Thời hạn ban hành và thi hành quyết định cưỡng chế là bao lâu

          Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ có quy định thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, còn đối với quyết định cưỡng chế thì Luật và các văn bản chưa đề cập đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan áp dụng.

          Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 2 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ  quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Và Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP không quy định rõ thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế là bao nhiêu ngày kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đã gây nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan trong quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Trình tự, thủ tục cưỡng chế vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
Thời hạn cưỡng chế vi phạm hành chính

Thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế

Đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành quyết định cưỡng chế phải được thực hiện ngay sau khi hết thời hạn quy định mà người vi phạm vẫn không tự nguyện thi hành và tối đa chỉ trong 1 năm, có như vậy mới đảm bảo tính kịp thời, tính răn đe và giảm bớt hậu quả có thể xảy ra. Quan điểm này viện dẫn Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, quá thời hạn đó thì không thi hành nữa. Do đó, nếu quyết định xử phạt đã không thi hành thì đương nhiên sẽ không ban hành quyết định cưỡng chế được, nên có thể hiểu chỉ ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp phạt tiền là trong 1 năm kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.

          Đối với trường hợp có hình thức phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế có thể kéo dài hơn 1 năm.

(Các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính cần biết để tránh)

          Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng do Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không có quy định rõ ràng thời gian nên việc ban hành quyết định cưỡng chế có thể bất cứ lúc nào và trên thực tế có những quyết định xử phạt đã ban hành hai, ba năm người có thẩm quyền mới ban hành quyết định cưỡng chế.

Trangtinphapluat.com cho rằng tốt nhất là ngay sau khi thời hạn thi hành quyết định xử phạt hết mà cá nhân/tổ chức vi phạm không chấp hành hoặc chỉ chấp hành một phần thì người được giao tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tham mưu cho người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế để cưỡng chế vi phạm hành chính, như vậy mới đảm bảo tính kịp thời, khắc phục được hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, chứ để càng lâu thì hành vi vi phạm, hiện trạng vi phạm sẽ thay đổi, khó khăn cho việc cưỡng chế.

Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế

          Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày người vi phạm nhận được quyết định cưỡng chế, còn thời hạn tối đa thì Luật và Nghị định 166 không quy định. Như vậy sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật.

Cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm
Thời gian ban hành quyết định cưỡng chế là bao lâu?

Thời hạn cưỡng chế ghi bao lâu là phù hợp?

Nghị định 166/2013/NĐ-Cp về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ quy định về thời hạn tối thiểu là 15 ngày, do đó trong quá trình tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế cần lưu ý: Đối với những hành vi vi phạm có thể cưỡng chế được ngay thì thi thời gian càng ngắn càng tốt nhưng tối thiểu phải là 15 ngày, kể từ ngày cá nhân/tổ chức vi phạm nhận được quyết định cưỡng chế. Đối với những trường hợp vi phạm phức tạp như trên lĩnh vực xây dựng, đất đai cần phải có phương án tháo dỡ/phá dỡ tài sản nên thời gian cưỡng chế nên kéo dài 30 ngày hoặc dài hơn để cơ quan có thẩm quyền xây dựng kế hoạch cưỡng chế, phương án tháo dỡ đảm bảo an toàn.

(Mẫu kế hoạch cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

          Để chi việc hiểu và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thống nhất, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế và nên giới hạn thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 1 năm.

Xem chuyên đề 1: Những điểm mới của Luật xử lý vi phạm hành chính

Xem chuyên đề 2:  Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Xem chuyên đề 3: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Xem chuyên đề 4: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cập nhật năm 2019

Xem chuyên đề 5: Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Xem chuyên đề 6: Sơ đồ quy trình xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản 

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

54 Bình luận

  1. Nguyễn Tri Hùng

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày người vi phạm nhận được quyết định cưỡng chế, còn thời hạn tối đa thì Luật và Nghị định 166 không quy định.

    Nội dung này sai lầm nghiêm trọng, đề nghị người viết xem kỹ khoản 3 Điều 5 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

    • Nguyễn Quốc Sử

      Cảm ơn bạn đã đọc bài viết nhưng mình đã kiểm tra và nội dung mình viết là hoàn toàn đúng.

      • Nguyễn Tri Hùng

        Hình như tôi hiểu ý của anh. Thời hạn thi hành QĐ cưỡng chế tối đa là hơn 15 ngày nhưng phải ghi rõ trong quyết định cưỡng chế. Nếu trong quyết định không ghi thời hạn trên 15 ngày thì thời hạn phải thi hành là 15 ngày. Tôi xin lỗi anh!

        • Nguyễn Quốc Sử

          Cảm ơn bạn đã hiểu ý tác giả. Nói chung là xử lý hành chính thì vướng nhiều lắm, nếu bạn có vướng mắc gì thì viết để mình đăng lên chia sẻ nhé

          • Nguyễn Tri Hùng

            Anh suy nghĩ một chút về vấn đề này nhé, nghe có vẻ vô lý nhưng không có căn cứ gì để bác bỏ được.

            Rằng sau khi hết thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế theo luật định mà vì lý do nào đó vẫn chưa được thi hành mặc dù có điều kiện để thi hành. Sau khi hết thời hạn trên, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế tiếp tục ra một quyết định cưỡng chế nữa để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên.

            Nghĩa là có 02 quyết định cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một nội dung, cùng một đối tượng bị cưỡng chế.

            Việc người có thẩm quyền ra hai quyết định cưỡng chế như vậy có phạm luật không?

          • Cảm ơn bạn đã viết hay. Mình có trường hợp vướng thế này, bạn tư vấn giúp.
            Quyết định XPVPHC : phạt tiền và buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm ( XD trái phép trên đất hành lang giao thông đường bộ) nhưng người vi phạm không chấp hành cả 2 hình thức thì phải ban hành QĐ cưỡng chế.Tuy nhiên, muốn ban hành QĐ cưỡng chế kê biên tài sản để đảm bảo số tiền phạt và tiền chi phí cưỡng chế thì phải xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.
            Tại Điều 20 NĐ thì người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh. Trường hợp này với cấp huyện thì cơ quan nào đi xác minh.
            Nếu người vi phạm ở địa phương ( huyện, tỉnh khác) thì phối hợp với ai để xác minh, tổ chức cưỡng chế tài sản kê biên như thế nào? trong nghị định không nói rõ.Bạn biết tư vấn giúp, cảm ơn bạn.

          • Nguyễn Quốc Sử

            Mình cũng gặp nhiều trường hợp người vi phạm không nộp phạt tiền và việc xác minh tài sản để khấu trừ rất là khó khăn, thường là giao cho cơ quan nào tham mưu quyết định xử phạt thì cơ quan đó tiến hành xác minh. Tuy nhiên, để đảm bảo khắc phục hậu quả phá dỡ công trình thì mình thường tham mưu cưỡng chế phần biện pháp khắc phục hậu quả trước còn phần tiền xác minh sau, khi nào có điều kiện thì cưỡng chế.
            Cảm ơn bạn đã quan tâm đến trangtinphapluat.com

      • Bạn Sử nói đúng, cảm ơn bạn.
        Mình có những vướng mắc thế nay, bạn có hướng nào giúp với.
        Khi ban hành QĐ xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp buộc khắc phục hậu quả ( phá dỡ công trình trái phép lấn chiếm hành lang AT giao thông), người vi phạm không chấp hành thì phải cưỡng chế:Với trường hợp này có hai nội dung cưỡng chế:

        • Cảm ơn ý kiến của bạn.Mình định áp dụng dùng biện pháp khắc phục hậu quả trước nhưng Điều 38 Nghị 166 lại bắt buộc áp dụng đồng thời 02 hình thức nên thấy khó quá. Nếu áp dụng 01 biện pháp khắc phục hậu quả thì e rằng sai quy định.

          • Nguyễn Quốc Sử

            không sai đâu, vì quá thời hạn thi hành thì phải cưỡng chế, cái nào có khả năng cưỡng chế thì cưỡng chế trước thôi, có lợi cho người vi phạm mà

  2. Nguyễn Đức Minh

    Tôi có thể hỏi chút được không?bài viết nói thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyêt định XPVP hành chính là rõ ràng. Tuy nhiên tôi mới chỉ đọc được là UBND ban hành thôi và có quy định người ra QĐ XPVP hành chính có trách nhiệm theo dõi,kiểm tra,đôn đốc việc thực hiện QĐ XPVP. Trường hợp Chánh Thanh tra cấp Sở quyết định XPVP hành chính,trong đó có tịch thu số tiền rất lớn, Chánh thanh tra rất khó để đề nghị Ngân hàng thưcj hiện khấu trừ tài sản hoặc thực hiện kê biên tài sản … Như vậy Chánh thanh tra có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế được không và như vậy có không đúng về thẩm quyền ko?

    • Nguyễn Quốc Sử

      Trước đây, theo Nghị định 37/2005/NĐ-CP thì cấp trên có thẩm quyền cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp dưới, còn theo LUật XLVPHC và Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì không quy định rõ ràng, chỉ quy định cấp trên có quyền tổ chức cưỡng chế quyết định XPVPHC của mình và của cấp dưới. Trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng thì cấp dưới ban hành quyết định xử phạt, trong đó có biện pháp buộc khắc phục hậu quả như tháo dỡ công trình xây dựng, trả lại đất nhưng khi cưỡng chế chỉ cưỡng chế phần tiền còn phần khắc phục hậu quả phải do cấp trên thực hiện vì cấp dưới không có thẩm quyền. Vấn đề cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế sẽ tùy vào từng nghị định, từng trường hợp cụ thể.
      Trong trường hợp Chánh Thanh tra ban hành quyết định xử phạt, có tịch thu số tiền rất lớn thì bạn cần xem lại thẩm quyền tịch thu của Chánh Thanh tra tới đâu (giá trị tiền), nếu vượt quá thẩm quyền thì mới trình cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế

  3. Bình luận của bạn về bài viết này…

  4. Sau khi hết thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế theo luật định mà vì lý do nào đó vẫn chưa được thi hành mặc dù có điều kiện để thi hành. Sau khi hết thời hạn trên, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế tiếp tục ra một quyết định cưỡng chế nữa để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên.
    Nghĩa là có 02 quyết định cưỡng chế thi hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một nội dung, cùng một đối tượng bị cưỡng chế.
    Việc người có thẩm quyền ra hai quyết định cưỡng chế như vậy có phạm luật không?
    Mình cũng cos thắc mắc như bạn Nguyễn Tri Hùng..xin được phép lấy nội dung vướng mắc đó mong được bạn giải đáp để cùng rõ nội dung.
    Xin cảm ơn!

    • Nguyễn Quốc Sử

      HIện nay luật và nghị định không quy định thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế nên vẫn tổ chức thực hiện được bạn nhé

      • Trần Thanh Bình

        Nếu như khi đã ra Quyết định cưỡng chế mà Quyết định cưỡng chế đó sắp hết thời hạn nhưng vẫn chưa tổ chức cưỡng chế được hoặc người vi phạm có đơn xin gia hạn thời gian cưỡng chế để tự tháo dỡ công trình thì người ra Quyết định cưỡng chế có thể ban hành 1 Quyết định gia hạn Quyết định cưỡng chế được không hay là ban hành 1 Quyết định cưỡng chế mới?
        Xin cảm ơn

        • Nguyễn Quốc Sử

          Không ban hành quyết định cưỡng chế mới, vì chỉ ban hành mới khi quyết định cũ bị sai về thẩm quyền, nội dung. Do đó, nên ban hành 1 quyết định sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế bạn nhé, trong quyết định nêu rõ lý do sửa đổi thời gian.

  5. đặng văn nho

    ubnd cấp xã có thể ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyets định xử phạt của UBND cấp huyện trong trường hợp nào vậy bạn

    • Nguyễn Quốc Sử

      Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì chỉ quy định cá nhân nào ban hành quyết định xử phạt thì phải ban hành quyết định cưỡng chế và chỉ được ủy quyền cho cấp phó khi mình vắng mặc. UBND cấp xã không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế của UBND cấp huyện mà chỉ tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế khi được giao thôi

      • không biết bạn Sử ở đâu vậy ạ? vì nếu ở TP. HCM thì m biết có QĐ 58/2013/QĐ-UBND của UBND TP. HCM về qui chế phối hợp quản lý trật tự đô thị trên địa bàn tp. theo đó, sau khi UBND xã lập biên bản mà xét thấy việc xử phạt vượt quá thẩm quyền thì chuyển hs lên UBND Huyện, UBND Huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính kèm biện pháp khắc phục hậu quả. nếu quá 10n mà ko thực hiện biện pháp khăc phục hậu quả thì UBND cấp xã ban hành quyết định cưỡng chế.

  6. Trần Thị Tùng

    Cho mình hỏi, mình ở xã thì UBND xã có được ban hành Quyết định cưởng chế đối với trường hợp công dân trên địa bàn xã lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình phụ của gia đình trên đất lân chiếm không?

  7. Nguyễn Thị Loan

    cho em hỏi là trước khi tiến hành cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì mình cần soạn sẵn các loại biên bản và quyết định cần thiết nào để phục vụ quá trình cưỡng chế ạ ạ?
    em xin cảm ơn

    • Nguyễn Quốc Sử

      Trong Nghi định 81/2013/NĐ-CP có biểu mẫu áp dụng cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, bạn chế biến mẫu này thành biên bản áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
      Biên bản đo đạc hiện trường
      Biên bản kiểm kê tài sản
      Biên bản bàn giao tài sản
      Thông báo về thời gian thực hiện cưỡng chế
      Biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành (nếu họ tự nguyện phá dỡ…)

  8. Cho em hỏi là QĐ khắc phục hậu quả vào 01/01/2013, đến nay (11/01/2017) mới có điều kiện cưỡng chế. Vậy khi thực hiện cưỡng chế áp dụng văn bản nào? (luật xử lý vphc hay pháp lệnh xlvphc)?

    • Nguyễn Quốc Sử

      Trang tin pháp luật trả lời như sau:
      Theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
      1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
      Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
      2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
      3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
      4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
      5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
      Như vậy, theo quy định tại Khoản 1 nêu trên thì văn bản áp dụng là văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi. Hành vi theo như bạn nói là xảy ra trước ngày 01/01/2013, quyết định khắc phục hậu quả ban hành ngày 1/1/2013 (nhưng mình không rõ thời hạn thi hành quyết định là bao lâu để xác định còn hay hết hiệu lực) lúc đó pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đang có hiệu lực, đến 01/7/2013 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực.Vậy, áp dụng Luật hay pháp lệnh mới đúng?
      Theo trangtinphapluat.com thì hành vi không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả vẫn đang xảy ra (kéo dài từ khi có quyết định khắc phục hậu quả đến nay vẫn còn)nên áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 166/2013/NĐ-CP để tiến hành cưỡng chế biện pháp khắc phục hậu quả bạn nhé.
      Nếu cần tư vấn cụ thể thì bạn liên hệ gmail: kesitinh355@gmail.com và phải trả phí tư vấn.
      Thân chào

      • A Sử cho e hỏi, từng bước triển khai cưỡng chế. Khi cưỡng chế mời thành phần nào tham gia, người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là ubnd cấp huyện. có trường hợp ra quyết định xử phạt hành chính nhưng người ta ko đóng tiền thì làm cách nào

        • Nguyễn Quốc Sử

          Trước khi cưỡng chế phải xây dựng phương án cưỡng chế, trong đó nêu rõ trách nhiệm của công an, người chủ trì, người lập biên bản chung cả quá trình cưỡng chế, lập biên bản kiểm kê tài sản, biên bản đo đạc hiện trạng….
          Trường hợp không chấp hành phạt tiền thì bạn xem Nghị định 166/2013/NĐ-CP để cưỡng chế phần phạt tiền nhé.
          Để được tư vấn cụ thể bạn liên hệ email: kesitinh355@gmail.com, lưu ý có trả phí

  9. a Sử cho e hỏi theo quy định tại khoản 3 Điều 5 NĐ 166/2013 có ghi :”Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận qđ cưỡng chế”. Như vậy có 2 quan điểm: Một là, Sau 15 kể từ ngày người bị vi phạm nhận được qđ cưỡng chế mà không thực hiện thì cơ quan nhà nước mới tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. Quan điểm hai là, kể từ ngày người vi phạm nhận được Qđ cưỡng chế thì trong thời hạn 15 ngày cơ quan nhà nước phải thực hiện xong việc cưỡng chế. Co hai qđiển hiểu như vậy a xem giúp cho. Cảm ơn

    • Nguyễn Quốc Sử

      15 ngày là thời hạn cho tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế thực hiện cưỡng chế bạn nhé, còn đối với người vi phạm thì trong quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả đã dành thời gian chọ họ tự thực hiện, họ không tự thực hiện nên mới cưỡng chế. Và khi đã cưỡng chế thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ cưỡng chế.

  10. Anh Sử cho em hỏi, trường hợp hết thời hạn ra quyết định xử phạt vphc => người có thẩm quyền không quyết định xử phạt vphc nhưng có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 2 điều 65 luật xử lý vphc). Tuy nhiên, người vi phạm vẫn không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Vậy khi nào thì cơ quan có thẩm quyền mới được ra quyết định cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả ạ?

  11. a sử có thể cho e xin số điện thoại không ạ?có vấn đề vướng mắc xin được gọi để trao đổi với anh. Em cảm ơn

  12. a ơi , giúp em với ah. cho em hỏi xã em ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu qur đối với hộ vi phạm đất đai, thời gian giao cho hộ là 15 ngày. đến ngày 14 hộ khiếu nại lại , vì trong quyết định cưỡng chế xác định sai số thửa vi phạm. vậy cho em hỏi trong quyết định ghi sai số thửa vi phạm thì xã có hủy được quyết định trên và ban hành quyết định mới không, thời hạn giao cho hộ sắp hết rồi. cảm ơn a

    • Nguyễn Quốc Sử

      Theo quy định tại Điều 6b Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì Hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

      1. Người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính;

      b) Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính;

      c) Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính;

      d) Có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính.

      2. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định;

      b) Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.

      3. Trong các trường hợp sau đây, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới:

      a) Các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, khoản 2 Điều này;

      b) Có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị khởi kiện.”
      Và tại Điều 6a Nghị định 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017 thì Sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính như sau:

      1. Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Có sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định;

      b) Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định.

      2. Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

      3. Khi phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính tự mình hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đó có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính những nội dung sai sót trong quyết định.

      4. Quyết định sửa đổi, bổ sung, văn bản đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính là những văn bản gắn liền với quyết định về xử lý vi phạm hành chính đã được ban hành và được lưu trong hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.”
      Căn cứ vào quy định trên và trường hợp của bạn chỉ là sai số thửa nên căn cứ Điều 6a chỉ cần đính chính quyết định chứ không cần hủy bạn nhé

  13. Cho mình hỏi: Mẫu quyết định số 10 (quyết định Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả) của Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày ngày 18/8/2017 của chính phủ. Tại Điều 2 (phần thời gian thực hiện) điều 3 (hiệu lực thi hành) điều 4 (trong thời hạn … ngày) của quyết định. Phần thời gian của các điều này ghi thế nào cho đúng vậy? vì mình đang xử lý công trình lớn nên thời gian để phá dỡ các hạng mục vi phạm là rất lâu. Nên phần thời gian ghi thế nào cho phù hợp và căn cứ các quy định nào? Bạn giúp mình nha.

    • Điều 2.

      1. Thời gian thực hiện:…. ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này.
      (Thời gian thực hiện theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế hành chính thì “Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”, do đó trong trường hợp này bạn có thể ghi 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc tốt hơn nên ghi thời gian dài ra do mình tự chọn có thể là 50 – 100 ngày hoặc nhiều hơn tùy tính chất phức tạp của việc cưỡng chế.

      2. Địa điểm thực hiện(10):………………………………………………………………………….

      3. Cơ quan, tổ chức phối hợp(11):……………………………………………………………….

      Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…./…./……………..
      Ngày ni do người ký cưỡng chế quyết định, có thể là ngày ký hoặc ngày nào đó sau ngày ký ban hành văn bản.

      Điều 4. Quyết định này được:

      1. Giao cho ông (bà)(12) ………………………….. là cá nhân vi phạm/đại diện cho tổ chức vi phạm có tên tại Điều 1 Quyết định này để chấp hành.

      Trong thời hạn…. ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này, ông (bà)/tổ chức(13) ………………………………………………………………………………………………………….
      Thời gian này dó người quyết định cưỡng chế quy định có thể là 5 hoặc 10 ngày tùy vào mức đô công trình để người vi phạm tự tháo dỡ
      có trách nhiệm thực hiện Quyết định. Nếu quá thời hạn mà ông (bà)/tổ chức(13) ………………..
      …………………………………………………………………………………………………………………….
      không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

      Ông (bà)/Tổ chức(13) ………………………………. có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

      2. Gửi cho(14)………………………………………. để tổ chức thực hiện./.

      • Cảm ơn đã giúp mình giải đáp thắc mắc. Cảm ơn

        • vâng, nếu có gì cần giải đáp thì bạn vui lòng gửi câu hỏi qua email hoặc phản hồi ở dưới bài viết, trangtinphapluat.com sẽ nghiên cứu và trả lời

          • Cho mình hỏi. Lãnh đạo cơ quan mình có văn bản giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (cấp phó đã ký ban hành quyết định XP VPHC). Bây giờ ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả (theo mẫu số 10 của Nghị định 97) là lãnh đạo (cấp trưởng) mình ký, vậy phần căn cứ của quyết định cưỡng chế có cần ghi Căn cứ văn bản giao quyền xử lý vi phạm hành chính không ? hay ghi y nguyên theo mẫu của Nghị định 97 ? Trả lời giúp mình nhé. Cảm ơn nhiều

          • Không ghi căn cứ văn bản giao quyền bạn nhé, vì cấp trưởng ký nên không ghi, trường hợp cấp trưởng đi vằng giao quyền cho cấp phó ký cưỡng chế thì trong quyết định cưỡng chế phải ghi căn cứ quyết định giao quyền

      • Anh Sử cho em hỏi thêm! Quyết định cưỡng chế của em ban hành ngày 05/04/2019! Trong quyết định tại điều 2 ghi thời gian thực hiện Quyết định là 15 ngày; Tại điều 4 Quyết định ghi thời hạn 15 ngày để hộ gia đình chấp hành tự giác tháo dỡ! UBND xã không đợi hết 15 ngày theo điều 4 để hộ gia đình tự tháo dỡ,mà tổ chức tháo dỡ luôn sau 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thì có đúng theo trình tự và quy định của pháp luật không

        • Trong Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ nói về thời gian tổ chức cưỡng chế là 15 ngày hoặc dài hơn do người có thẩm quyền quy định, không có quy định thời gian để người bị cưỡng chế tự thực hiện, vì trong quyết định xử phạt hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả đã có quy định trong thời gian bao nhiêu ngày thì người vi phạm phải tự thực hiện nếu quá thời gian đó mới tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, trong mẫu biên bản Nghị định 97/2017/NĐ-CP không hiểu vì sao lại có quy định cho cá nhân vi phạm có thêm thời gian để tự thực hiện khắc phục hậu quả.
          Trong quyết định đã ghi rõ thời gian để người dân tự tháo dỡ thì phải chờ hết thời gian đó mới tổ chức thực hiện thì sẽ phù hợp với quyết định, còn việc tổ chức trước thì theo Luật XLVPHC và Nghị định 166 vẫn đảm bảo, vì Luật xlvphc quy định khi cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành xử phạt thì bị tổ chức cưỡng chế.

          • trong quyết định cưỡng chế của bạn OLA : tại điều 2 của quyết định cưỡng chế ghi 15 ngày, và tại điều 4 cũng ghi là 15 ngày, như vậy Quyết định đó đã sai phạm. bởi vì tại Điều 2 là dành cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành, và điều 4 ghi 15 ngày là 15 ngày cho người vi phạm chấp hành,
            có thể hiểu: Tại điều 2 là thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền thi hành là 15 ngày. (có thể nói là Quyết định này chỉ tồn tại 15 là phải cưỡng chế xong quá 15 ngày tổ chức cưỡng chế là sai)
            Điều 4 cũng ghi 15 cho người vi phạm tư chấp hành.
            KẾT LUẬT: HẾT 15 NGÀY CHO NGƯỜI VI PHẠM TỰ THÁO DỠ CŨNG LÀ HẾT THỜI GIAN CHO CƠ QUAN TỔ CHỨC CƯỠNG CHẾ. VẬY LÀ SAI PHẠM LỚN. QUYẾT ĐỊNH NÀY K THỂ NÀO THI HÀNH ĐƯỢC

          • Anh Nguyễn Quốc Sử cho em hỏi? Như trường hợp của Em thì Anh Bíp phân tích như này thì có đúng không anh

          • Ý kiến phân tích của Anh Bíp là phù hợp với nội dung quyết định mà bạn nêu, và phù hợp với Nghị định 166/2013/NĐ-CP và biểu mẫu của Nghị định 97/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tiễn khi hết thời hạn tổ chức cưỡng chế trong quyết định thì vẫn tổ chức cưỡng chế được, vì quyết định cưỡng ché không hết thời hiệu thi hành. Nếu có sai thì chỉ sai về mặt tổ chức thực hiện, việc này không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người vi phạm.

        • thật ra thì tại địa phương mình cũng đang tồn tại 06 công trình vi phạm giống như bạn Ola vừa nêu, nên hiện nay chưa biết làm thế nào để tổ chức cưỡng chế! ola rảnh chúng ta trao đổi thêm được k?

  14. Thân Thị Phương

    Cho em hỏi trường hợp này với ạ: Năm 2002 tổ chức đo đạc lại đất để cấp đổi sổ đỏ, tuy nhiên địa chính xã đã đo sai 1 phần đường đi vào phần đất thuộc sổ đỏ của nhà bà A. Sau khi giải quyết rất nhiều lần thì phía xã ra thông báo, phía huyện ra quyết định rằng cần đo đạc lại để cấp đổi sổ đỏ cho nhà bà A. Tuy nhiên đã hơn 1 năm kể từ ngày ra thông báo, quyết định thì con đường ấy vẫn chưa được trả lại. Vậy cho em hỏi là có cơ quan nào bị sai trong việc không thực hiện quyết định trên không ạ? và đã quá thời hạn thực hiện chưa?

    • Theo như nội dung bạn hỏi thì đã có thông báo, quyết định của xã, huyện về việc đo đạc lại để cấp sổ đỏ nhưng quá 1 năm chưa thực hiện. Tuy nhiên, bạn cần xem kỹ trong thông báo, quyết định đó có nêu thời gian cụ thể thực hiện hay không? nếu có thời gian cụ thể mà đã quá thời gian không thực hiện thì xã và huyện đã thực hiện không đúng và bạn có quyền kiến nghị, khiếu nại việc không thực hiện việc đo đạc.

  15. Chào anh! cho em hỏi vài trường hợp ntn ak:
    1. Em đang thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông. các công trình vi phạm đã xây dựng, cơi nới từ lâu thì sẽ không ban hành được QĐXPVPHC phải không?. Vì NĐ 139/2017/NĐ-CP quy định các công trình xây dựng là trong thời hạn 2 năm???
    2. nếu sổ đỏ được cấp quyền sử dụng đất ở sát mép đường trong phạm vi HLATGT có được cưỡng chế không?
    3. nếu nhà có trước đường thì như nào??
    Cảm ơn anh

    • Trangtinphapluat trả lời bạn như sau:
      Câu 1.Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm kể từ ngày kết thúc hành vi (đối với trường hợp đã chấm dứt hành vi vi phạm), do đó nếu quá thời hiệu 2 năm thì không xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả.
      Câu 2. Nếu sổ đỏ đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân thì nhà nước đã thừa nhận quyền của họ. Theo BLDS thì người sử dụng bất động sản được sử dụng trong khuôn viên đất của mình, do đó hộ gia đình, cá nhân có quyền xây dựng, tuy nhiên phải tuân thủ pháp luật về xây dựng.
      Câu 3. Nếu nhà có trước đường thì hành vi của họ đâu có vi phạm, giờ muốn giải tỏa thì phải đền bù thiệt hại.
      Để tư vấn chi tiết hơn bạn vui lòng liên hệ tư vấn viên qua mail kesitinh355@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *