13 hạn chế, bất cập trong Luật Tố cáo năm 2011

Theo Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo  của Thanh tra Chính phủ  kèm theo Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2017, thì qua 4 năm thi hành thì Luật Tố cáo 2011 có những bất cập sau:

1. Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo

Khoản 1 Điều 12 quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng nguyên tắc này trong một số trường hợp còn có những vướng mắc nhất định như: thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác; đã về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có người bị tố cáo làm việc bay đã giải thể hoặc sáp nhập sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

2. Về thẩm quyền giải quyết tố cáo

Luật tố cáo chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy gây ra những khó khăn nhất định trong việc thực hiện.
Việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng gặp khó khăn, vướng mắc khi quy định người đứng đầu có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với đối tượng do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. Trong thực tế phát sinh trường hợp một người vừa được một chủ thể bổ nhiệm, vừa lại được một chủ thể khác quản lý trực tiếp, do đó khi công chức đó bị tố cáo sẽ khó xác định người có thẩm quyền giải quyết.

Điểm mới của Luật Tố cáo 2018
Điểm mới của Luật Tố cáo 2018

3. Về thời hiệu tố cáo

Luật tố cáo hiện nay không quy định thời hiệu tố cáo, trong thực tế có nhiều trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra từ rất lâu, không còn gây nguy hại nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét, giải quyết. Việc xem xét giải quyết gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém, lãng phí trong quá trình thực hiện.

4. Về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ

Theo quy định của Luật tố cáo thì người tố cáo phải nêu rõ họ, tên địa chỉ, ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo. Thực tế có trường hợp người tố cáo cung cấp được các thông tin, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xác minh nhưng người tố cáo dấu họ tên vì sợ bị trả thù, trù dập và thực tế nhiều vụ việc tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo vẫn được một số cơ quan xem xét, giải quyết hoặc một số trường hợp thì không xem xét. Thực tiễn trên gây ra sự thiếu thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.

5. Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

Luật tố cáo hiện hành quy định những nội dung cơ bản về trình tự thủ tục giải quyết tố cáo. Tuy nhiên vẫn còn thiếu các quy định cụ thể trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết như: việc tiếp nhận và xử lý ban đầu thông tin tố cáo; rút đơn tố cáo; tiến hành xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo…Do vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhiều khi còn khó khăn trong quá trình thực hiện.

6.  Về việc tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp

Tại điểm b, khoản c  Điều 27 quy định:“Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo; trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại”. Tuy nhiên trên thực tế rất khó để xác định được việc giải quyết thế nào đúng hay không đúng pháp luật, nếu như không có bước xử lý ban đầu để xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc trước đó để quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tiếp, xác minh, xem xét cụ thể nội dung vụ việc. Mặt khác, Điều 27 cũng quy định chỉ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp phải xác định được vụ việc đó được giải quyết đúng pháp luật hoặc không đúng pháp luật là khó khả thi trên thực tế.

Quy định về bảo vệ người tố cáo
Quy định về bảo vệ người tố cáo

7.  Về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo

Luật tố cáo chưa quy định rõ về vấn đề này, do vậy trên thực tế đã diễn ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã ban hành có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý sai phạm về kinh tế tài chính…Vì vậy gây ra những bức xúc cho người dân và xã hội.

8. Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo

Trách nhiệm của các cơ quan trong công tác giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 43. Nhưng chỉ quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan ở Trung ương trong công tác giải quyết tố cáo còn các cơ quan khác chỉ là phối hợp trong báo cáo. Thực tế các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ trong giải quyết tố cáo và việc phối hợp cần được quy định cụ thể về phạm vi, mức độ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Vấn đề này cần được nghiên cứu, bổ sung quy định trong Luật.
Ngoài ra, Điều 42 quy định “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện định kỳ thông báo với UBND cùng cấp về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm việc với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo”. Tuy nhiên trên thực tế, việc phối hợp của các cơ quan tư pháp với cơ quan hành chính trong giải quyết tố cáo rất khó thực hiện vì không có hướng dẫn cụ thể.

9. Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận:

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được quy định trong tại Điều 44. Nhưng việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp hiện nay chưa được quy định trong Luật tố cáo mà quy định ở các Luật khác. Điều này làm giảm tính chủ động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc giám sát công tác giải quyết tố cáo tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở.

10. Về  bảo vệ người tố cáo

Luật tố cáo bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, đồng thời đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012. Tuy nhiên, các quy định đó chưa khả thi, chưa xác định rõ trách nhiệm và các điều kiện cần thiết nhất là về tài chính để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

12. Về việc khen thưởng người có thành tích trong tố cáo

Luật tố cáo chỉ có quy định mang tính nguyên tắc về khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo. Vì vậy chưa động viên, khuyến khích được những người có trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.

(Tải slide bài giảng Luật Tố cáo 2018)

13. Về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm

Việc xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của người giải quyết tố cáo là khâu cuối cùng và quan trọng nhất trong quá trình giải quyết tố cáo. Việc xử lý khách quan, đúng pháp luật có tác dụng tích cực đối với việc phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm, đồng thời khuyến khích, động viên ý thức đấu tranh của nhân dân chống lại các vi phạm pháp luật trong xã hội. Luật tố cáo đã có quy định xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc xử lý theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế, vì chưa quy định rõ ràng, thiếu các biện pháp chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể có những hành vi vi phạm pháp luật như: cố tình không giải quyết tố cáo, vi phạm thời hạn giải quyết tố cáo, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc giải quyết, cố tình tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo…

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *