Xử lý kỷ luật viên chức (giáo viên cấp 2), thẩm quyền thuộc về ai?

Hiện nay vấn đề xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức (giáo viên) đang có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương, nhất là đối với những trường chưa được giao quyền tự chủ khi có giáo viên nằm trong diện bị kỷ luật thì có nơi Hiệu trưởng xử lý kỷ luật nhưng lại có nơi Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý kỷ luật. Tại sao lại có sự khác nhau như vậy?

 Thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức

          Những người theo quan điểm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có quyền xử lý kỷ luật viên chức lập luận rằng: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức,thì: “Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.” Do đó, Hiệu trưởng – người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có quyền kỷ luật viên chức.

          Tuy nhiên, những người theo quan điểm chỉ có Chủ tịch UBND cấp huyện mới có quyền xử lý kỷ luật viên chức (giáo viên) chứ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ không có quyền xử lý viên chức, thì cho rằng:

thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức
Quy định xử lý kỷ luật viên chức

          Theo Khoản 3 Điều 48 Luật Viên chức thì: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý viên chức hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này cho đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý.”

(Bất cập trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động)

          Khoản 1 Điều 48 có quy định nội dung quản lý viên chức  gồm “Thực hiện việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật viên chức”

          Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp có quyền xử lý kỷ luật viên chức, trừ trường hợp cơ quan này phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thì lúc đó người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập mới có quyền xử lý kỷ luật.

          Vậy, cách hiểu nào đúng hơn?

          Theo quan điểm của người viết thì cả 2 quan điểm đều có cơ sở pháp lý, tuy nhiên người viết nghiêng về quan điểm thứ nhất, tức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ có quyền quyết định kỷ luật viên chức, bởi vì bên cạnh cơ sở pháp lý Khoản 2 Điều 14 Nghị định 27 đã viện dẫn ở trên thì còn có các cơ sở sau:

xử lý kỷ luật viên chức
xử lý kỷ luật viên chức

          Thứ nhất, theo Điểm d Khoản 1 Điều 49 Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, hướng dẫn Khoản 3 Điều 48 Luật Viên chức thì: Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ có quyền “Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định”. Như vậy, theo quy định trên thị đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ có quyền xử lý kỷ luật viên chức, và so sánh với các điểm khác của Khoản  1 Điều 49 thì có đủ cơ sở khẳng định lập luận trên là đúng, vì các khoản a, b, c, e đều dùng từ “phân cấp” sau mỗi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa là chỉ được thực hiện khi phân cấp còn Điểm d không dùng từ “phân cấp” mà quy định trực tiếp thẩm quyền kỷ luật của đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ.

(Công chức, viên chức đang tại ngoại để điều tra có bị xử lý kỷ luật?)

          Thứ hai, căn cứ vào thành phần Hội đồng kỷ luật viên chức cũng đủ cơ sở khẳng định đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ có quyền xử lý ky luật viên chức, cụ thể theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 27 thì: Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Và tại Điều 19 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 14 của Nghị định này. Người có thẩm quyền theo Điều 14 là: “1. Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. 2. Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.”

          Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc xung quanh vấn đề nêu trên!

Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *