Theo dự thảo Luật Hành chính công đang được lấy ý kiến nhân dân thì Cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền được quy định như sau:
Cải cách thủ tục hành chính công là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Người đứng đầu bộ, ngành ở trung ương và chính quyền địa phương phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính sau đây:
a) Áp dụng chính phủ điện tử thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính của ngành mình hoặc địa phương mình quản lý;
b) Thường xuyên tự rà soát để chủ động loại bỏ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền loại bỏ những thủ tục cứng nhắc, không thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp;
c) Có sự liên kết, chia sẻ thông tin công để giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp và trong nội bộ từng cơ quan;
d) Công khai mọi thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan và tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;
d) Chủ động đề xuất phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền; áp dụng bộ chỉ số, bố trí phương tiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thuận tiện nhận xét, đánh giá chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính;
đ) Bảo đảm nguồn lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính với áp dụng chính phủ điện tử;
e) Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính là một tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của cơ quan và đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với từng cán bộ, công chức, viên chức.
Được biết, đây là dự thảo Luật do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề xuất và làm Trưởng ban soạn thảo, dự kiến sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 – Khóa XIV.
Ru bi