Kỳ 15: Vợ nhức đầu vì chồng trước cãi với chồng sau

Tình huống kỳ 15 là một vấn đề “éo le” của những người trong cuộc sau ly hôn. Đây là tình huống pháp luật khá thú vị, việc tìm hiểu quy định pháp luật để giải đố sẽ giúp quý bạn đọc có thêm sự hiểu biết trong lĩnh vực này.

Tình huống kỳ 15: Do cuộc sống gia đình mâu thuẫn không thể hàn gắn được, anh A và chị B đồng ý gửi đơn ra tòa án để xin được ly hôn. Sau khi xử sơ thẩm, ngày 15-5-2015, tòa án cấp phúc thẩm tuyên đọc bản án chấp thuận cho anh A được ly hôn với chị B. Sau khi ly hôn được ba tháng, ngày 15-8-2015, chị B đăng ký kết hôn với anh C. Đến ngày 15-1-2016, chị B hạ sinh được một bé trai.

Kỳ 15: Vợ nhức đầu vì chồng trước cãi với chồng sau - ảnh 1

Kỳ 15: Vợ nhức đầu vì chồng trước cãi với chồng sau - ảnh 2

Kỳ 15: Vợ nhức đầu vì chồng trước cãi với chồng sau - ảnh 3

Khi nghe tin chị B sinh con, anh A nhẩm tính ngày tháng và rất vui mừng vì cho rằng đó là con của mình. Do vậy, anh A đã đến nhà gặp anh C và chị B yêu cầu được công nhận là cha của đứa bé và được thực hiện trách nhiệm làm cha. Trước yêu cầu này, anh C giãy nảy: “Làm gì có chuyện đó, đứa bé sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa tôi với vợ nên nó là con của tôi”. Chị B cũng cho rằng cha của đứa bé là anh C chứ không phải anh A.

Bằng việc tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành, quý bạn đọc hãy giúp À Ra Thế xác định cha của đứa bé là ai và nhớ đưa ra con số dự đoán số người có đáp án đúng nhé.

• Rộn ràng cuộc thi “À Ra Thơ”: Chỉ mới vài ngày phát động, À Ra Thế đã nhận được 15 tác phẩm dự thi từ quý bạn đọc khắp mọi miền gửi đến. Các tác phẩm được viết dưới nhiều thể loại: Thơ năm chữ, thơ lục bát,… và cả những bài gần giống… thơ, với nội dung chủ yếu là sự thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của tác giả đối với À Ra Thế.Thời gian của cuộc thi vẫn còn dài, danh hiệu độc nhất vô nhị “À Ra Thơ” vẫn đang đợi các “nhà thơ” trổ tài. Rất mong quý bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng để cuộc thi này thực sự là một sân chơi vui như chính cái danh hiệu của nó.______________________________Sân chơi tuyệt vời

À Ra Thế – Một sân chơi

Tìm hiểu pháp luật tuyệt vời, đông vui

Người chơi ở khắp mọi nơi

Trẻ, già, trai, gái, nhiều người tham gia

Tình huống giả định đưa ra

Va chạm, tranh chấp xảy ra ngoài đời

Chỉ là giả định mà thôi

Ai sai, ai đúng luật thời chỉ ra

Bao nhiêu điều luật cần tra

Xem xét, kết luận thật là công minh

Phân tích thấu lý, đạt tình

Gởi ban tổ chức chờ rinh giải vàng

Đoán sai được luật cũng sang

Được cả hai thứ lại càng thêm vui

Phổ biến pháp luật giúp người

À Ra Thế xứng sân chơi tuyệt vời.

HUỲNH QUANG ĐỨC (Châu Đốc)

Bàn ra tán vào

Trăm năm trong cõi À Ra

Thứ hai đề mới bàn ra tán vào

Pháp Luật thành phố xin chào

Bà con tham dự tán vào bàn ra

Tình huống rắc rối khó à

Tìm xem bộ luật… bàn ra tán vào

Cùng nhau họp mặt chỗ nào

Phải nơi yên tĩnh tán vào bàn ra

Hội ngộ ở quán cà phê

Ly đen, ly sữa bàn ra tán vào

“Sĩ tử” tranh luận ồn ào

Bộ luật Dân sự tán vào bàn ra

Phải luật giao thông không à?

“Cãi nhau bay tóc” bàn ra tán vào

Điều gì? Khoản mấy? Điểm nào?

Lại cùng thảo luận tán vào bàn ra

Câu lạc bộ của chúng ta

“Binh hùng tướng mạnh” bàn ra tán vào

Chẳng lẽ cứ bị nốc ao

Quyết tâm phải thắng tán vào bàn ra

“Sổ vàng”: Tự chọn khó à

Không được giải vẫn bàn ra tán vào.

ĐOÀN QUỐC VĂN (TP.HCM)

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn
TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO):
Câu 1. Theo bạn cha của đứa trẻ là ai? A hay C?
Đây là tình huống thực tế và khá hóc búa, bởi theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì A và C đều có cơ sở pháp lý để khẳng định mình là cha của đứa trẻ.
Tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nguyên tắc xác định con quy định như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Thủ tục nhận cha mẹ con
Thủ tục nhận cha mẹ con

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Theo tình huống thì chị B và anh C đăng ký kết hôn ngày 15/8/2015 đến ngày 15/01/2016, sau 5 tháng thì chị B sinh con, tức là chị B sinh con trong thời kỳ hôn nhân với anh C, nhưng có thai trước thời điểm đăng ký kết  hôn (có thể là thai của anh C hoặc anh A hoặc của người khác)
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có cơ sở pháp lý khẳng định đứa con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con của chị B và anh C.
TUy nhiên, cũng theo Điều 88 thì con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Và con sinh ra trong thời điểm 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, chị B ly hôn với anh A theo bản án phúc thẩm từ ngày 15/5/2015, tính đến ngày chị B sinh con thì vẫn còn trong vòng 300 ngày kể từ ngày ly hôn, do đó, con của chị B được xác định là có thai trong thời kỳ hôn nhân với anh A, và con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung vợ chồng, nên anh A cũng có cơ sở pháp lý để khẳng định đứa con là con chung của anh với chị B.
Việc xác định con của chị B là của anh A hay anh C là rất khó, nếu 2 bên không khởi kiện ra tòa.
Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng, anh C sẽ thuận lợi hơn trong việc xác định cha con, vì khi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh thì anh C và chị B chỉ cần xuất trình giấy chứng sinh và giấy đăng ký kết hôn là được đăng ký khai sinh và anh C đương nhiên trở thành cha của đứa trẻ.
Tình huống kỳ này, trangtinphapluat.com không đưa ra đáp án cụ thể mà chỉ gợi ý để bạn đọc chọn lựa đáp án nào mình cho là phù hợp nhất.

Đáp án kỳ 14: ‘Im lặng’ không có nghĩa là đồng ý

(PL)- À Ra Thế kỳ 14 là một tình huống rất đỗi đời thường. Hầu như ai đã sử dụng điện thoại di động, bất kể đó là điện thoại smartphone hay điện thoại “cùi bắp”, thuê bao trả trước hay thuê bao trả sau, đều từng bị làm phiền bởi các tin nhắn quảng cáo.

Trong đó, nhiều tin nhắn theo dạng “không nhắn tin hủy xem như đồng ý sử dụng” đã khiến nhiều chủ thuê bao mất tiền oan.

Các đáp án gửi về cho chương trình hầu hết đều xác định được công ty viễn thông B phải trả lại tiền cho anh A và giữa anh A với công ty viễn thông B đã xác lập hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Điều 518 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005. Thế nhưng đến nội dung đại diện công ty viễn thông B giải thích “anh A không nhắn tin để hủy thì xem như đã chấp nhận sử dụng dịch vụ” để từ chối trả tiền thì hơn phân nửa đáp án lại… “đi về nơi xa”. Và đây cũng chính là mấu chốt của tình huống À Ra Thếkỳ 14.

Với cách giải thích trên, đại diện công ty viễn thông B đã đưa ra khái niệm: Với sự đề nghị của một bên, nếu bên kia không hành động (im lặng, không nhắn tin hủy) thì xem như đồng ý giao kết hợp đồng. Như vậy, quý bạn đọc chỉ cần rà soát các quy định pháp luật hiện hành xem thử có điều luật nào quy định như cách lập luận của đại diện công ty viễn thông B không. Nếu có thì công ty viễn thông B không phải trả lại tiền, còn không thì ngược lại.

Đáp án kỳ 14: ‘Im lặng’ không có nghĩa là đồng ý - ảnh 1

Ảnh minh họa: HTD

Xem qua các quy định của BLDS 2005, À Ra Thế thấy rằng Điều 388 đã nói rõ: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, điều đầu tiên có thể xác định được là hợp đồng dân sự được xác lập phải dựa trên cơ sở “sự thỏa thuận” của các bên. Cạnh đó, khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 cũng quy định “Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng” nhưng với điều kiện nếu các bên “có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”.

Với các quy định này đã xác định được các quy định pháp luật hiện hành không mặc nhiên thừa nhận sự không hành động hoặc sự im lặng của một bên là sự chấp nhận giao kết hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận trước của các bên). Vì thế cách giải thích của đại diện công ty viễn thông B để từ chối trả lại tiền cho anh A là không có cơ sở.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 14 là: Công ty viễn thông B phải trả lại tiền cho anh A.

Kính mời quý bạn đọc xem clip đáp án tại http://plo.vn/a-ra-the.html.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Những bạn đọc có đáp án khác hãy tiếp tục tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo với tinh thần “Không được giải cũng được luật” nhé!

Con số may mắn kỳ này sẽ được công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư 2-11 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy chờ xem!

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *