Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế bất cập của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để bạn đọc tham khảo.
1. Về quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy
– Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn:
+ Việc phân công trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH) giữa các Bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, như: chưa phân công trách nhiệm rõ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng, điện lực, cấp nước, chính quyền cấp cơ sở… trong công tác PCCC và CNCH; trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH giữa cơ quan Công an với các cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng, cấp nước, điện lực… và các cơ quan, tổ chức, cá nhân; một số UBND các cấp, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn nhiều hạn chế, có nơi, có lúc có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; chưa phân công trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể xã hội như các tổ chức Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đoàn thể khác chưa được quy định trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCCC và CNCH, trong khi đó lực lượng này luôn xung kích, đi đầu trong các phong trào.
+ Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở, chủ hộ gia đình chưa quan tâm thường xuyên đối với công tác PCCC và CNCH; có nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng ban đầu, còn công tác quản lý, tự kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở chưa quan tâm, khoán trắng cho Đội PCCC cơ sở.
– Một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ
+ Quy định về PCCC chung đối với cơ sở chưa đầy đủ theo yêu cầu thực tiễn hiện nay, một số nội dung trùng nhau (các điều khoản quy định về yêu cầu về PCCC đối với cơ sở và 09 loại hình công trình đặc thù đang được bố cục 10 Điều dẫn đến bố cục và một số nội dung bị trùng lặp);
+ Chưa quy định rõ về xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ sở, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
+ Về thẩm quyền phê duyệt phương án được quy định ở nhiều cấp (Bộ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã; Công an cấp tỉnh, cấp huyện; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH;…) dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc và chất lượng phương án không bảo đảm yêu cầu;
+ Việc quy định giao quyền huy động lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy cho người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC là chưa phù hợp với quy định khác.
+ Một số địa phương, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có đội Cảnh sát PCCC và CNCH (có 08 tỉnh chỉ có duy nhất một đội đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, hàng trăm km).
+ Mô hình đội dân phòng hầu như chưa được thành lập đầy đủ ở các cấp hành chính theo quy định của Luật PCCC, hầu hết đội dân phòng cấp thôn chỉ mang tính hình thức, thực hiện nhiều nhiệm vụ (PCCC, hỗ trợ đảm bảo An ninh trật tự tại cơ sở…), đội viên tham gia nhiều ban, đội,…
+ Một số đối tượng quy định phải thành lập đội PCCC chuyên ngành chưa cụ thể về quy mô, tính chất hoạt động, chủ thể quản lý dẫn đến khó khăn trong việc thành lập đội PCCC chuyên ngành; mặt khác, quy định cơ sở không thuộc diện trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới cơ sở mà thành lập đội PCCC chuyên ngành thì không phù hợp.
+ Một số nơi chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở còn rất hạn chế, hoạt động còn mang tính hình thức do thành viên các đội PCCC cơ sở hầu hết là cán bộ, công nhân viên kiêm nhiệm, chỉ làm việc trong giờ hành chính.
+ Lực lượng PCCC tình nguyện chưa được tổ chức thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia.
– Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật
– Chưa có một số quy định trong luật công tác nghiệm thu về PCCC, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH… để làm căn cứ quy định cụ thể ở văn bản dưới Luật, nhằm cụ thể hoá trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH.
– Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH một số ngành nghề tư vấn về kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH trong luật chưa quy định, trong khi đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH thực hiện các công việc tư vấn về PCCC và CNCH, như: tư vấn về kiểm tra an toàn PCCC; tư vấn thẩm duyệt thiết kế về PCCC; ngành nghề thi công, bảo dưỡng, bảo trì… hệ thống PCCC.
– Công tác đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc đầu tư mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, các địa phương còn lại ngân sách đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ; nhiều nơi hạ tầng, doanh trại của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xuống cấp nhưng nguồn ngân sách hạn chế; có nơi doanh trại phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các đơn vị khác hoặc đi thuê, mượn.
– Ngoài ra, về quản lý chất lượng phương tiện PCCC chưa đúng quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.
– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC rừng đã quy định cụ thể tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật, trong khi đó Luật PCCC cũng quy định về PCCC rừng dẫn đến chồng chéo khó thực hiện;
– Theo Luật PCCC quy định “Tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng bắt buộc” không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.”.
– Về quy định tạm đình chỉ, đình chỉ lĩnh vực phòng cháy: Theo quy định pháp luật PCCC hiện hành, tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động về PCCC cơ bản không khác nhau về nội hàm (nếu khắc phục tồn tại, vi phạm đều được phục hồi hoạt động). Hiện nay, việc quy định tạm đình làm phát sinh thêm thủ tục kiểm tra thực hiện Quyết định tạm đình chỉ. Mặt khác, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH có quy định về đình chỉ có thời hạn.
2. Về quy định trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ
– Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do còn thiếu cơ sở pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị định số 83/2017/NĐ-CP mặc dù đã tạo được cơ sở pháp lý bước đầu cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới và thực tiễn cho thấy cần thiết phải xây dựng văn bản luật để quy định thống nhất và toàn diện về tổ chức, hoạt động, phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy đã xác định phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ; phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
– Công tác đầu tư cho hoạt CNCH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc đầu tư mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, các địa phương còn lại ngân sách đầu tư cho hoạt động CNCH chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ.
– Về phương tiện CNCH chưa được quy định cụ thể trong Luật, trong khi đó, lực lượng Cảnh sát PCCC được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ CNCH hàng ngày.
Trích từ Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an