Bản sao từ sổ gốc chứng thực có được không?

“Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, quy định trên được nêu tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Bản sao từ sổ gốc được dùng để chứng thực?

Hiện nay có quan điểm cho rằng bản sao từ sổ gốc được  dùng làm bản chính để chứng thực bản sao từ bản chính, bởi lẽ:

bản sao từ sổ gốc

Bản sao từ sổ gốc có đầy đủ nội dung như bản gốc nên về bản chất có thể xem như bản gốc. Trong nhiều trường hợp công dân đi làm ăn xa nên để tạo điều kiện thì việc chứng thực bản sao từ bản sao từ sổ gốc là không sai. Quan điểm này được một số địa phương ở Tỉnh Thừa Thiên Huế đang áp dụng.

Chỉ bản chính mới được chứng thực bản sao

Quan điểm của người viết không đồng tình với cách hiểu trên, bởi vì:

– Theo Nghi định 23/2015/NĐ-CP về  cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thì bản sao từ sổ gốc là BẢN SAO (Bản sao” là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.”

Phân biệt sao y bản chính, chứng thực bản sao từ bản chính
Quy định về Chứng thực bản sao

– Đề chứng thực bản sao thì phải có BẢN CHÍNH. Bản chính theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định 23 là: những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(Chứng thực bản sao từ bản chính: Chứng toàn bộ hay một phần văn bản?)

Đối chiếu vào trên thì bản sao từ sổ gốc có nội dung giống sổ gốc nhưng không phải là BẢN CHÍNH nên không thể chứng thực bản sao được.

Hãy chia sẻ Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Để lại ý kiến ở phần bình luận. Cảm ơn.

Quốc Huy

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

2 Bình luận

  1. TM. Mai Tuấn Sang

    Kính gửi Quý anh chi!
    Hiện tại Công ty chúng tôi muốn xin các bản sao từ sổ gốc các giấy tờ như:
    1- Giấy chứng nhận đầu tư
    2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
    3- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
    Tuy nhiên, sau khi tham khảo Điều 4, Nghị định số: 23/2015/NĐ-CP, chúng tôi không thấy Mẫu đơn đề nghị các cơ quan liên quan đến các giấy tờ trên cấp bản sao giấy tờ trên từ sổ gốc.
    Tôi cũng tìm mãi trên các trang mạng Internet mà không thấy ? Có thể việc làm này không phổ biến.
    Tôi cũng xin nêu rõ nguyên do vì sao cần:
    1- Hiện công ty có 02 cổ đông Việt Nam và nước ngoài, tỷ lệ chiếm: 30%/70%. Phía nước ngoài là Chủ tịch HDQT và TGD.
    2- do 02 bên xảy ra mâu thuẫn nên phía VN muốn dừng Dự án, còn phía nước ngoài vẫn muốn tiếp tục.
    3- Phía VN đã giữ hết các giấy tờ bản gốc các giấy tờ trên, không đưa cho phía nước ngoài để thực hiện các thủ tục như: gia hạn giấy phép, vay vốn ngân hàng, triển khai xây dựng DA, tăng vốn điều lệ công ty. …
    Xuất phát từ đó hiện nay, phía nước ngoài muốn có các bản sao từ sổ gốc để họ có thể triển khai công việc.
    Kính đề nghị Quý anh chị xem xét hỗ trợ, nếu có các biểu mẫu trên thì cho tôi xin để hoàn tất các thủ tục xin cấp bản sao sổ gốc.
    Hiện trong tay của TGD (CTHDQT) chỉ có 01 bộ hồ sơ các giấy tờ bản sao đã công chứng nên cũng sẽ thuận tiện khi xuất trình với các cơ quan liên quan.
    Trân trọng cảm ơn.
    TM . Mai Tuấn Sang

    • Đúng là Nghị định 23 không có quy định mẫu đề nghị cấp bản sao từ sổ gốc, nhưng có quy định rõ người được đề nghị cấp bản sao và thủ tục cấp bản sao như sau:
      Điều 16. Cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc

      1. Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.

      2. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.

      3. Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.

      Điều 17. Thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc

      1. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra.

      Trong trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc là người được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.

      2. Cơ quan, tổ chức căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.

      3. Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi yêu cầu qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.

      4. Thời hạn cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *