Một số đổi mới trong công tác tuyên truyền giai đoạn 2016-2021

Theo dự thảo Đề án Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  giai đoạn 2016 – 2021 thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được đổi mới như sau:

1. Đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật

– Thực hiện việc chuyển hướng từ chủ yếu tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật thực định sang tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách pháp luật mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế; các hành vi bị nghiêm cấm và các chế tài xử lý; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành pháp luật; gắn với các vụ việc, sự kiện, tình huống pháp lý cụ thể gắn kết với xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

– Chú trọng giáo dục ý thức pháp luật gắn với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Nội dung cần tập trung vào bản chất, vị trí, vai trò, ý nghĩa của Nhà nước và pháp luật trong quản lý, điều hành và kiến tạo sự phát triển xã hội; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; lợi ích, ý nghĩa và giá trị của việc tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; các biện pháp phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa các tai tệ nạn xã hội; phòng ngừa các hành vi xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giáo dục gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành pháp luật; phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi chống đối xã hội, tiêu cực.

– Tiếp tục truyền bá các tư tưởng chính trị – pháp lý, những chủ trương, chính sách đổi mới gắn với các cuộc cải cách lớn có tác động mạnh đến đời sống xã hội như: Cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp…

2. Đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

– Duy trì các hình thức PBGDPL có hiệu quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm (Tư vấn miệng; GDPL trong nhà trường; đối thoại chính sách, pháp luật; Ngày pháp luật; Ngày Hội Pháp luật; kết hợp PBGDPL với tư vấn pháp luật và TGPL lưu động; mạng lưới loa truyền thanh cơ sở; chuyên trang, chuyên mục trên báo chí; hệ cơ sở dữ liệu văn bản QPPL). Duy trì mô hình Ngày Pháp luật định kỳ hằng tháng, hưởng ứng trong tuần lễ trọng điểm Ngày pháp luật;

Mô hình Ngày pháp luật Việt Nam 09/11

– Khai thác, sử dụng có hiệu quả các hình thức PBGDPL mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng các trang mạng xã hội; trang tin PBGDPL; phần mềm thi tìm hiểu pháp luật; trò chơi pháp luật; hỏi đáp pháp luật qua điện thoại, qua mạng trực tuyến, qua các hoạt động của sinh viên tình nguyện, qua hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; đối thoại, phóng sự…).

– Đối với thông tin pháp luật: Tập trung đăng tải công khai rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử của Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; cơ quan, tổ chức; Công báo hoặc niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để mọi người tự tìm hiểu, nắm bắt, khai thác và sử dụng.

– Đối với nội dung chính sách pháp luật: Tập trung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đối với đội ngũ người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật; gắn với trách nhiệm tự học tập, nghĩa vụ học tập bắt buộc hàng năm của đội ngũ cán bộ, công chức và kết quả tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ công chức hăng năm;

– Đối với vụ việc, tình huống cụ thể, gắn với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Tập trung thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật trực tiếp, TGPL lưu động; qua hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, người hành nghề luật; các chuyên trang, chuyên mục bình luận trên báo chí; thiết lập kênh đối thoại, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp của các cơ quan, tổ chức có liên quan;

– Đối với địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở; in ấn, phát hành các chương trình PBGDPL trên loa truyền thanh bằng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn các tình huống, tiểu phẩm hỏi đáp pháp luật gắn với đời sống hàng ngày của người dân;

– Tích hợp, lồng ghép PBGDPL trong các môn học, chương trình giáo dục; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động PBGDPL ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp gắn với giáo dục trải nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng, phát huy năng lực của người học; chú trọng nội dung giáo dục pháp luật nghề nghiệp theo phương châm làm nghề nào nắm vững chuẩn mực, quy định pháp luật của nghề đó.

3. Tiếp tục đổi mới phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật

– Chú trọng các phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương; xây dựng các mô hình điểm, hiệu quả để nhân rộng; phát huy tinh thần tự giác, tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân kết hợp với đối thoại, giải đáp của cơ quan nhà nước về vướng mắc pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giáo dục của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách toàn diện, xây dựng con người mới; giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và xã hội; giữa nêu gương người tốt, việc tốt, hành vi tích cực với phê phán, lên án các hành vi vi phạm, các hành vi lệch chuẩn xã hội.

Đổi mới phương thức phổ biến giáo dục pháp luật
Đổi mới phương thức phổ biến giáo dục pháp luật

– Xây dựng nội dung, chương trình PBGDPL và triển khai các hoạt động PBGDPL cụ thể sát thực, đúng với từng đối tượng và địa bàn, bám sát nhu cầu, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

– Kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; lồng ghép với các hoạt động chuyên môn, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; qua các vụ việc, tình huống, sự kiện cụ thể.

4. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật

– Về hoàn thiện thể chế, chính sách: Tiếp tục rà soát, đánh giá để kế thừa những quy định còn phù hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, chương trình, Đề án về PBGDPL cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện; đề xuất những chủ trương, chính sách, pháp luật mới có khả năng tạo đột phá, giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác PBGDPL từ khía cạnh thể chế.

– Về xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: Nghiên cứu, khai thác có hiệu quả các ứng dụng tại Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia; củng cố cơ sở hạ tầng bảo đảm sự tiếp cận của nhân dân ở các khu vực hẻo lãnh, vùng sâu, vùng xa tới Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

– Về tài liệu PBGDPL: Nhà nước cung cấp các thông tin pháp luật chính thức do các cơ quan nhà nước tạo lập ra trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật (công khai các văn bản QPPL; hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự thảo văn bản QPPL; biên soạn đề cương tuyên truyền, tài liệu tập huấn nghiệp vụ để cung cấp nội dung chính sách pháp luật mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý). Các tổ chức đoàn thể xã hội biên soạn các tài liệu tuyên truyền phù hợp với đặc thù của thành viên, hội viên của tổ chức mình (quyền, nghĩa vụ, chế độ, chính sách); các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng lựa chọn đưa nội dung mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận (sự kiện, bình luận); kết nối giải đáp vướng mắc pháp luật với xuất bản ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến để khai thác, sử dụng chung. Xây dựng, phát hành các băng đĩa phát thanh, truyền hình bằng tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Dao, Bana, Ê để…).

– Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực: Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác PBGDPL, bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật chuyên sâu đề có đủ đội ngũ Báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm hoạt động PBGDPL; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật;

– Về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ: Chuẩn hóa chương trình khung, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện PBGDPL (theo nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực) bao gồm: Kỹ năng làm việc với các nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn đặc thù; các kỹ năng mềm liên quan đến công tác PBGDPL; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ máy cái; gắn kết bồi dưỡng nghiệp vụ với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn triển khai công tác PBGDPL; chuẩn hóa các Đề cương tài liệu PBGDPL các Luật, Pháp lệnh mới; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng PBGDPL hằng năm; bồi dưỡng máy cái để tập huấn, bồi dưỡng lại tại địa phương.

– Về công tác lập kế hoạch, thống kê, báo cáo và quan hệ phối hợp: Làm tốt công tác lập kế hoạch PBGDPL (trung hạn, hàng năm bảo đảm sự phối hợp, lồng ghép, có trọng tâm, trọng điểm); đổi mới chế độ thống kê, báo cáo để khai thác, sử dụng chung, chia sẻ thông tin; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp mà trọng tâm là đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng PBGDPL các cấp và Ban Thư ký của Hội đồng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL; nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về hợp tác quốc tế: Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến, theo kịp xu thế phát triển của các nước; tăng cường hoạt động trao đổi đoàn vào, đoàn ra, hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; quan tâm triển khai công tác PBGDPL tại địa bàn biên giới cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và công dân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

5. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Xây dựng Cổng thông tin điện tử PBGDPL để tích hợp thông tin, tài liệu PBGDPL; khai thác, sử dụng chung các tài liệu, ấn phẩm hỏi đáp pháp luật miễn phí phục vụ công tác PBGDPL (Đề cương tuyên truyền, sách hỏi đáp, các tình huống, vụ việc điển hình, các phóng sự, tiểu phẩm pháp luật…);

– Xây dựng các phần mềm trò chơi trực tuyến thi tìm hiểu pháp luật; các bài giảng điện tử; các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trên Cổng thông tin điện tử/Trang tin PBGDPL; xây dựng, khai thác các tủ sách pháp luật điện tử; ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội vào công tác PBGDPL (facebook…);

– Thiết lập và duy trì trang hỏi đáp chính sách- pháp luật; đường dây trực tuyến trả lời vướng mắc pháp luật kết hợp với tư vấn pháp luật để kết nối với các tổ chức hành nghề pháp luật, các cơ quan nhà nước, cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật; nắm bắt dư luận xã hội và phản ứng của dư luận xã hội đối với đời sống chính trị, pháp luật; thiết lập cầu nối để nhân dân tham gia phê bình, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật; phát hiện vướng mắc, bất cập từ đời sống pháp luật; thiết lập cầu nối để cơ quan, người có thẩm quyền đối thoại chính sách, pháp luật với người dân, doanh nghiệp;

6. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

– Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL.

– Huy động các tổ chức hành nghề pháp luật, các chức danh nghề nghiệp pháp luật (tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, các tổ chức hành nghề luật khác…); các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp; huy động sinh viên, học sinh Đại học Luật, các trường trung cấp luật tham gia PBGDPL qua giải đáp đường dây nóng; qua các đợt sinh viên tình nguyện; huy động người có kiến thức hiểu biết pháp luật tham gia PBGDPL cho nhân dân (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, các chức danh tư pháp, người có kiến thức pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư…); huy động các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng tham gia; huy động các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội nghề nghiệp (Hội luật gia, Đoàn luật sư; Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Nông dân…).

– Huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động PBGDPL; kết hợp giữa tuyên truyền, PBGDPL với giới thiệu quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

– Đẩy mạnh áp dụng hình thức công tư trong công tác PBGDPL: Nhà nước đặt hàng, đấu thầu các sản phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cấp phát miễn phí, phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân (mua bản quyền các tác phẩm tuyên truyền như: Chương trình Tòa tuyên án; Chương trình cầm tay chỉ luật; các chương trình, phóng sự phản ánh đời sống pháp luật trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng; các tiểu phẩm thi tìm hiểu pháp luật); tổ chức thi sáng tác tiểu phẩm pháp luật để lựa chọn các tiểu phẩm hay xuất bản thành băng đĩa tuyên truyền, nhân rộng; mua bản quyền các phần mềm thi tìm hiểu pháp luật để sử dụng rộng rãi. Ký kết các chương trình phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục PBGDPL trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng kỹ thuật số.

– Đấu thầu giờ phát sóng trên kênh truyền hình, phối hợp xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục thảo luận, bình luận chuyên sâu trên sóng phát thanh, truyền hình về các vấn đề pháp luật chuyên sâu; huy động sự vào cuộc của các luật sư, sinh viên luật thông qua kênh trả lời điện thoại tư vấn, hướng dẫn, giải đáp trực tuyến; đổi mới cách làm tờ gấp để kết hợp giữa nội dung pháp luật cần tuyên truyền với quảng cáo dịch vụ…

Ru bi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *