So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần cuối

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực 01/7/2019, thay thế cho Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012.

Để bạn đọc hiểu rõ những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, trangtinphapluat.com giới thiệu PHẦN 2 so sánh giữa 2 Luật 2018 và Luật 2005 như sau:

Luật phòng chống tham nhũng 2018
Luật phòng chống tham nhũng 2018

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 2

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 3

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 4

1. Căn cứ xác minh tài sản thu nhập

Để đảm bảo cho việc kê khai được chính xác, trung thực nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai Luật PCTN 2018 đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm:

– Khi Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

– Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Quy định này cụ thể hơn Luật 2005, Luật 2005 không có quy định về xác minh trong trường hợp biến động về tài sản.

Slide bài giảng Luật Phòng, chống tham nhũng 2018
Căn cứ xác minh tài sản thu nhập

– Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

– Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật 2005.

(Xem slide bài giảng Luật phòng chống tham nhũng)

– Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này

Bỏ căn cứ xác minh tài sản theo Luật 2005: Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản;

2. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập

Đây là quy định mới của Luật PCTN 2018, cụ thể nội dung xác minh tài sản, thu nhập gồm:

– Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai.

– Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

3. Thẩm quyền Quyết định xác minh tài sản, thu nhập

Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập trong thời hạn 05 hoặc 15 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ xác minh theo quy định của Luật PCTN 2018.

Việc xác minh tài sản, thu nhập phải thành lập Tổ xác minh. Tổ xác minh tài sản, thu nhập gồm có Tổ trưởng và các thành viên. Trường hợp nội dung xác minh có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cử người tham gia Tổ xác minh tài sản, thu nhập.

4. Xử lý hành vi kê khai tài sản không trung thực

Luật PCTN 2018 đã quy định cụ thể việc Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực như sau:

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

So sánh Luật phòng chống tham nhũng 2018 -2005
Xử lý hành vi kê khai tài sản không trung thực

– Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

– Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Luật 2005 chỉ quy định chung Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

5. Quy định về phát hiện tham nhũng

Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng 2005 thì cho thấy: Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp, chủ yếu phát hiện qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa ổn định, chưa đủ mạnh; địa vị pháp lý không tương xứng với nhiệm vụ được giao. Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời; các biện pháp hỗ trợ hoạt động tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác giám định tư pháp trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học công nghệ….

(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng)

Để khắc phục hạn chế, bất cập trên Luật PCTN 2018 đã dành Chương 3 để quy định về phát hiện tham nhũng trong cơ quan đơn vị.

5.1. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra

Luật 2018 cơ bản kế thừa các quy định của Luật PCTN 2005, cụ thể:

– Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

– Luật cũngbổ sung quy định trách nhiệm Kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

5.2. Phát hiện tham nhũng thông qua Công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán

Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định việc Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Bỏ quy định của Luật 2005 về phát hiện tham nhũng thông qua điều tra, kiểm sát, xét xử. Đồng thời quy định cụ thể Trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán (Luật 2005 chỉ quy định chung chung:  xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật ), cụ thể:

– Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau:

+ Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp. Trong trường hợp này, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước;

+ Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

6. Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng

Luật 2005 chỉ quy định tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng, còn Luật 2008 bổ quy định định về phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, cụ thể: Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng

Luật 2008  quy định: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.

(Xem slide bài giảng Luật Tố cáo 2018)

Bảo vệ người tố cáo

Luật 2005 không có quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo, chỉ quy định “Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật“.

Mẫu văn bản trong giải quyết tố cáo
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Luật 2018 bổ sung quy định về người tố cáo, người phản ánh, người báo cáo về hành vi tham nhũng, cụ thể:  Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.  Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo.

Khen thưởng người tố cáo, người phản ảnh, người báo cáo

Luật 2005 chỉ quy định về khen thưởng người tố cáo.

Luật 2018 bổ sung quy định khen thưởng người phản ánh, người báo cáo, cụ thể: Người có thành tích trong việc phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

7. Trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

7.1. Trách nhiệm của người đứng đầu

Cơ bản Luật 2018 kế thừa quy định của Luật 2005 về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, cụ thể:

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

Trách nhiệm của người đứng đầu
Trách nhiệm của người đứng đầu

– Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới.

7.2. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu

Luật 2018 kế thừa quy định của Luật 2005, theo đó: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng  thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng  thì bị xử lý kỷ luật.

7.3. Miễn giảm trách nhiệm pháp lý

Luật 2005 quy định miễn, giảm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.

Luật 2018 bổ sung quy định xem xét loại trừ trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cụ thể: Trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Luật 2018 bổ sung quy định xem xét miễn giảm trách nhiệm pháp lý trong trường hợp: đã chủ động, kịp thời phát hiện.

Luật 2018 bổ sung quy định: Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.

8. Phòng, chống tham nhũng khu vực tư nhân

Luật 2018 tại Chương 6 đã quy định về phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chân chính, của cá nhân, nhà đầu tư, đặc biệt là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

9. Xử lý tham nhũng

Luật 2005 chỉ quy định nguyên tắc trong xử lý tham nhũng. Còn Luật 2018 tại chương 9 đã quy định về xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm về phòng, chống tham nhũng.

9.1. Xử lý người có hành vi tham nhũng

Luật 2018 đã kế thừa Luật 2005 về xử lý người có hành vi tham nhũng .. Cụ thể: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Quy định xử lý người có hành vi tham nhũng
Quy định xử lý người có hành vi tham nhũng

Luật 2018 bổ sung quy định:

– Người có hành vi tham nhũng  thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

– Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

9.2. Xử lý tài sản tham nhũng

Luật 2005 quy định: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Luật không phân biệt tài sản hợp pháp/ bất hợp pháp của cá nhân, tổ chức đều phải tịch thu.

Luật 2018 ngoài quy địch thu hồi, tịch thu còn bổ sung quy định: Tải sản tham nhũng Trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Luật 2018 bên cạnh quy định trách nhiệm bồi thường còn bổ sung trách nhiệm khắc phục thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.

(Xung đột lợi ích là gì? Trường hợp nào được xem là xung đột lợi ích)
Xem Clip tuyên truyền Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP củaTiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh

9.3. Xử lý hành vi vi phạm khác

Luật 2018 còn bổ sung quy định xử lý hành vi vi phạm khác về phòng chống tham nhũng như: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;  Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;  Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử; Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;…

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *