So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013 – Phần 3

Sáng 18-1-2024, với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Bên cạnh đó, có 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết.Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ 01/01/2025.

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013.

1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất

Cơ bản Luật Đất đai 2024 kế thừa các quy định của Luật Đất đai 2013 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật 2024 đã bỏ quy định “không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất” mà quy định chung về quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 92 quy định Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt như sau: “…trường hợp tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ bằng tiền nếu phải di dời đến cơ sở mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường về đất”.

2. Bổ sung đối tượng được cho thuê sử dụng đất hằng năm

Luật Đất đai 2024 ngoài quy định đối tượng  “tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập” thuộc đối tượng chho thuê sử dụng đất hằng năm còn bổ sung “tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc” sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm.

So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013
So sánh những điểm mới của Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013 – Phần 3

3. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất

+ Luật Đất đai 2024 không còn quy định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình sử dụng đất trong nhóm hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như Luật 2013. Luật mới quy định đối với đất của hộ gia đình thì quyền và nghĩa vụ thuộc Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất theo khoản 2 Điều 27 “Nhóm người sử dụng đất bao gồm thành viên hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân theo quy định của Luật này”.

+ Luật mới đã mở rộng việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, theo đó không còn giới hạn trong cùng một xã, phường, thị trấn như Luật 2013 mà mở rộng trong phạm vi tỉnh  và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

+ Bên cạnh việc  Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, thừa kế quyền sử dụng đất… thì Luật Đất đai 2024 còn bổ sung chuyển, thừa kế, cho thuê “tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất”

4. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất

Cơ bản Luật Đất đai 2024 kế thừa các quy định của Luật 2013 về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất. Tuy nhiên, bổ sung thêm:

“Cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân có hình thức sử dụng đất tương ứng, trừ quyền để thừa kế.

Trường hợp cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”

Trước đây, theo Luật 2013 thì cộng đồng dân cư không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho…quyền sử dụng đất. Nay, Luật chỉ không cho phép chuyển nhưởng nếu đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, còn những trường hợp khác như cộng đồng dân cư nhận tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì vẫn có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp….

5. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

+ Luật Đất đai 2013 quy định 4 điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Luật Đất đai 2024, kế thừa 4 điều kiện của Luật 2013, đồng thời bổ sung thêm một số điều kiện cho phù hợp với thực tiễn như “trường hợp thừa kế khi dồn điền đổi thừa, trường hợp tranh chấp đã được giải quyết, quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…” cụ thể:

“a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này (mới);

b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật (mới);

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự (mới);

d) Trong thời hạn sử dụng đất;

đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. (Mới)”

+ Đối với trường hợp nhận thừa kế thì Luật Đất đai 2024 quy định tương tự Luật 2013, tức là phải có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận mới được thực hiện quyền của người sử dụng đất.

+  Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật 2013 quy định: Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

+ Luật 2024 bổ sung quy định mới đối với trường hợp : “Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:

a) Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;

b) Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;

c) Vốn đầu tư;

d) Thời hạn sử dụng đất;

đ) Tiến độ sử dụng đất.”

+ Luật Đất đai năm 2013 quy địnhHộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”. Luật 2024 đã cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, tặng cho  đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), cụ thể : “Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.”

+ Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất :Cơ bản Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật Đất đai 2013, tuy nhiên đã bỏ một  hạn chế như: đối với Tổ chức kinh tế đã bỏ quy định: Không được nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa.

6. Địa giới hành chính

 + Luật Đất đai 2024 bổ sung thêm một số quy định: Địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa phương.

+ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới hành chính: Luật 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, còn Luật 2024 không sử dụng thuật ngữ “tranh chấp địa giới hành chính” mà quy định trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp tỉnh, huyện, cấp xã chưa xác định được thì giải quyết như sau:

  • Đối với địa giới hành chính cấp tỉnh thì Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan lập hồ sơ trình Chính phủ (theo luật 2013 thì trình Quốc hội)
  • Đối với địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã:: Trường hợp chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan phối hợp giải quyết; trong thời gian chưa có quyết định về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đối với khu vực chưa thống nhất. Trường hợp không thống nhất được phương án giải quyết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ trình Chính phủ (Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định).

Như vậy, Luật 2024 đã phân cấp thẩm quyền giải quyết ranh giới hành chính cho Chính phủ và UBND cấp tỉnh, huyện giải quyết

7. Bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất

Đây là quy định mới của Luật Đất đai 2024, theo đó:Nội dung bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất bao gồm: Phân loại các khu vực đất đã được khoanh vùng; Tổng hợp, xác định phạm vi, mức độ cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo từng khu vực đất đã được phân loại; Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất đã được xác định; Xác định các biện pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế, xã hội kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu và quyết định phương án thực hiện; Lập báo cáo kết quả thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Giám sát, kiểm soát quá trình xử lý, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

8. Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai

+ Về nguyên tắc thống kê, kiểm kê đất đai

Luật đất đai 2024 bổ sung nguyên tắc thống kê, kiểm kê đất đai: trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, phản ánh đầy đủ hiện trạng và cơ cấu sử dụng đất đai.  Công khai, minh bạch, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Thống nhất về nghiệp vụ, phương pháp thống kê, kiểm kê đất đai và chế độ báo cáo…

+ Về phạm vi thống kê

Luật 2013 chỉ quy định phạm vi thống kê là đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Luật 2024 quy định Thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện trên phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và phạm vi cả nước.

+ Về thời gian thống kê, kiểm kê đất đai: Luật Đất đai 2024 kế thừa Luật 2013 quy định thời thống kê là hằng năm, tuy nhiên bổ sung thời gian thống kê tính đến hết ngày 31 tháng 12 của năm thống kê, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai;

Luật 2024 cũng như LUật 2013 đều quy định: Kiểm kê đất đai được thực hiện 05 năm một lần, tuy nhiên Luật 2024 bổ sung quy định thời gian tính đến hết ngày 31 tháng 12 của năm có chữ số cuối là 4 hoặc 9.

rubi

Còn nữa

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *