Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt VPHC có cần phải lập biên bản giao nhận?

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho người vi phạm một bản. Như vậy, việc giao nhận có phải lập biên bản hay không? Trangtinphapluat.com sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn về gửi biên bản vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Biên bản vi phạm hành chính lập ít nhất mấy bản?

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì : . Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Quy định trên, khi lập biên bản vi phạm hành chính phải lập ít nhất 02 bộ, trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thì phải lập ít nhất 03 bộ. Và biên bản vi phạm hành chính PHẢI được giao cho người vi phạm 01 bản, quy định này là bắt buộc phải giao nhưng Luật lại không nêu rõ khi giao biên bản thì có cần phải lập biên bản giao nhận hay không?. trường hợp người vi phạm không nhận biên bản hoặc không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì xử lý như thế nào?

Giao biên bản vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì giao biên bản vi phạm hành chính thực hiện như sau:

“a) Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản;

b) Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó;

c) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành.”

Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính
Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính

Như vậy, theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP và biểu mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 118 thì trường hợp giao trực tiếp mà người vi phạm nhận biên bản vi phạm hành chính thì ghi rõ ngày giờ nhận biên bản trong mặt sau của biên bản vi phạm hành chính và người vi phạm ký vào.

Trường hợp người vi phạm không nhận biên bản vi phạm hành chính thì thực hiện gửi qua đường bưu điện như gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Đối với việc giao nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều 70 Luật XLVPHC quy định:

“Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.”

Thực tiễn xét xử

Tại Bản án số 29/2018/HC-ST ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương  về việc khiếu kiện quyết định hành chính về việc xử phạt hành chính và giải quyết khiếu nại. Tòa án nhận định như sau:

UBND phường N phát hiện hành vi vi phạm từ ngày 05/12/2017 nhưng đến ngày 06/6/2018 mới lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật XLVPHC “khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình , người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản”. Đồng thời tại khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC quy định “…Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm 1 bản,…”. Biên bản vi phạm hành chính ngày 06/6/2018 thể hiện người vi phạm là ông Đặng HUy A vằng mặt nhưng UBND phường N không lập thủ tục giao biên bản vi phạm hành chính cho ông A là không đúng theo quy định.

(Các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính cần biết để tránh)

Tóm lại, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính được giao trực tiếp cho người vi phạm. Trường hợp người vi phạm nhận thì ghi rõ thời điểm nhận ở mặt sau của biên bản, quyết định theo mẫu của Nghị định 118. Trường hợp người vi phạm có mặt mà không nhận hoặc cố tình trốn tránh thì thực hiện gửi qua đường bưu điện.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *