Theo dự thảo Luật Công an xã đang được lấy ý kiến Nhân dân thì Công an xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; đề xuất với chính quyền cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp đó.
2. Làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền.
3. Thực hiện trách nhiệm đối với việc thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp, thi hành biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự và thi hành án hình sự.
4. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm đối với việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi, biện pháp xử lý hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(Ai có thẩm quyền hủy bỏ quyết định xử phạt của Trưởng Công an xã?)
5. Phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Đây là quy định mới, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
6. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo thẩm quyền.
7. Thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú, căn cước công dân, giấy tờ đi lại, trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.
8. Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Công an xã
10. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
11. Trong trường hợp cấp bách để cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm thì được huy động phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó và phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động có thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.
12. Tham gia thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng vào lực lượng vũ trang nhân dân; luyện tập, diễn tập thực hiện các phương án quốc phòng, an ninh, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác.
13. Xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ.
14. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ thì so với Pháp lệnh Công an xã năm 2008 vẫn giữ nguyên 14 nhiệm vụ, tuy nhiên có sự thay đổi, bổ sung thêm nhiệm vụ cho phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành.
Phương Thảo