Trangtinphapluat.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc những văn bản luật và nghị định, thông tư có hiệu lực từ tháng 01/2021.
1. Chính thức hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND
Theo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì:
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước đây theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội riêng và Văn phòng HĐND cấp tỉnh riêng.
2. Nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP
Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 có hiệu lực 01/01/2021, thì có 5 nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP gồm:
+ Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
+ Bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP.
+Việc thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
(Đề cương tuyên truyền Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020)
+ Bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả.
+ Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
3. Mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, xã
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì HĐND, UBND cấp huyện, xã được tăng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
+ Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
+ Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
4. Xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn phải xin phép xây dựng
Theo Luật xây dựng sửa đổi 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì đã mở rộng các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn phải xin giấy phép xây dựng, cụ thể chỉ miễn giấy phép cho các trường hợp sau:
Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
5. Tài sản của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa
Theo Luật Đầu tư 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì: Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.
Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6. Từ 01/01/2021, có 3 phương thức đăng ký doanh nghiệp
The Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì: Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
+ Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
+ Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
+ Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
7. Không được ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải tại Tòa án
Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì việc Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
+ Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.
+ Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
8. Chính quyền phải đối thoại với thanh niên ít nhất 1 lần/năm
Theo Luật Thanh niên 2020, có hiệu lực 01/01/2021 thì Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật này.
9. Người lao động tham gia đình công sẽ không được trả lương
Theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực 01/01/2021 thì Tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công như sau:
+ Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
+ Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
10. Ngoài 9 Luật, Bộ luật nêu trên thì còn có Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020; Luật Chứng khoán 2019 cũng có hiệu lực từ 01/01/2021.
11. Những trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi theo Bộ luật Lao động
Theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực 01/01/2021 thì người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
+ Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
+ Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
+ Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.
12.Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025
Theo Nghị định 146/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 5 Nghị định 20/2011/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, có hiệu lực 01/01/2021 thì: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.
Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
13. Quy định mới về Sử dụng pháo hoa
Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực 11/01/2021 thì việc sử dụng pháo hoa được quy định cụ thể như sau:
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Rubi