Kỳ 8: Tông phải bò, ai bồi thường?

Tình huống kỳ 8: Vào một ngày đẹp trời, B cột bò ăn cỏ trên đất của mình. Không ngờ dây cột bị đứt, bò của B chạy sang ruộng của A kế bên ăn lúa. Trước đó, do bò của B cũng đã sang ăn và phá lúa nhiều lần nên lần này thấy bò của B lại sang ăn lúa, A đã nổi đóa, cầm cây rượt đánh bò của B tới tấp. Hoảng sợ, bò của B chạy thẳng ra quốc lộ ở cạnh đó. Không may cho C đang lái xe máy trên đường cùng vào thời điểm này. Do bất ngờ, C đã không kịp tránh và tông thẳng vào con bò. Cú tông làm C té ngã, chiếc xe máy bị hư hỏng nặng. Lúc này B biết việc nên cũng vừa chạy tới. Trước tai nạn từ… dưới ruộng chạy lên, C yêu cầu A và B phải bồi thường cho mình. A thì dứt khoát không chịu vì đây là bò của B. Ngược lại, B đổ lỗi do A rượt đánh nên bò mới chạy lên quốc lộ gây ra tai nạn.

Với các quy định của pháp luật hiện hành, bạn đọc hãy trổ tài giúp C xác định ai là người phải bồi thường cho mình và nhớ dự đoán số người có đáp án đúng nhé.

NGuồn:plo.vn

TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (mang tính tham khảo)

  1. Theo tôi thì cả A và B đều phải bồi thường thiệt hại cho C, vì:

– B là chủ sở hữu hợp pháp con bò nên B phải có trách nhiệm quản lý con bò của mình. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, B đã không cẩn thận, không trông chừng, không kiểm tra dây cột bò dẫn đến con bò bứt dây và sang ăn lúa ruộng ông A. Hành vi của B không phải là lần đầu mà đã xảy ra nhiều lần. Do đó, có cơ sở để xác định B đã không làm tròn trách nhiệm quản lý con bò của mình, để bò phá hoại tài sản người khác.

– A là chủ đám ruộng nên khi thấy bò của B ăn lúa nhiều lần đã đuổi đánh, hành vi của A làm cho con bò hoảng sợ bỏ chạy và gây tai nạn cho C. Hành vi của A là nguyên nhân trực tiếp  gây tai nạn cho C. Tuy nhiên, hành vi của A cũng bắt nguồn tự lỗi của B không quản lý chặt chẽ con bò, chứ không phải tự nhiên A đuổi đánh con bò của B dẫn đến gây tai nạn cho C.

Xử lý trâu bò thả rông đường phố
Chủ sở hữu bò phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Như vậy, cả A và B đều có lỗi trong việc quản lý, đuổi đánh con bò dẫn đến gây tai nạn cho C. Do đó A và B phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định tại Khoản 2 Điều 625 Bộ luật dân sự 2005. Khoản 2 Điều 625 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Đáp án kỳ 7: Không được ‘dùng xe chắn quán’ để cạnh tranh

(PL)- Qua các đáp án gửi về, À Ra Thế thấy rằng tình huống của kỳ 7 tuy là rất thực tế, dễ xảy ra nhưng không “dễ xơi” chút nào đâu các bạn nhé.

Đa số đáp án đều viện dẫn các quy định pháp luật về giao thông đường bộ để làm căn cứ cho nhận định của mình. Tuy nhiên, tình huống kỳ 7 đã nêu rõ “đường không cấm đậu xe” nhằm loại bỏ các yếu tố anh A đậu xe vi phạm giao thông. Do vậy, quý bạn đọc chỉ cần tập trung vào hành vi của anh A vì “cạnh tranh buôn bán” mà “đậu xe chắn quán” như vậy thì có sai hay không!

Luật Cạnh tranh (LCT) 2004 (có hiệu lực từ 1-7-2005) điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh,… Đối chiếu với hành vi dùng xe tải chắn quán cháo lòng C để cạnh tranh, chúng ta có thể nghĩ ngay đến luật này để làm căn cứ cho các nhận định của mình.

Một trường hợp đậu xe bị xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh minh họa:  HTD

Ngay tại khoản 1 Điều 2 LCT 2004 về đối tượng áp dụng đã quy định, luật này áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh…”. Như vậy, việc kinh doanh của hai quán cháo lòng A và C thuộc đối tượng điều chỉnh của LCT 2004. Rà qua các quy định của LCT 2004, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tại Chương III về hành vi cạnh tranh không lành mạnh có khoản 5 Điều 39 quy định về hành vi “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”. Đồng thời tại Điều 44 LCT 2004 cũng nêu rõ: “Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Đối chiếu với tình huống kỳ 7, mặc dù đường không cấm đậu xe và việc đậu xe ở đoạn đường đó là không sai nếu như anh A không có ý định “dùng xe chắn quán”. Với ý định đó, chúng ta có thể xác định hành vi của anh A là hành vi“gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh” của quán cháo lòng C. Đó là hành vi vi phạm điều cấm của LCT 2004.

Từ các phân tích trên, đáp án của À Ra Thế kỳ 7 là: Anh A không được đậu xe cản trở việc kinh doanh của quán cháo lòng C.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Những bạn đọc có đáp án khác với đáp án trên hãy tiếp tục tham gia tình huống của À Ra Thế kỳ 8 nhé.

Con số may mắn và các bạn đọc trúng giải kỳ 7 sẽ được công bố trên số báo ra thứ Tư ngày 14-9 tới đây.

Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *