Cưỡng chế trật tự xây dựng đô thị, hiểu thế nào cho đúng

          Theo quy định tại Điều 18, Điều 24 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thì : Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công trình xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chánh thanh tra Sở Xây dựng. Đối với công trình xây dựng vi phạm mà do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng thì thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thuộc về cơ quan cấp phép.

Chủ tịch xã có quyền cưỡng chế phá dỡ

          Trong quá trình thực hiện Nghị định 180, các cơ quan chức năng căn cứ vào quy định trên cho rằng Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ban hành quyết định cưỡng chế đối với công trình do mình cấp phép và đối với những công trình không có giấy phép xây dựng (chưa được UBND cấp huyện, Sở Xây dựng cấp phép).

(Mẫu kế hoạch cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

          Tuy nhiên, theo Thông tư 02/2014/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở lại có sự thay đổi so với Nghị định 180. Cụ thể, Thông tư 02 đã thay đổi cụm từ “do UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng cấp giấy phép” thành “thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng”. Và như vậy đã dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau:

Cơ quan nào cấp phép cơ quan đó ban hành quyết định cưỡng chế

cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính
Thẩm quyền cưỡng chế

          Một số ý kiến cho rằng Thông tư 02 căn cứ Nghị định 180 nên mặc dù có sự thay đổi về từ ngữ nhưng bản chất thì không có sự thay đổi. Nghĩa là Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyển ban hành quyết định cưỡng chế đối với công trình do UBND cấp xã cấp phép và những công trình không có giấy phép xây dựng. Cách hiểu này phù hợp với thực tế quản lý trật tự xây dựng đô thị đòi hỏi sự phản ứng nhanh của lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các công trình vi phạm.

          Đa số ý kiến khác lại cho rằng, Thông tư 02 đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức áp dụng pháp luật. Đó là Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có quyền ban hành quyết định cưỡng chế đối với những công trình do mình cấp phép, còn đối với những công trình không thuộc thẩm quyền cấp phép của xã và thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND huyện, Sở Xây dựng thì dù chưa có giấy phép xây dựng thì xét về bản chất nó vẫn thuộc thẩm quyền cấp phép của các cơ quan này nên Chủ tịch UBND cấp xã không có quyền ban hành quyết định cưỡng chế mà phải đề nghị những cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế còn UBND cấp xã tổ chức thực hiện.

          Do có sự khác nhau trong nhận thức áp dụng pháp luật nên nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị chưa xử lý triệt để. Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền quản lý về xây dựng cần có văn bản giải thích rõ thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, Sở Xây dựng.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *