Những hạn chế, bất cập của Luật các tổ chức tín dụng

Trangtinphapluat.com biên soạn, tổng hợp các hạn chế, bất cập qua 12 năm thi hành Luật Các tố chức tín dụng năm 2010.

Luật các Tổ chức tín dụng đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các Tổ chức tín dụng cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các Tổ chức tín dụng tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước. Cụ thể như sau:

– Các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng tồn tại một số vướng mắc với các Luật khác: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,… và phát sinh một số vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ thành viên HĐQT, HĐTV trong quá trình áp dụng trên thực tiễn. Đặc biệt quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô cần tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của hệ thống QTDND, Tổ chức tài chính vi mô.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
Những hạn chế, bất cập của Luật các tổ chức tín dụng

– Sau hơn 12 năm triển khai thi hành Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), hoạt động của các TCTD đã có nhiều phát triển: Một số nghiệp vụ của TCTD chưa được quy định tại Luật các TCTD gây khó khăn trong việc thực hiện, ví dụ như: hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý ngân hàng…

– Các quy định về xử lý TCTD tín dụng yếu kém đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, một số điều khoản quy định cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như: Quỹ dự trữ, tài sản bảo đảm khoản vay đặc biệt,… Ngoài ra, cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém cũng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tại Luật các TCTD.

– Luật các TCTD mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số (là một khái niệm rộng hơn khái niệm hoạt động ngân hàng điện tử). Luật các TCTD cũng chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển mô hình ngân hàng số như nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý,… Một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ là nền tảng quan trọng và cần thiết cho bất kỳ loại hình dịch vụ tài chính – ngân hàng mới nào. Thực tế cho thấy quá trình phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nhưng chính tốc độ phát triển nhanh chóng của ngân hàng số đã dẫn đến việc các quy định pháp lý tại Việt Nam chưa thể bắt kịp với hoạt động ngân hàng số nói chung. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số.

– Ngoài ra, Luật các Tổ chức tín dụng còn một số tồn tại, hạn chế khác như:

+ Các hoạt động của TCTD cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, ví dụ: việc xác định chiết khấu bộ chứng từ không có hối phiếu là hoạt động thanh toán quốc tế hay cấp tín dụng; quy định về L/C; quy định về tài khoản của khách hàng; quy định về nhận tiền gửi giữa các TCTD,…

+ Một số vấn đề mới phát sinh hiện nay chưa được pháp luật quy định như: Hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ,…

+ Luật các TCTD được ban hành từ năm 2010, cho đến nay các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh  nghiệp… Do đó, một số quy định tại Luật các TCTD cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của các Luật có liên quan.

Rubi

Trích từ dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *