So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013-phần 10

Sáng 18-1-2024, với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Bên cạnh đó, có 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết.Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ 01/01/2025.

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013.

1. Nguyên tắc định giá đất

 Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc định giá đất (nguyên tắc thị trường, hài học lợi ích), tuy nhiên có bổ sung thêm một số nguyên tắc mới như:

+Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất;

+ Bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch

+ Bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất;

+ Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013
So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013-phần 10

2. Phương pháp định giá đất

Luật Đất đai 2013 giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP và    Nghị định 12/2024/NĐ-CP. Luật 2024 kế thừa phương pháp định giá đất tại Nghị định 44 và Nghị định 12, theo đó phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Ngoài 4 phương pháp trên, Quốc hội giao Chính phủ phương  pháp quy định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này sẽ giúp Chính phủ linh động trong việc xây dựng phương pháp định giá đất khi thực tế triển khai luật phát sinh các vướng mắc cần giải quyết thì chỉ cần sự đồng ý của UBTVQH thay vì Quốc hội.

Luật cũng quy định trường hợp đã áp dụng 4 phương pháp tính giá đất   mà có kết quả thấp hơn giá đất trong bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong bảng giá đất.

3. Bảng giá đất

Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật Đất đai 2013 về áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền xử phạt…Luật Đất đai 2024 còn bổ sung một số quy định:  Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

4. Giá đất cụ thể

Luật Đất đai 2013 quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể, và tại Điều 15 Nghị định 12/2024/NĐ-CP thì bên cạnh UBND cấp tỉnh thì UBND cấp huyện có quyền quyết định giá đất khi được UBND tỉnh ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật Đất đai 2024 quy định thẩm quyền định giá đất là cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh, chứ không phải tập thể UBND tỉnh. Đồng thời phân cấp luôn cho Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện quyết định giá đất cụ thể.

5. Đất sử dụng ổn định lâu dài

Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật 2013 quy định về các loại đất sử dụng ổn định lâu dài như: Đất ở. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này. Đất quốc phòng, an ninh. Đất tín ngưỡng. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.. Đất nghĩa trang…

Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 còn bổ sung loại đất sử dụng vào mục đích nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt vào nhóm đất sử dụng ổn định lâu dài.

6. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân

Luật đất đai 2013 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất. Luật 2024 tăng thêm 5 lần, thành 15 lần.

Luật giao cho UBND cấp tỉnh  quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (Luật 2013 giao Chính phủ quy định hạn mức).

7. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích

Luật Đất đai 2013 quy định: Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Luật 2024 không quy định cụ thể diện tích đất 5% cũng như quy định phải lập quỹ đất 5% giống như các luật đất đai trước đây mà chỉ quy định đất 5% đã được lập qua các thời kỳ thì tiếp tục sử dụng để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Đối với đất công ích cho thuê thì Luật 2024 tăng thời hạn thuê từ 5 năm lên 10 năm.

8. Hoạt động lấn biển

Luật Đất đai 2013 có quy định về khuyến khích lấn biển nhưng không quy định cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Luật 2024 đã quy định cụ thể hoạt động lấn biển, theo đó:   Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

9. Quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển

Luật 2013 quy định  Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do Ủy ban nhân dân cấp xã đó quản lý. Luật 2024 quy định do UBND cấp huyện quản lý, đồng thời bổ sung quy định Việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và phòng chống thiên tai.

10. Tập trung đất nông nghiệp

+ Đây là quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 nhằm tập trung lớn diện tích đất nông nghiệp để sử dụng hiệu quả hơn, theo đó Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây:

– Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa;

– Thuê quyền sử dụng đất;

– Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

+ Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung.

Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.

11. Tách thửa, hợp thửa đất

Luật Đất đai 2013 không quy định cụ thể về tách thửa, hợp thử. Chính phủ quy định nguyên tắc, điều kiện tách thửa, hợp thửa đất tại Điều 75 và Điều 75a Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, đồng thời giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện tách thửa, hợp thửa đất:

+ Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện sau đây:

– Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

– Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;

– Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;

– Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

+ Trường hợp tách thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện nêu trên còn phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;

– Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;

– Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.

Rubi

Còn nữa

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *