Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về người chưa thành niên

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn bộ câu hỏi tìm hiểu Một số quy định của pháp luật liên quan đến người chưa thành niên (dưới 18 tuổi): Luật trẻ em, Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.Câu hỏi 1: Theo Luật trẻ em, người thuộc độ tuổi nào sau đây là trẻ em?

 A. Dưới 18 tuổi
 B. Dưới 16 tuổi
 C. Dưới 14 tuổi
 D. Dưới 13 tuổi

Đáp án B, theo Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 thì Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Tìm hiểu pháp luật về người chưa thành niên
Tìm hiểu pháp luật về người chưa thành niên
Câu hỏi 2: Theo Luật trẻ em, biện pháp bảo vệ cấp độ nào sau đây không được áp dụng đối với trẻ em là người bị hại và trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần?
 A. Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.
 B. Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
 C. Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp
 D. Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em

Đáp án B, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 71 và Khoản 2 Điều 50 của Luật Trẻ em

Khoản 2 Điều 71 quy định:  Trẻ em là người bị hại và trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần được áp dụng các biện pháp bảo vệ cấp độ hỗ trợ quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 49 và các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại Điều 50 của Luật này.

Khoản 2 Điều 50 quy định: Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:

a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;

d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;

h) Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Các cấp độ can thiệp hỗ trợ trẻ em
Các cấp độ can thiệp hỗ trợ người chưa thành niên là trẻ em
Câu hỏi 3: P (13 tuổi) có hành vi vi phạm pháp luật và bị áp dụng biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng X. Thời hạn P chấp hành xong biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng là ngày 31/10/2018. Theo Luật trẻ em, Trường giáo dưỡng X có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi P về cư trú để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho P trong thời hạn nào?
 A. Chậm nhất là ngày 31/7/2018.
 B. Chậm nhất là ngày 31/8/2018.
 C. Chậm nhất là ngày 01/10/2018.
 D. Chậm nhất là ngày 15/9/2018

Đáp án C, vì theo Khoản 2 Điều 73 của Luật Trẻ em thì :

 Chậm nhất là 02 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong hình phạt tù, 01 tháng trước khi trẻ em chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ hoặc trường giáo dưỡng nơi trẻ em đang chấp hành hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em về cư trú để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em.
Câu hỏi 4: Đâu là nhận định đúng?
 A. Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa
 B. Người bị buộc tội có quyền và nghĩa vụ tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa
 C. Người bị buộc tội có thể yêu cầu người tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho mình.

 D. Người bị buộc tội chỉ được nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Đáp án A, vì theo Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì:Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

Câu hỏi 5: Chủ thể nào được quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng?
 A. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều được quyền khiếu nại, tố cáo.
 B. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo.
 C. Cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo.
 D. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo.
Đáp án B, vì theo Điều 32 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, thì:

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.

Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác.

Câu hỏi 6: C (dưới 18 tuổi) thực hiện hành vi cướp tài sản và bị bắt. Để phục vụ cho công tác điều tra, cơ quan điều tra cần tiến hành lấy lời khai của C. Trong trường hợp này, thời gian lấy lời khai của C được quy định như thế nào?
 A. Không quá một lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
 B. Không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp
 C. Không quá hai lần trong 02 ngày và mỗi lần không quá 03 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
 D. Không quá bốn lần trong một tuần và mỗi lần không quá 02 giờ.

Đáp án B, vì theo Khoản 4 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất, thì:

 Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Câu hỏi 7: Hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam?
 A. Dùng nhục hình, trừng phạt tàn bạo đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
 B. Giam giữ người trái pháp luật, trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam
 C. Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ
 D. Cả ba phương án trên
Đáp án D, vì theo Điều 8 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam thì  Những hành vi bị nghiêm cấm, gồm:

1. Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do.

3. Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

5. Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

6. Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

7. Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Câu hỏi 8: B 16 tuổi, bị tạm giam trong thời hạn 2 tháng theo lệnh của cơ quan điều tra. Vậy trong khoảng thời gian này, số lần thăm gặp thân nhân của Bình được pháp luật quy định như thế nào?
 A. 02 lần trong 02 tháng
 B. 03 lần trong 02 tháng
 C. 04 lần trong 02 tháng
 D. 05 lần trong 02 tháng
Đáp án C, vì theo quy định tại Điều 34 và Điều 22 của Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam

Điều 34. Chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của Luật này với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.

Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

Câu hỏi 9: Trường hợp khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nào sau đây không được thụ lý giải quyết?
 A. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp
 B. Người khiếu nại là người bị tạm giữ, người bị tạm giam
 C. Hành vi bị khiếu nại liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
 D. Cả 3 phương án trên
Đáp án A, căn cứ vào Điều 45 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 

Điều 45. Những trường hợp khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam không được thụ lý giải quyết

1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp người khiếu nại là người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *