Trâu, bò thả rông trong đô thị, hướng nào để xử lý?

          Hiện tượng trâu, bò thả rông trong đô thị không phải là hiếm, nhất là ở những đô thị mà có tỉ lệ người dân làm nông nghiệp nhiều. Việc thả rông trâu bò không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thế nhưng việc xử lý không phải là vấn đề đơn giản, bởi còn nhiều lỗ hổng trong quy định pháp luật, nhiều trường hợp người chủ bò không nhận mình là chủ nên các cơ quan chức năng rất lúng túng, xử phạt thì chẳng được, bắt thì chẳng xong…

          Để góp phần xử lý triệt để hành vi chăn thả trâu bò trong đô thị, trangtinphapluat.com chia sẻ một vài ý kiến như sau:

1. Cơ sở pháp lý để xử lý hành vi thả rông trâu bò trong đô thị:

– Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;

Xử lý trâu bò thả rông đường phố
Xử lý trâu bò thả rông

+ Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông.

– Tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ;

     – Tại Điểm c Khoản 2 Điều 53 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP  của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:c) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa.

          Như vậy, về cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thả rông trâu, bò là không thiếu, tuy nhiên vướng mắc trong thực tế là: Khi phát hiện trâu, bò thả rông thì không ai nhận là chủ sở hữu nên không thể xử phạt; nếu tạm giữ trâu bò theo thủ tục hành chính thì lại không có chỗ giữ, người chăm sóc dẫn đến bò chết hoặc thất lạc thì phải đền.

          Vậy, cách nào để xử lý vấn đề trên?

  1. Hướng xử lý trâu bò thả rông

          – Trường hợp khi phát hiện trâu, bò thả rông thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản, nếu có chủ sở hữu ở đó thì yêu cầu họ ký vào biên bản và có biện pháp dắt bò ra khỏi khu vực vi phạm.

          – Trường hợp không có ai nhận là chủ sở hữu thì có 2 cách để thực hiện:

          Thứ nhất, áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể Điều 231 quy định Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc
Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.

Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được; nếu gia súc bắt được là gia súc thả rông theo tập quán thì thời hạn này là một năm.

Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

          Thứ hai, thực hiện tạm giữ tang vật vi phạm hành chính (trâu, bò) theo quy định tại Điều 125 Luật XLVPHC. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Và theo Điều 126 Luật XLVPHC. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.

          Như vậy, đối với trường hợp không có người nhận là chủ sở hữu của con bò, trâu thì người có thẩm quyền có thể lựa chọn một trong hai hình thức trên để xử lý. Tuy nhiên, dù chọn cách 1 hay cách 2 thì cũng cần phải có nơi để tạm giữ con trâu, bò, có người chăm sóc, theo dõi để tránh trường hợp bò, trâu bị ốm chết hoặc trốn chạy thì phải bồi thường nếu chủ sở hữu khởi kiện.

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ còn tình trạng người dân nuôi bò trong đô thị là vì quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, người dân chưa chuẩn bị tâm thế để chuyển từ người NÔNG DÂN sang người THÀNH THỊ nên họ sống ở đô thị nhưng vẫn mang cách sống ở nông thôn, đó là chăn nuôi heo, gà gần nhà, nuôi bò, trâu thả rông…Và lỗi của người nông dân (thả rông trâu, bò) cũng bắt nguồn từ lỗi của người quản lý chính quyền, tức là không có sự chuẩn bị, đầu tư cho người nông dân để họ chuyển đổi nghề nghiệp mà để họ tự loay hoay chuyển đổi, ai nhanh nhạy, có nghề nghiệp thì xin vào nhà máy, xí nghiệp, ai không có chuyên môn thì đi làm xe ôm, phụ hồ…và để có thêm thu nhập thì người nông dân đô thị phải chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đó là lẽ tất yếu, khi mà cuộc sống còn nhiều vất vả, khó khăn, khi mà họ chưa kiếm được công việc khá hơn. Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề người dân chăn nuôi trâu, bò rồi thả rông trong đô thị thì bên cạnh việc xử lý như đã đề cập ở trên thì cần phải kết hợp các biện pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức thị dân của người nông dân, và điều quan trọng nhất là chính quyền phải có cơ chế khuyến khích để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống.

Ru bi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *