Những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Trangtinphapluat.com giới thiệu những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để bạn đọc tham khảo trong quá trình nghiên cứu, học tập.

1. Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
1.1. Khó khăn, vướng mắc khi ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ

a) Luật PCBLGĐ chưa nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi BLGĐ

Trong Luật PCBLGĐ hiện hành, một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Đơn cử khái niệm BLGĐ theo Luật hiện hành quy định “là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Định nghĩa này chưa đề cập rõ vấn đề bạo lực tình dục. Hành vi bạo lực tình dục đã diễn ra ở nhiều khu vực, xuất hiện trong các tầng lớp xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua[1]. Luật về PCBLGĐ của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều xác định bạo lực tình dục là một trong các dạng thức của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Luật hiện hành cũng thiếu một số khái niệm quan trọng khác như bạo lực trên cơ sở giới, cấm tiếp xúc, phát tán thông tin đời tư về người bị bạo lực gia đình

Thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam

Thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam

Bên cạnh đó, xã hội hiện nay đã xuất hiện một số dạng thức BLGĐ mới mà Luật hiện hành chưa xác định, đề cập. Khoản 1, Điều 2 của Luật hiện hành quy định 9 nhóm hành vi bạo lực gia đình song chưa đề cập đến những hành vi như: “Có thu nhập mà không đóng góp tài chính hoặc ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật”. Đây là những hành vi đã xuất hiện ở Việt Nam và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân, gia đình và xã hội. Nhận diện chưa đầy đủ về hành vi BLGĐ khiến nhận thức về BLGĐ khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp PCBLGĐ và thu thập thông tin về BLGĐ

b) Chưa quy định rõ nguyên tắc và chưa đa dạng nội dung, đối tượng, loại hình thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ
Luật PCBLGĐ hiện nay chỉ quy định mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ (tại Điều 9, 10 và 11) mà chưa có quy định về nguyên tắc của công tác này. Do đó, một số phương tiện truyền thông khi đưa tin về BLGĐ đã vi phạm quyền riêng tư, bí mật của nạn nhân và người gây BLGĐ.

(Tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam – thực trạng và nguyên nhân)
c) Bất cập của công tác hòa giải trong PCBLGĐ
Hòa giải là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa BLGĐ. Khoản 7 Điều 12 của Luật PCBLGĐ quy định nguyên tắc không hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp đối với vụ việc thuộc tội phạm hình sự và vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính. Trong khi đó, BLGĐ là một vấn đề có tính đặc thù mà công tác hòa giải cần được thực hiện sau khi vụ việc đã được xử lý hành chính hay hình sự để đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là một điểm bất cập cần sửa đổi.
Mặt khác, dựa quá nhiều vào phương án hòa giải có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người dân và cán bộ chính quyền không nắm được và không rõ khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào cần áp dụng các biện pháp khác. Nhiều vụ việc nạn nhân bị bạo hành rất nghiêm trọng song địa phương vẫn áp dụng các biện pháp hòa giải không hiệu quả. Luật PCBLGĐ cũng chưa có các quy định cụ thể các tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn, kỹ năng của tổ hòa giải cũng như các điều kiện chính sách cho người thực hiện công việc này.
d) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ chưa phù hợp với thực tiễn
Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật PCBLGĐ quy định điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ”.
Những quy định khá rắc rối, yêu cầu nhiều thủ tục gây ra trở ngại lớn cho việc áp dụng cấm tiếp xúc đối với thủ phạm gây BLGĐ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực. Nhiều nạn nhân phải đến trình báo về vụ việc BLGĐ với chính quyền địa phương và cũng không biết phải trình bày thế nào. Nạn nhân còn có thể bị thủ phạm hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền và nhiều người chọn im lặng. Bỏ quy định viết đơn sẽ tăng cơ hội để nạn nhân bảo vệ an toàn và ngăn ngừa vụ việc BLGĐ tiếp tục diễn ra.
Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Trong thực tế, người ra khỏi nhà lại là nạn nhân BLGĐ. Họ phải đối mặt với nguy cơ bạo lực kép (BLGĐ và bạo lực xã hội). Nhiều nước trên thế quy định thủ phạm gây bạo lực là người phải ra khỏi nhà trong thời gian cấm tiếp xúc.
e) Các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ hoạt động chưa hiệu quả
Khoản 6 Điều 8 quy định cấm “Lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật”. Khoản 1 và khoản 2 Điều 6 quy định “1. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ. 2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động PCBLGĐ; phát triển các mô hình phòng ngừa BLGĐ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.” Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động trợ giúp nạn nhân của các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật PCBLGĐ và được quy định tại chương 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 trong đó, điểm đáng chú ý là để thành lập cơ sở nói trên thì phải đáp ứng điều kiện như có diện tích tối thiểu 30m2 , có các cơ sở vật chất tối thiểu, nhân viên phải có chứng nhận về PCBLGĐ.
Những quy định trên là nguyên nhân chính của việc các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ chưa phát huy được hiệu quả hoặc không được thành lập vì vướng mắc từ những quy định của Luật PCBLGĐ.
f) Chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ PCBLGĐ.
Hiện nay, Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình và tổ chức từ Điều31 đến Điều 41 nhưng không gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Từ đó dẫn đến tình trạng thực thi pháp luật mang yếu tố cảm tính – phụ thuộc vào sự quan tâm của người đứng đầu.Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030

Tại khoản 5 Điều 35 Luật PCBLGĐ quy định “Hằng năm, trong báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình kinh tế – xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả PCBLGĐ tại địa phương” nhưng sau gần 10 năm thi hành, Bộ VHTTDL không có thông tin về việc báo cáo này. Qua kiểm tra ở các địa phương thì không địa phương nào đưa nội dung PCBLGĐ vào báo cáo hội đồng nhân dân cùng cấp như quy định.
Luật PCBLGĐ cần quy định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong PCBLGĐ và làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ PCBLGĐ.
g) Luật PCBLGĐ chưa quy định rõ các điều kiện đảm bảo cho công tác PCBLGĐ
Hiện nay, kinh phí chi cho công tác PCBLGĐ thuộc Bộ VHTTDL hằng năm được bố trí trong kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình. Các hoạt động về PCBLGĐ được bố trí đan xen, tương hỗ lẫn nhau trong lĩnh vực gia đình. Về phía địa phương không chỉ khó khăn về tài chính mà cả nhân sự làm công tác này. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành không có cán bộ chuyên trách làm công tác PCBLGĐ.
Tại Việt Nam, một số luật hiện hành trong xử lý vấn đề phân bổ kinh phí triển khai nhiệm vụ và xây dựng nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp đã quy định rõ tỷ lệ phần trăm ngân sách đầu tư trong tổng số ngân sách đầu tư cho phát triển xã hội hoặc quy định kinh phí tối thiểu trên đầu người để đảm bảo nguồn kinh phí tối thiểu triển khai nhiệm vụ hàng năm. Mặt khác, để huy động nguồn lực xã hội thông qua xã hội hóa, một số luật cũng đã cho phép cơ quan chủ trì triển khai lập quỹ để tăng thêm nguồn lực triển khai nhiệm vụ và hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có Bộ Gia đình trong hệ thống cơ quan Chính phủ . Ở Việt Nam, gia đình luôn được xác định là trọng tâm quyết định đến vận mệnh của dân tộc, đến sự thành bại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn chưa được quan tâm và đầu tư xứng tầm. Vì vậy, nhất thiết trong thời gian tới, cần phải có hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong việc xây dựng chính sách đảm bảo các điều kiện của công tác gia đình nhằm hỗ trợ, bảo vệ và phát huy vai trò của gia đình trong phát triển đất nước, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
h) Chưa khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ
Các quy định của Luật PCBLGĐ cũng như các văn bản dưới Luật28 đều chưa có quy định rõ ràng những hoạt động cụ thể được hỗ trợ và mức hỗ trợ nên không thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động PCBLGĐ. Trong thời gian tới, cần chia tách rõ chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức công tác trong cơ quan nhà nước và chế độ cho các thành viên khi tham gia công tác PCBLGĐ.
Việc khen thưởng, chi trả chế độ cho những người tham gia công tác PCBLGĐ cũng chưa có quy định thời gian cụ thể. Vì vậy, cần có quy định rõ vấn đề này nhằm khuyến khích cá nhân, đặc biệt là cá nhân ở cộng đồng tham gia PCBLGĐ. Luật PCBLGĐ cũng chưa có quy định Nhà nước hỗ trợ đền bù thiệt hại trong các trường hợp người có hành vi bạo lực không có đủ khả năng về kinh tế để đền bù cho cá nhân, tổ chức tham gia công tác PCBLGĐ bị thiệt hại. Bởi trên thực tế đã có trường hợp cán bộ tham gia can ngăn hành vi BLGĐ, bị thiệt hại về tài sản như vỡ điện thoại, hỏng xe máy… Vì vậy, trường hợp người có hành vi bạo lực không có khả năng đền bù thiệt
hại thì Nhà nước cần có trách nhiệm hoàn trả thiệt hại này.
i) Chưa có quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và PCBLGĐ
Một trong bất cập hiện nay là Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu tin cậy, chưa thống nhất được chỉ tiêu, chỉ số thu thập, báo cáo thống kê về BLGĐ, chưa tạo được cơ chế chia sẻ thông tin về PCBLGĐ.
Hiện nay, việc tổng hợp thông- tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức có cách tổng hợp theo đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan/tổ chức nhưng chưa có sự chia sẻ số liệu giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình BLGĐ ở nước ta. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ là căn cứ quan trọng để làm cơ sở xây dựng và triển khai chính sách về PCBLGĐ. Dữ liệu được tổng hợp chính thống từ các địa phương bị sai số ngay từ bước đầu thu thập thì những công đoạn tiếp theo có thực hiện chính xác cũng không có giá trị sử dụng. Việc sử dụng dữ liệu sai để hoạch định chính sách sẽ cho kết quả là chính sách sai, không phù hợp với thực tiễn và gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Do đó, Luật PCBLGĐ cần có quy định thống nhất giữa các cơ quan trong xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và PCBLGĐ.
j) Một số Điều khoản khác trong Luật PCBLGĐ chưa thống nhất hoặc có những hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến tính thực thi:
– Điều 17. Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.
Điều 17 quy định về biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với trường hợp có hành vi BLGĐ đã được tổ hòa giải ở cơ sở hoà giải mà tiếp tục có hành vi BLGĐ. Quy định này chưa thống nhất với Điều 12 và Điều 42.
– Điều 21. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án Tương tự như quy định về điều kiện áp dụng cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án cũng cần được xem xét đơn giản thủ tục hành chính để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ và bảo vệ an toàn cho nạn nhân BLGĐ.
– Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ.
Cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là người nắm giữ chức vụ phải là người gương mẫu hơn so với quần chúng nhân dân trong thực thi pháp luật. Vì vậy, cần phải có quy định rõ hơn đối với biện pháp xử lý đối với nhóm đối tượng này.

2. Về xử lý hành vi bạo lực gia đình và vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình

Công tác xử lý người gây BLGĐ được tổ chức thực hiện thông qua các hình thức góp ý phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền, khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người (xem Bảng 2). Công tác phát hiện, tố giác, ngăn ngừa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về BLGĐ chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu do nạn nhân tố giác người gây BLGĐ.

Bảng 2. Số liệu về biện pháp xử lý BLGĐ giai đoạn 2012-2021

 2012201320142015201620172018201920202021
Biện pháp đã xử lý người gây BLGĐ3327526826196221802412211120052629747674744853
Góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư2452319426146381331994309174685560256813357
Áp dụng các biện pháp giáo dục55324173280128171378975774867685357
Tạm giữ; xử phạt hành chính189318641488132510661151785697838707
Xử lý hình sự350279190123105125215987780
Áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc977108450544023258017021219382

Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện đang mâu thuẫn với Bộ Luật Hình sự. Tội làm nhục người khác được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: 1- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Bạo lực về tinh thần là một dạng làm nhục người khác. Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền chỉ từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (nay là Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Hình thức phạt tiền đối với người có hành vi BLGĐ chưa được quy định cụ thể. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục với thủ phạm. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định tiền nộp phạt vi phạm BLGĐ phải lấy từ tiền riêng của thủ phạm và hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho việc kết án. Hơn nữa, việc phạt tiền chỉ là một phần của hình phạt dành cho các hành vi BLGĐ.

Chương V của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành có 3 điều để quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực và khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 2 trong số 3 điều quy định tại chương này chưa thể hiện tính đặc thù so với Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Mặt khác, Chương xử lý vi phạm chưa có những quy định để xử lý trường hợp hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật hiện hành cũng chưa có quy định về việc hỗ trợ, động viên, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn hành vi bạo lực gia đình. Đây là biện pháp phòng ngừa bền vững và phù hợp với văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Ru bi

Trích từ  dự thảo Báo cáo Kết quả 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *