Kỳ 16: Tranh thủ bạn ngủ, lấy ô tô ‘dợt’ vài vòng

Tình huống kỳ 16:

Anh T là tài xế của hãng taxi Z, được hãng taxi giao cho một chiếc ô tô loại năm chỗ để chở khách. Sau ca đêm mệt mỏi, anh T ghé nhà anh H chơi và tranh thủ chợp mắt. Khi đến nhà, anh T đậu xe bên hông nhà, tắt máy và kéo thắng tay. Tuy nhiên, do mệt mỏi, anh T lại quên, để nguyên chìa khóa xe.

Anh H mới có bằng lái, thấy chiếc xe taxi để không thì ngứa nghề. Sẵn tiện thấy anh T để quên chìa khóa trên xe, anh H liền lên xe “dợt” vài vòng quanh khu phố mình ở. Sau khi thấy đã khá nhuần nhuyễn, anh H chạy xe về lại chỗ cũ, tắt máy nhưng do “non nghề” nên quên kéo thắng tay và đi vào nhà. Do đậu trên đường dốc lại quên kéo thắng tay, chiếc xe taxi đã chạy lùi về sau tông thẳng vào cổng nhà anh N gây hư hại.

Kỳ 16: Tranh thủ bạn ngủ, lấy ô tô ‘dợt’ vài vòng - ảnh 1

Kỳ 16: Tranh thủ bạn ngủ, lấy ô tô ‘dợt’ vài vòng - ảnh 2

Kỳ 16: Tranh thủ bạn ngủ, lấy ô tô ‘dợt’ vài vòng - ảnh 3

Trước yêu cầu đòi bồi thường của anh N, hai anh T và H đã cãi nhau rất quyết liệt. Theo anh T: “Anh H đã tự ý lái xe còn quên kéo thắng tay nên thiệt hại do anh H chịu”. Ngược lại, anh H cho rằng “do đường nghiêng, xe tự chạy thụt lùi nên thiệt hại này là ngoài ý muốn, hãng taxi phải gánh cái rủi này”.

Trước sự tranh cãi này, anh N đành cầu viện đến quý bạn đọc của À Ra Thế mở luật ra xem thử ai là người phải bồi thường trong trường hợp này và nhớ đưa ra con số dự đoán số người có đáp án đúng nhé.

i
“Chỉ mong À Ra Thế được tổ chức lâu dài”: Đây không chỉ là nguyện vọng của bạn đọc Nguyễn Thế Sơn (CLB À Ra Thế – Thuận An) mà còn là của đông đảo bạn đọc khác. Trải qua 15 kỳ tình huống chưa phải là thời gian dài nhưng À Ra Thế đã sớm trở thành “người bạn” thân thiết của nhiều bạn đọc. Bên cạnh là sân chơi pháp lý, giao lưu, tìm hiểu quy định pháp luật, À Ra Thế cũng đã thể hiện được vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo bạn đọc của báo.Chờ đợi những gương mặt mới: Đến nay cuộc thi “À Ra Thơ” đã diễn ra được hơn 10 ngày và À Ra Thế vẫn chưa thấy được gương mặt mới nổi bật nào xuất hiện. Xoay qua xoay lại vẫn là những cái tên quen thuộc: Nguyễn Ngọc Thi (Tiền Giang), Đào Danh Sửu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đoàn Quốc Văn (TP.HCM), Huỳnh Quang Diệp (Cần Thơ), Vũ Đức Tưởng (Bình Phước), Nguyễn Thế Sơn (Bình Dương)… Thời gian cuộc thi cũng không còn nhiều nữa, rất mong những “nhà thơ” chưa nổi hãy nhanh tay gửi tác phẩm về cho chương trình. Các tác phẩm gửi về ngoài việc được giới thiệu đến bạn đọc khắp cả nước còn có cơ hội giành được danh hiệu độc nhất vô nhị của cuộc thi “À Ra Thơ” và phần thưởng tương xứng.

____________________________

Đứa bé con ai?

Giành con nghe cũng vui tai

Chồng cũ, chồng mới tranh cãi giành con

Chồng cũ vui vẻ ví von:

Quạ nuôi tu hú giành con làm gì?

Chồng mới vội vàng cãi lý:

Vợ chồng chung sống cớ gì con anh?

Chồng cũ: Chớ cãi loanh quanh

Đứa bé hình thành trước lúc ly hôn

Tòa À Ra Thế phán đoán:

Con thuộc chồng cũ! Giành lộn là sai!

Chồng mới chưa nhận mình sai

Ấm ức chờ đợi thứ hai rõ ràng.

Nguyễn Thế Sơn (CLB À Ra Thế – Thuận An)

Lý tình hữu duyên

À Ra cất tiếng chào đời

Phần mười thế kỷ đổi dời vẫn nguyên

Thu hút bạn đọc thường xuyên

Tìm tòi sách luật ngẫm suy khoản, điều

Luật thông sáng tỏ nhiều điều

Tinh thần sảng khoái nhờ liều thuốc hay!

À Ra trở lại lần này

Sĩ tử háo hức tràn đầy niềm tin

Luật sư, thi sĩ… tự tin

“Giải mã” thấu đáo lý tình hữu duyên.

Nguyễn Ngọc Thi (Tiền Giang)

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn
TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH CHẤT THAM KHẢO)
Câu 1. Ai phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp trên?
Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì trong trường hợp này hãng taxi Z,  và anh H phải liên đới bồi thường thiệt hại cho anh N, vì:
– Vì theo Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Nhà trường phải bồi thường thiệt hại do học sinh gây ra
Quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Và theo ĐIểm đ Khoản 2 Mục 3 Nghị quyết  03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì:  Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:

– Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.

– Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào quy định BLDS và Nghị quyết 03/2006 thì xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, ô tô thuộc quyền sở hữu của hãng taxi Z và hãng đã giao xe oto cho anh T để chở khách, như vậy anh T chỉ là người làm công ăn lương còn quyền sở hữu xe taxi vẫn là của hãng Z. Do đó, theo hướng dẫn tại ĐIểm đ Khoản 2 Mục 3 Nghị quyết  03/2006/NQ-HĐTP thì hãng taxi Z phải bồi thường.

Tuy nhiên, theo tình huống thì anh H đã tự ý lấy xe của hãng taxi Z (anh T là người trực tiếp được giao lái) để chạy, sau đó về đậu lại chỗ cũ nhưng do non tay nghề nên quên kéo thắng tay dẫn đến xe chạy lùi tông vào nhà N gây hư hại. Hư hại ở đây do lỗi trực tiếp của anh H nhưng anh T là tài xế của hãng taxi Z cũng có lỗi trong việc trông giữ tài sản, đó là không cất chìa khóa khi đỗ xe nên anh H mới có thể tự ý lấy xe đi và gây tai nạn. Căn cứ vào hướng dẫn tại ĐIểm d Khoản 2 Mục 3 Nghị quyết  03/2006/NQ-HĐTP thì:

– Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).

– Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Như vậy, cả anh H và anh T (tài xế taxi của hãng Z) đều cùng có lỗi nên phải liên đới bồi thường, nhưng do anh T chỉ là tài xế làm công ăn lương, không phải là chủ sở hữu xe nên theo hướng dẫn của Nghị quyết 03 thì hãng taxi phải liên đới bồi thường cùng anh H, sau đó anh T sẽ hoàn trả lại tiền cho hãng.

Câu 2. Số người có cùng câu trả lời với bạn:

Đáp án kỳ 15: Luật chung chung, trẻ có đến hai cha

(PL)- Tình huống kỳ 15 tuy khó xảy ra trong thực tế nhưng lại thu hút hơn 2.300 đáp án gửi về cho chương trình.

Trong đó, phần lớn đáp án hoặc xác định anh A hoặc xác định anh C là cha đứa bé. Chỉ có số ít đáp án xác định cả A và C đều có thể là cha của đứa bé. Với tình huống kỳ này đã chứng minh số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy, em bé được người phụ nữ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và em bé do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân đều được xác định là con chung của vợ chồng đó. Theo tình huống, em bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị B với anh C nên theo quy định trên, anh C chính là cha.

Thủ tục nhận cha mẹ con
Thủ tục nhận cha mẹ con

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn các chuyên gia của À Ra Thế đều giải đáp được tình huống này. Thế nhưng cũng khoản 1 của điều luật trên còn quy định: “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân”. Quy định này chính là điểm mấu chốt của tình huống kỳ 15, giúp À Ra Thế chọn được những chuyên gia pháp luật xuất sắc nhất.

Theo tình huống, anh A và chị B ly hôn vào ngày 15-5-2015 và chị B sinh em bé vào ngày 15-1-2016 (tổng cộng tám tháng) nên có thể xác định em bé “được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân”. Từ đó cũng xác định được em bé là “con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân” với anh A. Đối chiếu giữa quy định của khoản 1 Điều 88 LHNGĐ 2014 với tình huống này, cả anh A cũng được xác định là cha của em bé.

Như vậy, nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc: “Chẳng lẽ cả anh A và anh C đều là cha của đứa nhỏ?”. Quả thật là vậy, À Ra Thế đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành cũng như các văn bản hướng dẫn và thấy rằng trường hợp này cả anh A và anh C đều được xác định là cha của đứa trẻ vì đều thỏa mãn với quy định của khoản 1 Điều 88 LHNGĐ 2014.

Vậy nếu trong thực tế xảy ra tình huống tương tự thì sao? Thực ra câu hỏi này không khó, theo Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con…”. Như vậy, thực tế sẽ tùy thuộc vào việc người đàn ông nào thực hiện đăng ký khai sinh cho đứa bé thì sẽ được xác định là cha đứa bé. Nếu người còn lại cũng nhận đứa trẻ là con của mình và xảy ra tranh chấp thì LHNGĐ 2014 cũng đã dự liệu điều này. Khoản 1 Điều 89 quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”. Nếu hai người đàn ông cùng cho rằng mình là cha ruột của đứa bé thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định cha cho con. Lúc này, kết quả giám định ADN chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

Do tình huống chỉ dừng lại ở việc tranh cãi giữa A và C nên đáp án À Ra Thế kỳ 15 là: Cả A và C đều có thể được xác định là cha của đứa bé.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Những bạn đọc có đáp án khác xin hãy tiếp tục tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo với tinh thần “Không được giải cũng được luật” nhé.

Con số may mắn kỳ này sẽ được công bố đến quý bạn đọc vào ngày thứ Tư 9-11 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *