Giải đáp nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao năm 2017

Ngày  07 tháng 4 năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, theo đó:

1. Trường hợp Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp dân sự mà các bên viện dẫn các tập quán khác nhau thì giải quyết như thế nào?

Khi xem xét, quyết định áp dụng tập quán thì Tòa án căn cứ Điều 3, Điều 5 và các quy định khác của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tùy từng trường hợp cụ thể giải quyết như sau:

Tập quán có giá trị áp dụng là tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015. Trường hợp có nhiều tập quán thì áp dụng tập quán do các bên thỏa thuận; nếu các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

2. Tòa án giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Trường hợp này, Tòa án có phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không?

Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

3. Trường hợp lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng cao hơn 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố thì Tòa án căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 hay khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng… thì áp dụng theo quy định của Luật này”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Do vậy, đối với hợp đồng vay mà một bên là tổ chức tín dụng thì lãi suất của hợp đồng vay được thực hiện theo thỏa thuận mà không theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

4. Khi giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó được cấp cho hộ gia đình và tại thời điểm giải quyết tranh chấp, thành viên hộ gia đình đã có sự thay đổi so với thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này những thành viên nào của hộ gia đình có quyền sử dụng đất đó? Những thành viên nào của hộ gia đình có quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng?

Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Như vậy, khi giải quyết vụ án dân sự mà cần xác định thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất cần lưu ý:

– Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

– Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

– Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

RUBI

XEM TOÀN VĂN HƯỚNG DẪN TẠI ĐÂY

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *