Vướng mắc khi xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND các cấp

 Theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 21 Luật Khiếu nại thì Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.

Riêng đối với Chủ tịch UBND cấp xã có quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính với người do mình trực tiếp quản lý.

Như vậy, theo quy định trên thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là của cá nhân Chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều văn bản không do Chủ tịch UBND các cấp ký ban hành với tư cách cá nhân mà là thay mặt UBND (như quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ trợ tái định cư…) xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân dẫn đến công dân khiếu nại quyết định, trong trường hợp này thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là của UBND do Chủ tịch UBND đại diện hay là của cá nhân Chủ tịch UBND?.

Vướng mắc khi xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND các cấp

          Thực tế hiện nay, đối với các quyết định do UBND hay Chủ tịch ký khi bị khiếu nại thì đều do Chủ tịch UBND thụ lý và giải quyết khiếu nại, bởi vì theo quy định tại các Điều 17, 18, 21 Luật Khiếu nại quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND các cấp chứ không đề cập đến thẩm quyền của UBND các cấp. Và  Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng nêu rõ Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; pháp luật ở đây là Luật Khiếu nại.

Người viết cho rằng, cách hiểu và áp dụng luật như trên là chưa thật sự phù hợp, bởi vì:

          Tại các Điều 17, 18, 21 Luật Khiếu nại mặc dù có quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp nhưng nêu rõ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Chủ tịch UBND các cấp chỉ giải quyết khiếu nại lần đầu đối với những quyết định, hành vi của mình (cá nhân mình) chứ không phải nhân danh tập thể.

          Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại giải thích từ ngữ như sau: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”

Và tại Khoản 5 Điều 2 có giải thích” “Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại”

Như vậy, tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 2 đã nêu rõ người bị khiếu nại gồm cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Và người bị khiếu nại (cơ quan hoặc cá nhân) có trách nhiệm xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng hay không. Do đó, trong trường hợp các quyết định hành chính do UBND các cấp ban hành mà bị khiếu nại thì UBND phải có trách nhiệm giải quyết, và khi đó Chủ tịch UBND chỉ là người đại diện cho tập thể UBND để giải quyết khiếu nại chứ không phải giải quyết với tư cách cá nhân Chủ tịch. Cách hiểu này phù hợp bởi vì nếu có phát sinh bồi thường thiệt hại do Quyết định hành chính của UBND ban hành sai thì UBND bồi thường và quyết định  chứ không thể  Chủ tịch UBND quyết định buộc UBND cùng cấp phải bồi thường.

Tại Điều 7 Luật Khiếu nại có quy định người khiếu nại lần đầu có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính. Khoản 9 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định:  “Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện”. Như vậy, trường hợp công dân không khiếu nại hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì khởi kiện ra Tòa án, lúc đó đối tượng bị khởi kiện là UBND chứ không phải Chủ tịch UBND, và Chủ tịch UBND sẽ là người đại diện cho UBND tham gia phiên tòa với vai trò là bị đơn.

Từ những phân tích trên, người viết cho rằng đối với các quyết định hành chính của UBND các cấp khi bị khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết phải là UBND do Chủ tịch thay mặt giải quyết chứ không phải thẩm quyền cá nhân chủ tịch UBND.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, bình luận của bạn đọc để làm sáng tỏ vấn đề.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *