Quy định về kết hôn trong Luật Hôn nhân gia đình và những vướng mắc

Trangtinphapluat.com giới thiệu quy định của Luật Hôn nhân gia đình về kết hôn và những vướng mắc phát sinh trong 3 năm thi hành Luật (trích từ dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật HNGĐ của Bộ Tư pháp)

1. Về kết hôn

Quy định của Luật HNGĐ về điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn và đường lối giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, xử lý kết hôn không đúng thẩm quyền, giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đã có nhiều tiến bộ, đột phá so với Luật HNGĐ năm 2000. Về cơ bản, đã bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền kết hôn của người dân theo tinh thần Hiến pháp cũng như bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước có liên quan, hạn chế những vấn đề bất cập trong các quan hệ xã hội về hôn nhân và gia đình.

(So sánh Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 và Luật Hôn nhân gia đình năm 2000)

Quy định về kết hôn của luật hôn nhân và gia đình
Quy định về kết hôn của luật hôn nhân và gia đình

Tuy nhiên, để bảo đảm hơn tính khả thi, tính thống nhất trong quy định pháp luật về vấn đề này, có một số vấn đề pháp lý được đặt ra, cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn về thể chế hoặc cấp có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể.

1.1. Về điều kiện kết hôn

a) Về tuổi kết hôn

Việc Luật HNGĐ quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi về cơ bản là sự kế thừa của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, góp phần làm cho việc kết hôn và quan hệ hôn nhân được lành mạnh, góp phần thực hiện tốt chức năng xã hội của hôn nhân. Tuy nhiên, việc quy định tuổi kết hôn chênh lệch của nam và nữ cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong BLDS.[1]

(Quy định về quan hệ giữa vợ và chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình)

Về áp dụng pháp luật, thực tiễn áp dụng quy định về tuổi kết hôn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Theo khảo sát quốc gia về tình hình kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số cho thấy tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%). Nghiên cứu của nhóm bác sĩ bệnh viện Phụ sản trung ương cho thấy, trong năm 2017 – 2018, tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên tại bệnh viện ở mức cao với 227 sản phụ, trong đó, có 178 trường hợp đã lập gia đình. Số sản phụ 17 – 18 tuổi chiếm 83,5%, 34 sản phụ từ 14 – 16 tuổi.[2] Vấn đề này đang gặp rất nhiều khó khăn về phương hướng giải quyết.

Bà con vùng đồng bào dân tộc hiểu quy định của pháp luật về tuổi kết hôn nhưng do phong tục, tập quán đã đi vào cuộc sống của người dân từ rất lâu đời, các gia đình thường dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm nên mặc dù việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng hai bên gia đình vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán, họ hàng hai bên, cộng đồng dân cư của cả bản vẫn mặc nhiên công nhận đó là một cặp vợ chồng.[3]

Hôn nhân tự nguyên tiến bộ, một vợ một chồng
Quy định về đăng ký kết hôn

b) Về kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời

Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số cho thấy tính khả thi còn chưa cao, vẫn còn tình trạng kết hôn cận huyết[4]; có địa phương còn xảy ra tình trạng nam nữ chỉ kết hôn với những người cùng dòng họ…[5]

c) Về năng lực hành vi dân sự trong kết hôn

Theo quy định của Luật HNGĐ thì người bị mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn và theo Điều 22 BLDS thì một người chỉ bị mất năng lực hành vi dân sự khi Tòa án tuyên bố. Do đó, trong thực tiễn áp dụng vẫn còn có ý kiến cho rằng, người chưa bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự mặc dù mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác không làm chủ được hành vi thì vẫn được kết hôn, nhưng khi giải quyết quan hệ nhân thân có liên quan, một số Tòa án lại tuyên bố là việc kết hôn trái pháp luật[6].

(Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân – UBND xã có được chứng thực?)

1.2. Về việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính

Luật HNGĐ không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng không đồng thời can thiệp vào việc sống chung giữa họ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng đã bãi bỏ việc xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi tổ chức lễ cưới, việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Đây là tiến bộ lớn trong nhận thức, tôn trọng quyền, lợi ích liên quan đến người đồng tính nói riêng và cộng đồng người yếu thế nói chung. Tuy nhiên, để thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của những cá nhân này, thể chế về các vấn đề liên quan cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn trên nguyên tắc bảo đảm bình đẳng, chống phân biệt đối xử, có cơ chế pháp lý phù hợp với quan hệ sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, hạn chế được những nguy cơ, rủi ro pháp lý phát sinh với họ và những quan hệ xã hội khác liên quan[7].

Clip bài giảng Luật hôn nhân và gia đình 

1.3. Về quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn

a) Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Luật HNGĐ không công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, tuy nhiên, để bảo vệ được các quyền, lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt của con, phụ nữ, hạn chế những vấn đề xã hội liên quan, Luật đã bổ sung cơ chế pháp lý giải quyết cụ thể hậu quả của việc chung sống  theo nguyên tắc quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ, tôn trọng sự thỏa thuận, bình đẳng trong giải quyết các vấn đề về tài sản, sở hữu, giao dịch, trong đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, của người làm công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung.

(Tải slide bài giảng Luật Hôn nhân và gia đình)

Ghi chú trong Giấy chứng nhận kết hôn
Quy định về đăng ký kết hôn

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, có ý kiến đề nghị cần xem xét tiếp tục thừa nhận hôn nhân thực tế để phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình tại các khu vực miền núi, dân tộc ít người. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên thừa nhận hôn nhân thực tế nhưng ngoài các nguyên tắc được quy định tại Luật thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn về  áp dụng Bộ luật dân sự, pháp luật khác có liên quan trong trường hợp giữa người chung sống không có thỏa thuận về giải quyết tài sản, giao dịch.[8]

b) Về trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987

Liên quan đến vấn đề này, Luật HNGĐ quy định “áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết” (khoản 1 Điều 131). Do đó, về nguyên tắc, những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 được thừa nhận hôn nhân theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó và văn bản hướng dẫn pháp luật tại thời điểm này, ví dụ: Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trong hướng dẫn thi hành Luật, còn có sự hướng dẫn chưa thống nhất về trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng. Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGĐ quy định “Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết” được xác định là người đang có vợ hoặc có chồng. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định “Nếu là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông…”.[9]

[1] UBND tỉnh Thái Nguyên, Tiền Giang

[2] TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam

[3] UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tư pháp Nghệ An

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng thì tình trạng tảo hôn có sự biến động không ổn định tại Sóc Trăng, cụ thể: năm 2015 xảy ra 140 vụ; năm 2016 xảy ra 218 vụ; năm 2017 xảy ra 157 vụ; năm 2018 xảy ra 267 vụ. Tình trạng tảo hôn chỉ được phát hiện khi vợ chồng có con và yêu cầu đăng ký khai sinh.

[4] UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng; Sở Tư pháp Nghệ An

Ví dụ theo phong tục tập quán của đồng bào Khmer những người khác “họ” (mặc dù vẫn trong phạm vi ba đời) thì vẫn được lấy nhau với quan niệm cho rằng kết hôn vậy nhằm bảo vệ tài sản, của cải trong dòng họ…

[5] UBND tỉnh Sơn La

[6] UBND tỉnh Phú Thọ

[7] Viện kiểm sát nhân dân tối cao; UBND các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai; Sở Tư pháp Quảng Ninh, Ninh Bình

Hiện nay, để xử lý vấn đề này, nhiều quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng tính nhằm đảm bảo quyền con người, quyền bình đẳng, mong muốn được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình

[8] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Sở Tư pháp Nghệ An

[9] UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tây Ninh

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *