trình độ
Điều kiện cử cán bộ, công chức đi học nâng cao trình độ

Viên chức được cử đi đào tạo phải đáp ứng 03 điều kiện, gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý sẽ phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp: Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; Đã hoàn thành và dược cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 21/10/2017.

  1. Bốn biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Nghị định chỉ rõ, 04 biện pháp bảo đảm phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, 03 biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

  1. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập theo chu kỳ 10 năm 

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thông tư này chỉ rõ, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập trên địa bàn cấp tỉnh thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng sản xuất và được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo; 05 năm 01 lần, Quy hoạch này sẽ được xem xét, điều chỉnh; trừ trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương.

Hồ sơ Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp gồm: Dự thảo Tờ trình của Sở Công Thương đề nghị phê duyệt Quy hoạch; Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch; Báo cáo Quy hoạch đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan; Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Văn bản góp ý của các sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí; Các văn bản, tài liệu khác (nếu có).

Sau khi hoàn thành hồ sơ Quy hoạch, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch, đồng thời có trách nhiệm gửi hồ sơ Quy hoạch tới các thành viên Hội đồng trước ngày họp thẩm định ít nhất 05 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.

7.Hỗ trợ cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ việc theo Chỉ thị 79/CT-UB

Ngày 6/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3242/QĐ-UBND hỗ trợ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ việc theo Chỉ thị số 79/CT.UB ngày 12/11/1983 của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, với mức bằng 10 lần mức trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.

Theo đó, mức hỗ trợ cụ thể như sau: Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND: 17.180.000 đồng/người; Nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch UBND, Thường trực Đảng uỷ, Uỷ viên Thư ký UBND, Xã Đội trưởng, Trưởng Công an: 16.620.000 đồng/người; Các chức danh còn lại: 15.380.000 đồng/người. (Kể từ ngày 19/7/2017, nếu đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp theo quy định qua đời thì gia đình vẫn được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ này).

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách các đối tượng theo đúng quy định, lập dự toán hỗ trợ gửi Sở Tài chính để tổng hợp phân bổ kinh phí. Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện việc hỗ trợ theo đúng quy định và hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2018; đồng thời, hướng dẫn thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định. Sở Nội vụ theo dõi, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc thực hiện chi hỗ trợ, xử lý vướng mắc phát sinh (nếu có); định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh theo quy định.

 rubi

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *