Vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, xử phạt ra sao?

  Luật Đất đai 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai 2013 đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan trong việc phát hiện, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

          Ở nhiều địa phương, từ sau ngày 01/7/2014 hầu như tất cả hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đều không bị xử phạt vi phạm hành chính, bởi vì chưa có quy định xử phạt đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai 2013, trong khi đó Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì căn cứ vào Luật Đất đai 2003 để ban hành. Và Luật Đất đai 2003 thì đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2014, do đó không thể áp dụng một văn bản mà căn cứ để ban hành văn bản đó đã hết hiệu lực.

Vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
Vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai

          Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 105 mặc dù căn cứ Luật Đất đai 2003 để ban hành nhưng đến nay Nghị định 105 vẫn còn hiệu lực thi hành, bởi vì chưa bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ bằng một văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Bên cạnh đó, một số hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đất đai 2003 và 2013 là giống nhau, như nghiêm cấm hành vi: Lấn, chiếm đất; hủy hoại đất…Do đó, có thể áp dụng Nghị định 105 để xử phạt, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai. Nhưng việc xử phạt chỉ áp dụng với những hành vi phù hợp và được quy định trong Luật Đất đai 2013, còn những hành vi Luật Đất đai 2013 không quy định thì không được xử phạt.

(Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mới nhất)

          Quan điểm của người viết đồng tình với ý kiến thứ 2, tức là vẫn áp dụng Nghị định 105 để xử phạt đối với những hành vi bị nghiêm cấm mà Luật Đất đai 2003 còn phù hợp với  Luật Đất đai 2013, bởi lẽ một văn bản của trung ương chỉ hết hiệu lực khi thỏa mãn điều kiện được quy định tại Điều 81 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008. Tuy nhiên, để việc áp dụng được thống nhất, tạo thuận lợi cho  cơ quan cũng như người áp dụng pháp luật, thì Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới để thay thế Nghị định 105, đồng thời bổ sung vào Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 trường hợp văn bản không còn đối tượng điều chỉnh sẽ hết hiệu lực thi hành.

          Nguyễn Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *