Đề cương Giới thiệu Luật phổ biến giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang khẳng định một vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa; với vai trò là cầu nối giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, là khâu đầu tiên của quy trình triển khai thực hiện pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Chính vì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có một vị trí và vai trò rất quan trọng như trên, ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật gồm 5 chương với 41 điều: quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

1. Về quyền được thông tin và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân (điều 2): Luật khẳng định công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Đồng thời, Luật xác định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.

Quyền này được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều 11 (Hình thức PBGDPL), Điều 15 (Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật), khoản 2 Điều 17 (PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân).

2. Chính sách của Nhà nước về PBGDPL (Điều 3) và xã hội hóa công tác PBGDPL (Điều 4)

– Luật đã khẳng định công tác PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; đồng thời bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác đảm bảo được quy định tại điều 38 và 39, gồm: Bảo đảm về tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh sinh viên
Tuyên truyền pháp luật cho học sinh sinh viên

– Vấn đề xã hội hóa về công tác PBGDPL: Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Luật đã thể hiện chính sách này tại các quy định về hình thức PBGDPL (Điều 11) như: hòa giải ở cơ sở, khai thác tủ sách pháp luật, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và đoàn thể, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; quy định khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL (khoản 2 Điều 15, khoản 3 Điều 17, khoản 4 Điều 18, khoản 4 Điều 19, khoản 3 Điều 20); trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Điều 29); trách nhiệm của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp (Điều 30), trách nhiệm của gia đình (Điều 32), tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở (Điều 37), khoản 3 Điều 39.

3. Về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (Điều 7): Được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ là Bộ Tư pháp, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Sở Tư pháp, của Ủy ban nhân dân cấp huyện là Phòng Tư pháp.

4. Về Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 8): Luật phổ biến, giáo dục pháp luật lấy ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta.

5. Về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân (điều 10 đến điều 16):

– Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm: quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

– Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm: họp báo, thông cáo báo chí; Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.

Bên cạnh những nội dung và hình thức nêu trên, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật còn quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù (từ điều 17 đến điều 22) là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; cho nạn nhân bạo lực gia đình; cho người khuyết tật; cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo và nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

6. Quản lý nhà nước về PBGDPL (Điều 6):

Ngoài ra, Luật còn quy định về các nguyên tắc PBGDPL; về các hành vi bị cấm trong công tác PBGDPL; về báo cáo viên pháp luật; đặc biệt luật đã xác định cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL: Chính phủ được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về PBGDPL; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL. Bên cạnh đó, Luật đã giao Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL và Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL tại địa phương./.

Quỳnh Ly

Nguồn:sotuphapqnam.gov.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *