Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu các văn bản được ban hành từ ngày 01/02/2019 đến ngày 17/02/2019 như: Hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình tự thủ tục sửa chữa trụ sở làm việc…
1. Bãi bỏ 09 Nghị định do Chính phủ ban hành
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2019/NĐ-CP về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
– Nghị định 48/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài;
– Nghị định 50/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án;
– Nghị định 173/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự;…
Bên cạnh đó, Nghị định này còn bãi bỏ Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị.
2. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị thu hồi trong trường hợp:
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Trong 05 năm liên tiếp, doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ không năm nào đạt tỷ lệ tối thiếu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Trừ trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian 05 năm đầu tiên được cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không thực hiện chế độ báo cáo trong 03 năm liên tiếp theo quy định;
– Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp không đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định.
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về các trường hợp cấp mới, cấp thay đổi nội dung, cấp lại giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ…
3. Tàu bay không vận chuyển hành khách phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định 108/2015/NĐ-CP như sau:
“3. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; tàu bay sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng.
Trường hợp tàu bay, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; tàu bay không sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
4. Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, quy định điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cho phép thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài
5.Điều kiện cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Ngày 01/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, quy định về điều kiện về nhân sự để tổ chức được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:
– Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực: quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật.
– Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số quy định khác về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính…
6.Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ việc làm, bảo trợ xã hội
Ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về việc quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, có hiệu lực 20/3/2019.
Theo đó, quy định nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; được hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế nếu thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh; được hưởng chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật…
Đồng thời, con của nạn nhân bom mìn vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bom mìn vật nổ hoặc mua bán các loại vật liệu, phế liệu sau xử lý bom mìn vật nổ trừ các hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, an ninh.
7.Quy định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-UBND Về việc thực hiện sửa chữa, cải tạo, bảo trì, nâng cấp, mở rộng trụ sở, nhà làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 15/02/2019.
Theo đó, Chủ đầu tư thực hiện sửa chữa công trình theo trình tự như sau:
I. Đối với công trình có chi phí thực hiện dưới 20 triệu đồng:
a) Tổ chức lập dự toán công trình sửa chữa, đồng thời thuyết minh chi tiết về tên bộ phận công trình sửa chữa; mục tiêu, sự cần thiết thực hiện sửa chữa; khối lượng công việc; dự kiến thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc.
b) Thực hiện sửa chữa công trình từ nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị và tổ chức nghiệm thu, thanh, quyết toán theo thực tế công việc.
c) Quyết toán nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Quy định này.
II. Đối với công trình có chi phí thực hiện từ 20 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
a) Chủ đầu tư nêu mục tiêu, sự cần thiết sửa chữa báo cáo với cơ quan chủ quản (đơn vị dự toán cấp 1, nếu có) để khảo sát hiện trạng, thống nhất nội dung công việc sửa chữa công trình.
b) Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hoặc trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự toán, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán (thiết kế – dự toán) theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Quy định này.
c) Lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí theo quy định tại Điều 7 Quy định này.
d) Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 8 Quy định này.
đ) Tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện sửa chữa công trình.
e) Tổ chức thực hiện sửa chữa công trình và quản lý chất lượng công trình theo quy định về xây dựng. Tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán, bảo hành công trình.
g) Quyết toán nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Quy định này.