Ngày 29/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực 15/01/2020.
1. Bốn trường hợp được chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ
Theo Thông tư 21/2019/TTBGDĐT thì 4 trường hợp sau đây người được cấp văn bằng, chứng chỉ có quyền yêu cầu chỉnh sửa nội dung trên văn bằng, chứng chỉ:
– Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch (Theo Luật Hộ tịch thì UBND cấp xã có thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân dưới 14 tuổi; UBND cấp huyện có thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên).
– Được xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính (theo Luật Hộ tịch thì thẩm quyền xác định lại dân tộc là của UBND cấp huyện; xác định lại giới tính là của UBND cấp xã).
– Được bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch (Theo Luật Hộ tịch thì không có thủ tục điều chỉnh hộ tịch, chỉ có bổ sung hộ tịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã đối với công dân Việt Nam, còn có yếu tổ nước ngoài thì thẩm quyền bổ sung hộ tịch thuộc UBND cấp huyện).
– Được đăng ký khai sinh quá hạn, đăng ký lại việc sinh (Theo Luật Hộ tịch thì thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã).
2. Văn bằng, chứng chỉ chỉ cấp 01 lần
Theo quy định tại Điều 2 của Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì văn bằng, chứng chỉ chỉ được cấp một lần, trừ trường hợp văn bằng chứng chỉ đã cấp nhưng bị phát hiện viết sai do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ.
3. Ngôn ngữ ghi trên văn bằng, chứng chỉ
Ngôn ngữ ghi trên văn bằng, chứng chỉ là tiếng Việt. Đối với văn bằng, chứng chỉ có ghi thêm tiếng nước ngoài , thì tiếng nước ngoài phải được ghi chính xác và phù hợp với nội dung tiếng Việt, kích cỡ chữ nước ngoài không lớn hơn kích cỡ chữ tiếng Việt.
Rubi