Tình huống kỳ 27: Giả rễ đinh lăng đem bán

Tình huống kỳ 27

A biết nhiều người có nhu cầu mua rễ đinh lăng để ngâm rượu nên bàn với B lên núi phía sau nhà đào rễ cây một củ (có rễ giống như rễ cây đinh lăng, còn có tên khác là cây bùi béo) để làm giả rễ cây đinh lăng bán kiếm tiền tiêu xài.

Tình huống kỳ 27: Giả rễ đinh lăng đem bán - ảnh 1
Tình huống kỳ 27: Giả rễ đinh lăng đem bán - ảnh 2

Tình huống kỳ 27: Giả rễ đinh lăng đem bán - ảnh 3

Sau nhiều lần lên núi đào, cả hai đào được 10 kg rễ cây một củ và chia nhau mỗi người một nửa đem đi tiêu thụ. A đem 5 kg rễ cây một củ trên đi bán dạo với giá 400.000 đồng/kg, thu lời bất chính được 2 triệu đồng.

Khác với A, B biết có ông C ở xóm dưới đang tìm mua rễ đinh lăng để ngâm rượu uống nên mang số rễ cây một củ trên đến bán. Nghe B ba hoa một lúc, ông C cũng đồng ý mua số rễ đinh lăng giả này cũng với giá 400.000 đồng/kg.

Tưởng mua được rễ cây dược liệu quý, ai ngờ sau một thời gian ngâm rượu, bình rượu của ông C có màu sắc khác lạ, không giống với những bình rượu mà ông C đã thấy ở nhà người quen. Đem cái thứ đã ngâm bấy lâu nay đi hỏi người trong nghề, ông C biết mình bị B chơi một vố đau nên đi trình báo công an. Sau khi bị bắt, B đã khai ra người chủ mưu là A và khai nhận toàn bộ sự việc.

Rễ cây đinh lăng
Rễ cây đinh lăng

Dù cả A và B đều thành khẩn khai nhận hành vi nhưng cán bộ điều tra vẫn lúng túng trong việc xác định bản chất hành vi của A và B để xử lý theo quy định của pháp luật.

Do vậy, À Ra Thế đành nhờ đến quý bạn đọc nhanh tay tra cứu các quy định pháp luật để xác định xem xử lý A và B như thế nào cho đúng và đừng quên gửi kèm dự đoán số người có đáp án đúng nhé!

BAN TỔ CHỨC

Nguồn: plo.vn
TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)
Câu 1. Xử lý A và B thế nào cho đúng?
Theo tình huống đề ra thì A và B rủ nhau đào củ bùi béo có hình dạng giống rể cây đinh lăng để lừa phỉnh bán cho người dân kiếm tiền tiêu xài. Hành vi này có dấu hiệu của tội lựa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 theo đó:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu  đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Căn cứ vào tình huống và cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Điều 139 thì A và B không phạm tội này, vì khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hửu còn ở tình huống này, A và B mặc dù có hành vi lừa dối nhưng khách thể mà A và B xâm phạm đến không chỉ là quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác mà còn xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của nhà nước. Vì vậy, hành vi của A và B sẽ bị xử lý về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Do giá trị hàng giả  chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên A và B sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 12, 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:

Điều 12. Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng

1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:

a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

d) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 13. Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa

1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Là phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa giả mạo đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

d) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Câu 2. Số người có đáp án đúng:………

Sau khi hoàn thành 2 câu hỏi trên, các bạn gửi thư về địa chỉ arathe2016@phapluattp.vn, nhớ ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc nhé.

Đáp án kỳ 26: Người Việt không được đặt ‘tên ngoại’

(PL)- Dù chưa hết “tháng ăn chơi” nhưng lượng đáp án gửi về cho cuộc thi vẫn xấp xỉ các đợt trước đây. Điều này đã chứng tỏ sự yêu quý của bạn đọc dành cho sân chơi quen thuộc này.

Tình huống của kỳ 26 không quá khó với “dân trong nghề” nhưng lại lắt léo nếu người tham gia ít có điều kiện cọ xát với các thủ tục hành chính về hộ tịch. Do vậy, số lượng đáp án đúng kỳ này dự đoán sẽ không cao. Nhưng không sao, tiêu chí của chúng ta là “Không được giải cũng được luật” mà, phải không các bạn?

Để có đáp án được À Ra Thế công nhận chấm giải, bạn đọc cần phải tra cứu ba luật khác nhau, đó là Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch và Bộ luật Dân sự. Nếu viện dẫn thiếu một trong ba văn bản luật trên, đáp án của quý bạn đọc sẽ khó mà hoàn chỉnh được.

Do em bé trong tình huống là con chung của chị A và anh Andrew Thomas (quốc tịch Mỹ) nên việc đầu tiên chúng ta cần xác định chính là quốc tịch của em bé. Theo khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch về trường hợp quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đã quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. Tình huống đưa ra, anh Andrew đi đăng ký khai sinh nhưng không có văn bản thỏa thuận với chị A về việc chọn quốc tịch cho em bé. Do vậy, việc xác định quốc tịch cho em bé sẽ căn cứ vào quy định cũng tại khoản 2 Điều 16 này: “Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam”. Tiếp đó, thủ tục đăng ký khai sinh được quy định khá cụ thể tại Điều 16 và Điều 36 Luật Hộ tịch 2014. Theo quy định này, “Trường hợp cha mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân” (Điều 36). Như vậy, với các quy định trên và đối chiếu với tình huống của kỳ 26, chúng ta xác định được em bé mang quốc tịch Việt Nam.

Vấn đề còn lại cần xác định là việc anh Andrew đăng ký khai sinh cho con với tên là Nhã Lily Thomas thì có được hay không. Để làm được điều này, chúng ta lại phải tra cứu quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 3 Điều 26 của luật này về quyền có họ, tên đã quy định: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”. Với quy định này thì đến đây đã rõ, cán bộ thụ lý từ chối là có cơ sở.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 26 là cán bộ tiếp nhận từ chối làm thủ tục đăng ký khai sinh như vậy là đúng.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

À Ra Thế xin gửi lời cảm ơn đến bạn đọc Nguyễn Quốc Sử (Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã gửi tình huống này. Con số may mắn kỳ 26 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư (15-2) kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *