Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu các văn bản pháp luật quan trọng ban hành từ 17/6 đến 23/6/2019 như: Điều kiện đặc xá, điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; phòng, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ…
1.Cứu được tài sản giá trị từ 50 triệu đồng được xem xét đặc xá
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá, có hiệu lực 01/8/2019.
Theo đó, người bị kết án phạt tù được xem xét đặc xá do lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù thuộc một trong các trường hợp sau: Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, người đang mắc bệnh hiểm nghèo được xem xét đặc xá phải là người đang bị ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng phục vụ bản thân, có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao…
2, Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
Ngày 19/6/2019, Chính phủ ban Nghị định 54/2019/NĐ-CP, Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực thi hành từ 01/9/2019.
Theo đó, Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke như sau:
– Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
– Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ;
– Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị cháy nổ).
– Nghị định 54/2019/NĐ-CP bỏ quy định: Mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động
3.Tổ chức tư vấn thẩm tra quy hoạch phải có chuyên gia 10 năm kinh nghiệm
Ngày 17/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2019/NĐ-CP quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, có hiệu lực từ ngày 17/6/2019.
Theo đó, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lựa chọn tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức tư vấn lập quy hoạch và tổ chức tư vấn thẩm tra quy hoạch. Trong đó, yêu cầu về năng lực tổ chức tư vấn thẩm tra quy hoạch đó là tổ chức đã thực hiện việc thẩm tra ít nhất 01 quy hoạch cùng chuyên ngành, có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn đáp ứng điều kiện quy định.
Đặc biệt, chuyên gia tư vấn chủ trì nhiệm vụ thẩm tra quy hoạch phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành thủy lợi, chuyên ngành liên quan đến quy hoạch cần lập, có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch.
4,Án lệ được áp dụng sau 30 ngày kể từ khi công bố
Ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.
Theo đó, Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến trong 30 ngày. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”.
5.Cán bộ, công chức thi đua thực hiện “4 xin, 4 luôn”
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 733/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.
Để thực hiện phong trào này, cán bộ, công chức cần giao tiếp, ứng xử với công dân đúng chuẩn mực: Tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc, giải thích cặn kẽ thắc mắc của người dân; Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; Có tinh thần hợp tác, tương trợ với đồng nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cũng cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuân thủ đạo đức gia đình, thuần phong mỹ tục… Việc nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; nghiêm túc nhận lỗi, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, khắc phục cũng góp phần không nhỏ trong việc thực hiện phong trào thi đua văn hóa công sở.
6Thực hiện kiểm kê đất đai từ 01/8/2019
Ngày 17/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.
Theo đó, Thời điểm thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 01/8/2019. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 được tính đến ngày 31/12/2019.
Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 như sau:
– Cấp xã hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 16/01/2020;
– Cấp huyện hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 01/3/2020;
– Cấp tỉnh hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 16/4/2020;
– Cả nước và các vùng kinh tế – xã hội hoàn thành trước ngày 16/6/2020.
– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn thành và gửi kết quả cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 16/01/2020 để tổng hợp, báo cáo; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 16/4/2020.
7.Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ
Ngày 17/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Theo đó, Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ
Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4….
8.Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Ngành thông tin truyền thông
Ngày 19/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2016/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông, có hiệu lực 05/8/2019.
Theo đó,Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông gồm những tin, tài liệu thuộc phạm vi sau đây:
– Thông tin, tài liệu, số liệu, cơ sở dữ liệu, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước, ứng phó với chiến tranh, tình trạng khẩn cấp chưa công bố hoặc không công bố thuộc các lĩnh vực: bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; báo chí; xuất bản; in, phát hành; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở (sau đây gọi tắt là “thông tin và truyền thông”).
– Thông tin, tài liệu về các cuộc đàm phán, tiếp xúc cấp cao giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về thông tin và truyền thông, kết quả điều tra, công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, phát minh, sáng chế, công trình khoa học, giải pháp hữu ích, bí quyết công nghệ ngành thông tin và truyền thông đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội chưa công bố hoặc không công bố.
– Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của các cơ quan, tổ chức khác.
9, Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực lao động thương binh
Ngày 18/6/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 2003/QĐ-UBND Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được ban hành mới, danh mục thủ tục hành chính bị sửa đổi, bổ sung/ bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo đó, công bố Danh mục gồm 08 thủ tục hành chính được ban hành mới (TTHC của cấp tỉnh); 30 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung (trong đó Cấp huyện 6 thủ tục, Cấp xã 4 thủ tục); 12 thủ tục hành chính bị bãi bỏ (Cấp huyện bỏ 01 thủ tục hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cả người khuyết tật đặc biệt nặng) và 17 thủ tục hành chính bị đưa ra khỏi danh mục 2 công bố thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam.
rubi