Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 16/9 đến 24/9/2017

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật quan trọng được ban hành từ ngày 16/9/2017 đến ngày 24/9/2017:

  1. Điều kiện buôn bán phân bón 

Nghị định số 108/2017/NĐ-CPTổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 16/9 đến 24/9/2017 về quản lý phân bón đã được Chính phủ ban hành ngày 20/09/2017, trong đó quy định cụ thể về các điều kiện buôn bán phân bón.

Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; Có cửa hàng buôn bán phân bón; cửa hàng phải có biển hiệu, sổ ghi chép, bảng giá bán công khai; Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng; Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và người trực tiếp bán phân bón cũng phải đáp ứng yêu cầu nêu trên.

Tổ chức, cá nhân đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20/09/2017 phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong 36 tháng, kể từ ngày 20/09/2017.

Cũng theo Nghị định này, phân bón là sản phẩm, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, được Cục Bảo vệ thực vật công nhân lưu hành tại Việt Nam. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 01 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Đánh giá tác động của du lịch đối với di sản thế giới

Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Theo đó, khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Vùng đệm của khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể di sản thế giới theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về di sản văn hóa.

Nghị định cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới. Cụ thể, tổ chức này có nhiệm vụ lập phương án và tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo vệ và quản lý di sản thế giới ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản thế giới, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại di sản thế giới và báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới di sản thế giới; triển khai các hoạt động để quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di sản thế giới. Đặc biệt, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới phải đánh giá được tác động của hoạt động du lịch đối với di sản thế giới và đề xuất phương án giảm thiểu tác động làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

  1. Hợp tác xã nông nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất 
Miễn, giảm tiền thuê đất nông nghiệp

Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định số 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Cụ thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp sẽ được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP; Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đồng thời, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên còn được ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã thực hiện các dịch vụ công ích, hợp tác tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.

Cũng theo Nghị định này, trong Hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ không còn Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân đã quy định trước đây.

Nghị định được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 15/09/2017.

  1. Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện 

Tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Chính phủ quy định kinh doanh thuốc lá sẽ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi trước đây, thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. 

Nghị định cũng cho phép thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.

Với các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, sẽ được mua sản phẩm thuốc lá từ các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá khác để bán cho các thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá hoặc bán tại các điểm bán lẻ của thương nhân trên phạm vi địa bàn được cấp phép.

Ngoài ra, Nghị định còn bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy điịnh trước đây. Cụ thể, với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03 m2 trở lên…

Nghị định này được ban hành ngày 14/09/2017; có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.;

  1. Không chủ động cứu người bị nạn trên sông, biển bị phạt đến 10 triệu đồng

Quy định mới về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017.

Nghị định này chỉ rõ, hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng; trong khi trước đây, mức phạt đối với hành vi này chỉ từ 03 – 05 triệu đồng.

Đặc biệt, Nghị định cũng tăng mức phạt đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ lên mức từ 20 – 40 triệu đồng, thay vì từ 10 – 20 triệu đồng như trước.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng hoặc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng. Hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện các hành vi này còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Với hành vi đóng thiếu vào Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định quy định phạt tiền bằng số tiền phải đóng góp còn thiếu theo từng đợt; Với hành vi đóng chậm, mức phạt tiền gấp 1,5 lần mức phải đóng góp theo từng đợt; Với hành vi không đóng, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phải đóng góp theo từng đợt. Trong cả 03 trường hợp này, mức phạt tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 50 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2017; thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.

6. Quy định mới về thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật

Ngày 20/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, có hiệu lực từ ngày 04/11/2017, theo đó thành viên Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, cấp huyện có sự thay đổi, cụ thể:

Ủy viên hội đồng là lãnh đạo cơ quan công an, cơ quan quân sự, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Đài phát thanh và truyền hình.

Mời lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, Tuyên giáo, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ CHí Minh, Hội Luật gia, Hiệp hội doanh nghiệp làm ủy viên Hội đồng. Đối với địa phương có đường biên giới thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ đội biên phòng làm Ủy viên Hội đồng.

Đối với Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh mời đại diện lãnh đạo Hội Luật sư tham gia ủy viên hội đồng.

So với Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg thì Quyết định 42/2017/QĐ-TTg mở rộng thành phần, không chỉ giới hạn một số cơ quan chuyên môn mà đã mở rộng tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện là Ủy viên hội đồng, bổ sung thêm các cơ quan Tư pháp ở địa phương (Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự), Bộ đội biên phòng.

  1. Hướng dẫn mới về tính phụ cấp thâm niên công nhân quốc phòng.

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 224/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng.

Theo đó, mức phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng được quy định như sau:

– Được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) khi có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội đủ 5 năm;

– Từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

Ví dụ: Tháng 7/1982, đồng chí P được Quân đội tuyển dụng công nhân quốc phòng; tính đến ngày 01/7/2016, đồng chí P có 34 năm là công nhân quốc phòng, được hưởng phụ cấp thâm niên với tỷ lệ là 34%.

VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG

Triển khai thực hiện quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam

Ngày 19/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3407/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 5 quy định mức chi chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và một số nội dung chi tiết, cụ thể như sau:

Trường hợp người đi công tác thuộc đối tượng thuê phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 2 người/phòng đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người hoặc lẻ người khác giới thì được thuê phòng riêng theo mức giá thuê phòng thực tế nhưng tối đa không được vượt mức tiền thuê phòng của những người đi cùng đoàn theo tiêu chuẩn 2 người/phòng.

Trường hợp người đi công tác thuộc đối tượng thuê phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 2 người/phòng đi công tác cùng đoàn với các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn thuê phòng khách sạn 1 người/phòng thì người đi công tác được thanh toán theo mức giá thuê phòng thực tế của loại phòng tiêu chuẩn (phòng Standard) tại khách sạn nơi các chức danh lãnh đạo nghỉ và theo tiêu chuẩn 2 người/phòng.

Chi thù lao cho giảng viên, chi bồi dưỡng báo cáo viên; người có báo cáo tham luận trình bày tại hội nghị: Thực hiện theo mức chi thù lao quy định đối với giảng viên, báo cáo viên tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trường hợp Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Chi công tác phí cho giảng viên, báo cáo viên do cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị chi theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị và ghi rõ trong giấy mời giảng viên, báo cáo viên.

Chi hỗ trợ tiền thuê phòng nghỉ và phương tiện đi lại cho đại biểu là khách mời không hưởng lương: cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị chi theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị để thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND tỉnh và theo dõi, hướng dẫn, giám sát các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy định; trường hợp phát sinh vướng mắc thì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Nội dung áp dụng nêu trên thay thế các quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 28/6/2011 của UBND tỉnh./.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *