Người có biểu hiện tâm thần có được quyền bầu cử?

  Còn hơn 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp (ngày 23/5/2021) – đây là ngày hội của toàn dân, ngày sinh hoạt dân chủ rộng lớn nhất, ngày mà người dân có quyền lựa chọn bầu những người mình tín nhiệm nhất vào các cơ quan đại diện ở trung ương và địa phương. Tuy nhiên, không phải tất cả công dân đều có quyền bầu cử mà trong một số trường hợp nhất định thì họ sẽ không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Những trường hợp hạn chế quyền bầu cử

          Theo quy định tại Điều 30 của Luật bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân năm 2015 thì: Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri, gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Người có biểu hiện tâm thần có được quyền bầu cử?
Người có biểu hiện tâm thần có được quyền bầu cử?

 4 trường hợp không được bầu cử

    Như vậy, theo quy định trên thì có 4 trường hợp không được bầu cử, trong đó trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự hiện nay ở các địa phương lại có quan điểm khác nhau về việc có đưa vào danh sách cử tri hay không? Có nhiều trường hợp người đó bị tâm thần nhưng chưa bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật nhưng mọi người dân xung quanh đều thừa nhận họ là người tâm thần. Vậy, có đưa họ vào danh sách cử tri hay không? Hiện nay có nơi đưa vào có nơi không?

Gia đình phải cam kết

          Theo cuốn hỏi đáp về bầu cử do Nhà xuất bản chính trị quốc gia phát hành (dùng cho cuộc bầu cử khóa XIV) tại câu 163 trang 189 có câu hỏi: người bị tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri không.

Theo như trả lời của cuốn sách thì:  “người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Những bệnh nhân tâm thần đang sống tự do trong nhân dân địa phương nhưng chưa được xác nhận của cơ quan y tế, song gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người bị tâm thần thì họ cũng bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Người bị tâm thần không có quyền bầu cử?

Như vậy, theo cuốn hỏi đáp về bầu cử nêu trên thì đối với trường hợp người bị tâm thần nhưng chưa  được cơ quan y tế xác nhận, nếu chính quyền địa phương xác nhận họ là người tâm thần thì không ghi tên vào danh sách cử tri. Cách trả lời này chưa đúng các quy định của pháp luật và thực tế có thể xâm phạm đến quyền bầu cử của người dân, cụ thể:

quy định về quyền bầu cử
Quy định của Bộ luật dân sự về người tâm thần

Theo Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân năm 2015 thì người bị mất năng lực hành vi dân sự mới không được ghi tên vào danh sách cử tri. Và theo Điều 22 của BLDS 2015, một người bị xem là mất năng lực hành vi dân sự khi bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận   giám định pháp y tinh thần.

Phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực

          Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự thì chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Và trên thực tế nhiều người bị tâm thần phân liệt thì họ vẫn nhận thức và làm chủ được hành vi, do đó nếu loại bỏ những người này ra khỏi danh sách cử tri theo như cuốn hỏi đáp nêu trên thì đã vi phạm quyền bầu cử – một trong những quyền cơ bản nhất của công dân.

          Người viết bài thiết nghĩ cuốn sách hỏi đáp chỉ mang tính chất tham khảo do đó ủy ban bầu cử cấp xã cần phải căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, Bộ luật dân sự 2015 để lập danh sách cử tri đảm bảo đúng quy định.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

2 Bình luận

  1. NGô Thị Như Hoa

    Tôi cũng nghĩ như vậy. TUy nhiên giải thích được cho mọi người khó lắm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *