Một số bất cập trong Luật Nuôi con nuôi

Qua 5 năm triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được là rất lớn thì vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục và hoàn thiện.

 trangtinphapluat.com giới thiệu một số bất cật sau:

1. Những hạn chế, bất cập trong thi hành Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP:

a) Theo quy định của pháp luật thì “một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng” (Khoản 3, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi). Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ nuôi không còn đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc chết, có người khác muốn nhận người dưới 18 tuổi làm con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền không thể đăng ký nuôi con nuôi vì quan hệ nuôi con nuôi đã xác lập trước đây không thuộc các trường hợp được chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật (Điều 25 Luật Nuôi con nuôi). Như vậy, điều này sẽ gây thiệt thòi cho người dưới 18 tuổi.

Một số bất cập của Luật nuôi con nuôi
Một số bất cập của Luật nuôi con nuôi

b) Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột.

  Việc quy định này sẽ gây mất quyền lợi được nuôi dưỡng, chăm sóc đối trường hợp người từ đủ 16 tuổi trở lên nhưng bị tàn tật, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc trường hợp người già yếu, cô đơn có nhu cầu nhận con nuôi để được chăm sóc.

(Từ 25/4/2019: Sửa quy định về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi)

c) Khoản 1, Điều 23 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng”. Trong trường hợp họ chuyển đi cư trú ở địa phương khác thì UBND cấp xã nơi thường trú mới không thể biết mối quan hệ nuôi con nuôi để theo dõi, nhắc nhở cha mẹ nuôi việc thực hiện quy định này.

d) Theo quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi và Điều 8 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi thì công chức tư pháp – hộ tịch nơi thường trú của cha mẹ đẻ thực hiện việc lấy ý kiến cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ. Đối với trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi ở khác địa phương, cha mẹ nuôi không có điều kiện đến tại địa phương nơi cha mẹ đẻ thường trú và pháp luật cũng không quy định phải có mặt cha mẹ nuôi tại buổi lấy ý kiến nhưng tại phần cuối của biên bản lấy ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi (Mẫu TP/CN-2011/CN.07.a) có nội dung Cha/mẹ đẻ của trẻ em và người nhận nuôi con nuôi có/không có thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ nói tại điểm 4 của Biên bản này”, như vậy, công chức tư pháp – hộ tịch không thể có cơ sở để thực hiện nội dung xác nhận này.

e) Căn cứ Khoản 3, Điều 10 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định “Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh ghi rõ là cha mẹ nuôi” đối với quy định này là không phù hợp vì khi một bên cha hoặc mẹ đẻ đã chết thì việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh được thực hiện như thế nào vì thiếu ý kiến của một bên.

2. Đề xuất kiến nghị

– Cần quy định thêm những trường hợp được chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi do tự nguyện khi cha mẹ nuôi không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc cha mẹ nuôi chết, mất năng lực hành vi dân sự trong trường hợp con nuôi chưa thành niên hoặc bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự để đảm bảo con nuôi được người khác nhận nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi
Chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi

– Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp nuôi trẻ mà không thông báo, đăng ký theo quy định pháp luật.

(Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính chuẩn nhất)

– Điều chỉnh thời hạn giải quyết nuôi con nuôi phù hợp với thực tế.

– Điều chỉnh quy định về thay đổi họ cho con nuôi theo yêu cầu của cha mẹ nuôi hoạc theo yêu cầu của con nuôi (nếu con nuôi đủ 18 tuổi trở lên).

– Điều chỉnh biểu mẫu lấy ý kiến phù hợp với quy định của Luật và Nghị định.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *