So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực 01/7/2019, thay thế cho Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012.

Để bạn đọc hiểu rõ những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, trangtinphapluat.com giới thiệu bài so sánh giữa 2 Luật 2018 và Luật 2005 như sau:

1. Về bố cục

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (gọi tắt Luật 2018) có 10 chương, 96 điều, tăng 2 chương và 4 điều so với Luật Phòng, chống tham nhũng 2005.

2. Về nội dung

2.1. Về phạm vi điều chỉnh:

– Luật 2018 mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn, đã sửa quy định “người có hành vi tham nhũng” của Luật 2005 thành “tham nhũng”, như vậy theo Luật 2018 không chỉ người có hành vi tham nhũng mà cả cơ quan, tổ chức có hành vi tham nhũng đều bị xử lý.

Luật phòng chống tham nhũng 2018
Luật phòng chống tham nhũng 2018

2.2. Về các hành vi tham nhũng

Luật 2005 chỉ quy định tham nhũng ở khu vực công, còn Luật 2018 quy định hành vi tham nhũng khu vực trong nhà nước và hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước.

(Xem slide bài giảng tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng 2018)

Luật 2018 cũng quy định rõ hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước chỉ giới hạn ở 3 hành vi: Tham ô tài sản;  Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

2.3. Về trách nhiệm phòng chống tham nhũng

+ Luật 2018 bổ sung trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cụ thể:

– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;

(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021)

– Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

+ Luật 2018 cũng bổ sung thêm một số quyền của công dân trong phòng, chống tham nhũng như: Được bảo vệ, khen thưởng, có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng…

Công dân được bảo mật thông tin khi tố cáo tham nhũng
Công dân được bảo mật thông tin khi tố cáo tham nhũng

2.4 Các hành vi bị nghiêm cấm

Luật 2018 bổ sung nghiêm cấm: Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2.5. Về phòng ngừa tham nhũng

+ Luật 2018 bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch, theo đó: Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Nội dung công khai: Luật 2005 quy định công khai gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và có từng điều quy định về công khai trên lĩnh vực xây dựng, y tế, giáo dục, ngân sách, các khoản đóng góp của nhân dân…

Luật 2018 đã gọp các nội dung phải công khai thành một điều 10: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;  Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn…

Công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng
Công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng

+ Trách nhiệm công khai: Luật 2005 không quy định cụ thể trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Luật 2018 quy định cụ thể trách nhiệm công khai, minh bạch thuộc về Thủ trưởng cơ quan, đồng thời  có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện công khai, minh bạch; trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật về công khai, minh bạch thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

So sánh Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Luật năm 2005 – phần 2 sẽ đăng vào ngày 14/12/2018, mời bạn đọc theo dõi.

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 2

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 3

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 4

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *