Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu các văn bản quan trọng được ban hành từ 02- 08/10/2017
- Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
Ngày 05/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, có hiệu lực từ 20/11/2017, theo đó quy định yêu cầu đối với cơ sở thực hành, trong đó, yêu cầu chung đối với cơ sở thực hành gồm: Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành (a); có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành (b) ; có người giảng dạy thực hành đáp ứng các yêu cầu chung đối với người giảng dạy thực hành nêu trên và có đủ thời gian hoạt động chuyên môn liên tục ở ngành/chuyên ngành hướng dẫn thực hành ít nhất là 12 tháng.
Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Có đủ các yêu cầu quy định tại (a), (b) nêu trên; có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành; có người giảng dạy thực hành đáp ứng yêu cầu quy định; tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 3 người học thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng; tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành, trừ trường hợp quy định tại (c) dưới đây.
Cơ sở thực hành là cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm: Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng hoặc có 1 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình thực hành của không quá 2 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 1 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng (c).
- Hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội
Ngày 04/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2017/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, có hiệu lực 20/11/2017, theo đó các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội gồm: Các cơ quan thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Cơ quan thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra Sở).
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ các nội dung thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn vệ sinh lao động; nội dung thanh tra chuyên ngành về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nội dung thanh tra chuyên ngành về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nội dung thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp; nội dung thanh tra chuyên ngành về người có công; nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và các chính sách xã hội khác.
- Sẽ bãi bỏ thêm đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành
Ngày 03/10/2017, tại Nghị quyết số 98/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, Chương trình đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Cụ thể: Sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành không cần thiết, bất hợp lý trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính; Các Bộ, UBND cấp tỉnh phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm đối với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đồng thời, sẽ sớm ban hành Nghị định kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh, các Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch, xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi)…; Đến hết Quý IV năm 2018, xây dựng các Đề án về xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh, cơ chế tín dụng và bảo lãnh tín dụng, Quy chế phối hợp liên thông giữa quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán hoặc thuê nhà ở, nhà xưởng, chứng nhận tạm trú, hợp đồng cung cấp điện nước và dịch vụ viễn thông….
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
- Sẽ bắt buộc các cơ sở đào tạo phải kiểm định chất lượng
Ngày 03/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành trong năm 2019 cơ chế, chính sách khuyến khích và hướng tới bắt buộc các cơ sở đào tạo tham gia kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập uy tín trong nước và quốc tế. Cũng trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục…
Bộ Công Thương được giao trách nhiệm hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm bảo vệ hợp lý thị trường trong nước, không để bị nước ngoài thâu tóm, thao túng.
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hế thống pháp luật về giá; bảo đảm tính đúng, đủ, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hóa, dịch vụ. Chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ Danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá.
- Hầu hết doanh nghiệp Nhà nước sẽ trở thành công ty cổ phần
Đây là một trong những nội dung nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước được ban hành kèm theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017.
Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018… Phấn đấu đến năm 2030, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần…
Với mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và gắn việc cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn 01 năm, từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Doanh nghiệp cố tình không niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngoài ra, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 là 250.000 tỷ đồng, riêng năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
6. Hỗ trợ máy móc, thiết bị mới cho sản xuất công nghiệp
Đây là nội dung của Thông tư số 20/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công.
Cụ thể, Thông tư quy định, máy móc tiên tiến được hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phải là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới. Riêng dây chuyền công nghệ được hỗ trợ còn phải đảm bảo là hệ thống các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt theo sơ đồ, quy trình công nghệ, vận hành đồng bộ để sản xuất sản phẩm.
Bên cạnh đó, máy móc phải được ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/11/2017.
- Giá cước gửi hồ sơ giải quyết TTHC qua bưu điện
Theo Thông tư số 22/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin truyền thông quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Thông tư này, giá cước tối đa đối với dịch vụ nhận gửi hồ sơ được quy định cho từng khu vực và tương ứng với khối lượng hồ sơ từ 100g – 500g. Cụ thể, giá cước trong nội tỉnh từ 26.000 đồng – 30.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo, tính thêm 2.200 – 2.900 đồng. Giá cước liên tỉnh dao động từ 31.000 đồng – 51.000 đồng; mỗi 500g tiếp theo tính thêm 6.300 – 9.700 đồng; riêng giá cước nội vùng được quy định dao động từ 30.500 đồng – 32.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo tính thêm 3.600 đồng. Với dịch vụ chuyển trả kết quả, mức giá cước tối đa cũng tương đương với giá cước nhận gửi hồ sơ.
Đối tượng được miễn giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả gồm: Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối tượng được giảm 50% giá cước bao gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động; Thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Vợ hoặc chồng, con đẻ, mẹ đẻ, bố đẻ của liệt sĩ; Người thuộc hộ nghèo; Người ở vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.