Quy định thực hiện cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Theo Quyết định 4339/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 Ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thì:

I. Nguyên tắc và yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sau:

1. Các thủ tục hành chính phải được niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu theo Quyết định công bố thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

2. Khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, cá nhân, tổ chức chỉ liên hệ với một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Việc liên hệ với các cơ quan, bộ phận có liên quan để hoàn tất các bước công việc và trả kết quả cuối cùng cho tổ chức, cá nhân là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận hồ sơ ban đầu.

Mức hỗ trợ CBCC tại Bộ phận một cửa
Quy định thực hiện cơ chế một cửa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

3. Bảo đảm minh bạch, khách quan và công bằng trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả.

4. Bảo đảm giải quyết công việc đúng hạn, nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan hành chính.

5. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.

6. Việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

7. Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp tài liệu, giấy tờ, thông tin vốn thuộc trách nhiệm xác minh, thu thập của cơ quan hành chính nhà nước hoặc các văn bản do cơ quan có thẩm quyền của tỉnh ban hành, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành.

8. Không được lạm dụng yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính.

II.Thời gian tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

1. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ vào tất cả các ngày làm việc từ thứ hai đến thứ sáu; thời gian làm việc:

Thời gian làm việc của bộ phận một cửa
Thời gian làm việc của bộ phận một cửa

– Buổi sáng: Từ 07 giờ đến 11 giờ.

– Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút.

– Thời gian còn lại trong ngày làm việc dùng để sắp xếp, lưu trữ, cập nhật, chuyển hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đã giải quyết từ phòng chuyên môn, bộ phận có liên quan chuyển đến.

2. Việc tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy thực hiện theo quy định của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.

III.Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

1. Bố trí cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

a) Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các Sở, Ban, ngành chịu sự quản lý, điều hành của Chánh Văn phòng hoặc Trưởng Phòng Hành chính – Tổ chức.

b) Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc biên chế Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, chịu sự quản lý, điều hành của Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại thì việc bố trí công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt.

c) Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là công chức thuộc 7 chức danh công chức cấp xã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Công chức Văn phòng – Thống kê giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, điều hành công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Yêu cầu phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc.

b) Có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao.

c) Có tác phong, thái độ chuẩn mực, giao tiếp tốt với cá nhân, tổ chức.

3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính.

c) Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần.

d) Tiếp nhận hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định.

đ) Chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính không khả thi hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

e) Mặc đồng phục (nếu có) trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

g) Thực hiện các quy định khác của pháp luật.

4. Quyền lợi của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng ứng xử, giao tiếp với cá nhân, tổ chức;

b) Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định.

5. Quản lý cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Người đứng đầu cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; ban hành quy chế hoạt động để quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

b) Trường hợp công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả không thuộc biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng và hàng năm, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân gửi bản đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho người quản lý trực tiếp của công chức để điều chỉnh phân công công việc, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, bình xét thi đua – khen thưởng và thực hiện kỷ luật nếu có vi phạm.

 Nguyễn Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *