Cấp trên có được cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp dưới?

          Theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Và Điều 87 quy định thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng đồn Công an…

Nguyên tắc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính

         Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định nguyên tắc  cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền, chứ không nói rõ thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế là của người ban hành quyết định xử phạt hay là cấp trên của người ban hành quyết định xử phạt có được ban hành quyết định cưỡng chế khi quyền cưỡng chế vượt thẩm quyền của người xử phạt hay không?

(Xem các hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính)

          Trong thực tế có nhiều trường hợp cấp dưới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có đủ điều kiện lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế hoặc việc cưỡng chế liên quan đến nhiều địa phương…thì cấp trên có quyền ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt của cấp dưới. Vấn đề này đã được quy định tại Nghị định 37/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế  thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.. Tuy nhiên, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 166 ban hành và có hiệu lực thì lại không quy định cụ thể cấp trên có được quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp dưới hay không? Điều này đã gây nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng pháp luật.

Cấp trên có quyền cưỡng chế quyết định cấp dưới?

          Đa số ý kiến cho rằng: Cấp trên có quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp dưới trong một số trường hợp như việc cưỡng chế đó vượt khả năng của cấp dưới. Hoặc như trong lĩnh vực xây dựng thì mặc dù cấp dưới ban hành quyết định xử phạt nhưng cấp trên lại ban hành quyết định buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm (Theo quy định của Thông tư 02/2014/TT-BXD) – đây thực chất là biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

          Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng chỉ có người ban hành quyết định xử phạt mới có quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Bởi vì, Luật không quy định cấp trên có quyền ban hành quyết định cưỡng chế.

Để áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể việc ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *