Tình huống kỳ 20:Ly thân tự trả nợ, ly hôn có được đòi?

Tình huống kỳ 20:

Sau một thời gian yêu nhau đến mức “không còn gì tìm hiểu”, năm 2014 anh A và chị B quyết định gắn bó nhau trọn đời. Do nhu cầu cuộc sống, tháng 6-2015 hai vợ chồng cùng đi vay ngân hàng số tiền 200 triệu đồng.

Tưởng chừng cuộc sống của hai anh chị sẽ được hạnh phúc nhưng do mỗi người mỗi ý, khoảng cách giữa hai người ngày một lớn, tình cảm ngày càng rạn nứt. Đến tháng 9-2015, anh A và chị B quyết định ly thân.

Tình huống kỳ 20:Ly thân tự trả nợ, ly hôn có được đòi? - ảnh 1

Tình huống kỳ 20:Ly thân tự trả nợ, ly hôn có được đòi? - ảnh 2

Tình huống kỳ 20:Ly thân tự trả nợ, ly hôn có được đòi? - ảnh 3

Trong thời gian này, công việc của anh A gặp nhiều thuận lợi. Nhiều lần anh A “trúng mánh” nên tự mình thanh toán hết số nợ đã vay của ngân hàng. Trong khi đó, chị B thấy rằng mâu thuẫn giữa mình với chồng là không thể hàn gắn nên tháng 4-2016 đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Thấy vợ cạn tình, anh a cũng cạn nghĩa nên đã yêu cầu HĐXX tuyên buộc chị B phải có nghĩa vụ trả lại một nửa số tiền đã vay ngân hàng. Thế nhưng chị B nhất quyết: “Tôi không đồng ý vì tại thời điểm nộp đơn ra tòa số nợ đã được thanh toán”.

À Ra Thế xin kính mời quý độc giả nhanh tay tra cứu các quy định của pháp luật để giải đố tình huống này: Tòa án có chấp nhận yêu cầu của anh A không và đừng quên dự đoán số người có đáp án đúng nhé.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plp.vn
TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý ĐỂ BẠN ĐỌC TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO):

Câu 1. Tòa án có chấp nhận yêu cầu của anh A không?

Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu của anh A về buộc chị B trả lại số tiền 100 triệu đồng mà anh A đã trả nợ vay ngân hàng, vì:
Anh A và chị B là vợ chồng hợp pháp, do mâu thuẩn anh A và chị B ly thân chứ không phải ly hôn nên theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì về mặt pháp luật anh A và chị B vẫn được xác định là quan hệ vợ chồng.Quy định về ly thân trong luật Hôn nhân và gia đình

Vợ chồng có được ly thân?

Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng gồm:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Căn cứ vào quy định trên thì việc anh A trúng mánh trong làm ăn, lúc vẫn còn quan hệ vợ chồng thì số tiền này được xác định là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nên chị A dù không trực tiếp làm ra số tiền đó nhưng vẫn được hưởng, vì đó là tài sản chung hợp nhất.

Và tài sản chung của vợ chồng thì cả 2 vợ chồng đều có quyền sử dụng để thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng (Khoản 2 Điều 33 Luật HNGĐ).

Bên cạnh đó, tại Điều 37 Luật HNGĐ quy định nghĩa vụ chung tài sản của vợ chồng thì:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Như vậy, theo Điều 33 và Điều 37 Luật HNGĐ 2014 thì số tiền do anh A làm ra là tài sản chung vợ chồng, và việc anh A dùng tiền chung vợ chồng đó trả nợ ngân hàng trong thời kỳ hôn nhân được xem là vợ, chồng anh A trả nợ ngân hàng chứ không phải anh A trả với tư cách cá nhân anh A, và việc anh A trả nợ ngân hàng là đang thực hiện nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân do vợ chồng cùng thực hiện. Do đó khi ra Tòa án xin ly hôn, anh A yêu cầu chị B trả lại số tiền 100 triệu đồng mà anh đã trả nợ ngân hàng sẽ không được chấp nhận, vì đó là tài sản chung và đã được sử dụng hợp pháp.

Câu 2. Số người có đáp án đúng:………….

CHÚC CÁC BẠN ĐẠT GIẢI.

Đáp án kỳ 19: Luật buộc phải làm theo di chúc

(PL)- Tình huống kỳ 19 được nhiều bạn đọc đánh giá là không khó và điều đó đã được thể hiện bằng đa số đáp án đều có chung nhận định: A vẫn được hưởng thừa kế.

Đây thực sự là một điều đáng mừng bởi bên cạnh sự “lên tay” thấy rõ trong việc hiểu và áp dụng đúng các quy định của pháp luật có liên quan, số đông bạn đọc đã có sự cẩn trọng hơn, chặt chẽ hơn trong việc đưa ra lý lẽ để bảo vệ cho nhận định của mình.

Lướt qua tình huống của kỳ 19, không khó để quý bạn đọc có thể khoanh vùng ngay câu trả lời sẽ nằm trong các quy định của pháp luật dân sự về chế định thừa kế. Trong đó, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay Điều 643 BLDS 2005 quy định về các trường hợp “người không được quyền hưởng di sản”. Khoản 1 của Điều 643 đã liệt kê những trường hợp không được quyền hưởng di sản, trong đó có quy định rõ hai hành vi liên quan đến tình huống kỳ 19 là: “hành vi ngược đãi nghiêm trọng” và “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng” người để lại di sản. Như vậy, nếu quý bạn đọc chỉ mới xem qua quy định tại khoản 1 sẽ thấy rằng hành vi bất hiếu của A phù hợp với quy định trên và nếu chỉ dừng ở đây thì quý bạn đọc có thể bị “sụp bẫy” khi cho rằng A thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo di chúc của cha mình.

Tuy nhiên, Điều 643 BLDS 2005 không chỉ có khoản 1 mà còn có thêm khoản 2 nữa và quy định rõ: “Những người quy định tại khoản 1 điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”. Quy định này thể hiện sự tôn trọng ý chí của người để lại di sản. Dù cho người được hưởng di sản không “xứng đáng” nhưng người để lại di sản vẫn mong muốn trao tài sản của mình cho người đó thì chúng ta phải tôn trọng ý chí này. Do vậy, việc chị C từ chối không đưa cho anh A 300 triệu đồng theo di chúc của ông B là không đúng theo quy định của BLDS 2005.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 19 là: A vẫn được hưởng di sản của ông B. Bạn đọc xem clip đáp án tại: plo.vn/phap-luat/a-ra-the/.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật” xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

Con số may mắn kỳ 19 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư ngày 7-12 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng chờ xem ngôi đầu bảng vàng kỳ này sẽ về với địa phương nào nhé!.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *