Trường hợp nào công dân Việt Nam được có 2 quốc tịch?

Tôi tên là Doãn Thị Hằng, địa chỉ thường trú ở Thăng Bình- Quảng Nam Nam. Chồng tôi là người  Italia, chúng tôi đã đăng ky kết hôn. Tôi sắp sinh em bé và dự định cháu sẽ mang quốc tịch Italia. Tuy nhiên tôi muốn con tôi đồng thời có hai quốc tịch là  Italia và Việt Nam có được không. Nếu được thì thủ tục đăng ký như thế nào và ở đâu? Tôi dự định sinh em bé ở Hồ Chí Minh vậy liệu tôi có thể đăng ký cho cháu ở đó hay về tỉnh nơi tôi thường trú để đăng ký. Kính mong giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn.
Kính thư.
Doãn Thị Hằng
TRANGTINPHAPLUAT.COM TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)
1. Về quốc tịch của con chị
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Quốc tịch năm 2008 thì:  Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, về nguyên tắc chị và chồng chị phải có văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn quốc tịch Italia thì khi đó con chị mới được mang quốc tịch Italia.

Và tại Điều 4 của Luật Quốc tịch thì: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Và tại Điều 13 Luật Quốc tịch 2008 được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 thì: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực (ngày 26/6/2014) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Như vây, theo Luật Quốc tịch thì công dân Việt Nam chỉ có 1 quốc tịch, trừ trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy  định của pháp luật Việt Nam trước ngày 26/6/2014 thì mới được có 2 quốc tịch. Do đó khi chị muốn con có quốc tịch Italia thì chỉ có 1 quốc tịch Italia chứ không thể có đồng thời quốc tịch Italia và quốc tịch Việt Nam.

2. Về thủ tục đăng ký

2.1. Thẩm quyền đăng ký

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch thì Thẩm quyền đăng ký khai sinh được quy định như sau:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

Và theo Khoản 4 Điều 5 Luật hộ tịch thì: Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.

Như vậy, chị có thể đăng ký tại UBND huyện Thăng Bình hoặc UBND cấp huyện nơi bạn tạm trú hoặc sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2.2. Thủ tục đăng ký

Theo Điều 36 của Luật Hộ tịch thì Thủ tục đăng ký khai sinh như sau:

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Các biểu mẫu và hồ sơ Chị tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của UBND cấp huyện để được cung cấp và hướng dẫn viết hoặc tải TẠI ĐÂY

Nguyễn Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *