Tình huống kỳ 21: Vợ mất, chồng sửa di chúc chung

Tình huống kỳ 21:

Năm 2013, hai vợ chồng ông A và bà B đến phòng công chứng lập di chúc để lại tài sản cho đứa con trai đầu là C với điều kiện: “Anh C phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đến hết đời. Di chúc này có hiệu lực khi hai vợ chồng qua đời”.

Trước tình cảm của cha mẹ, thay vì phụng dưỡng, anh C lại thường xuyên có hành vi lỗi đạo với đấng sinh thành. Tuy buồn bực nhưng hai vợ chồng ông A vẫn giữ nguyên di chúc.

Năm 2014, bà B qua đời. Cũng trong thời gian này, hành vi của anh C càng lúc càng quá đáng. Chịu không được, năm 2015, ông A đến phòng công chứng sửa lại nội dung di chúc chung với nội dung: “Vì C bất hiếu nên tôi hủy di chúc chung trước đây, để lại toàn bộ tài sản cho con trai út là D”.

Tình huống kỳ 21: Vợ mất, chồng sửa di chúc chung - ảnh 1

Tình huống kỳ 21: Vợ mất, chồng sửa di chúc chung - ảnh 2

Tình huống kỳ 21: Vợ mất, chồng sửa di chúc chung - ảnh 3

Cho rằng hành vi của ông A là không đúng, năm 2016, anh C khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu tòa tuyên cho mình được hưởng phần di sản của bà B. Nhận thấy việc khởi kiện của anh C là có cơ sở, dù ông A đã phản đối, HĐXX vẫn tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, chia cho anh C phần di sản của bà B.

Đến đây À Ra Thế xin nhờ quý độc giả nhanh tay tra luật để xem thử việc tòa án sơ thẩm xét xử như vậy có đúng quy định pháp luật hiện hành không và đừng quên dự đoán số người có cùng đáp án nhé.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn
TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)

Câu 1. Việc tòa án sơ thẩm xét xử như vậy có đúng quy định pháp luật hiện hành không?

Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện và chia  cho anh C phẩn di sản của bà B là đúng quy định của pháp luật. cụ thể:

Tại Điều 663 Bộ luật dân sự 2005 quy định di chúc chung của vợ, chồng như sau: Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.

So sánh Bộ luật dân sự 2015 với BLDS 2005
Vợ chồng có được lập di chúc chung hay không?

Và tại Điều 664 quy định về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng thì:

– Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

– Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

Như vậy, khi bà B chết thì ông A chỉ được quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của ông, không được sửa đổi phần di chúc liên quan tài sản của vợ.

Lúc còn sống, mặc dù C có hành vi lỗi đạo với đấng sinh thành nhưng bà B vẫn không sửa đổi di chúc, vẫn để cho anh C được hưởng thừa kế, do đó căn cứ Khoản 2 Điều 643 BLDS thì anh C vẫn được hưởng thừa kế.

(Khoản 2 Điều 643 BLDS quy định: Những người quy định tại khoản 1 Điều này (có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản) vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.)

Đáp án kỳ 20: Ly thân vẫn là vợ chồng

Tình huống kỳ 20 đưa ra, anh A trong thời kỳ ly thân với chị B đã tự mình trả hết nợ ngân hàng mà hai vợ chồng vay trước đó. Đến khi chị B cạn tình đòi ly hôn thì anh A cạn nghĩa, đòi lại 1/2 số tiền vay ngân hàng mà mình đã tự trả nợ.

Việc xác định tài sản được hình thành trong thời kỳ vợ chồng ly thân có phải là tài sản chung của vợ chồng hay không sẽ giúp cho quý bạn đọc có được một đáp án hoàn chỉnh.

Thực tiễn hiện nay có nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn và sống ly thân. Thế nhưng rà soát các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, À Ra Thế thấy rằng chế định ly thân tuy từng được các nhà làm luật đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa được luật hóa và chưa được pháp luật thừa nhận. Về mặt định nghĩa, Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) 2014 đã nêu, khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân được gọi là “thời kỳ hôn nhân” (khoản 13 Điều 3). Do vậy, ly thân được xác định là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng và đây vẫn là thời kỳ hôn nhân.

LHNGĐ 2014 cũng quy định tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp được tặng cho riêng, được thừa kế riêng (khoản 1 Điều 33) và tài sản chung được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng (khoản 2 Điều 33).

Với các quy định này, chúng ta có thể xác định anh A và chị B đang trong thời kỳ hôn nhân nên thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh của anh A trong thời kỳ này được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Anh A đã sử dụng tài sản chung này để thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng mà hai vợ chồng đã vay trước đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với quy định. Thế nên việc anh A yêu cầu tòa án buộc chị B phải hoàn trả 1/2 số tiền đã vay ngân hàng là không phù hợp với quy định của LHNGĐ 2014.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 20 là: Tòa án không chấp nhận yêu cầu của anh A.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật” xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

Con số may mắn kỳ 20 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư 14-12 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng chờ xem ngôi đầu bảng vàng kỳ này sẽ về với địa phương nào nhé!

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *