So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 3

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực 01/7/2019, thay thế cho Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012.

Để bạn đọc hiểu rõ những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, trangtinphapluat.com giới thiệu PHẦN 2 so sánh giữa 2 Luật 2018 và Luật 2005 như sau:

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 2

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 4

Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần cuối

1. Về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn

Luật Phòng chống, tham nhũng năm 2018 đã thay đổi cụm từ “cán bộ, công chức, viên chức” thành cụm từ “người có chức vụ, quyền hạn”.

Luật 2018 cũng thay đổi quy định “Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc” thành “Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc”. Theo Khoản 6 Điều 3 của Luật 2018 thì hành vi nhũng nhiểu đã bao hàm tất cả hành vi được nêu trong Luật 2005.

Luật 2018 đã bỏ quy định người có chức vụ, quyền hạn  không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư; Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, lại bổ sung quy định người có chức vụ, quyền hạn không được làm đó là: Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan. Quy định của Luật 2018 bao quát hơn Luật 2005 và dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành để đảm bảo tính đầy đủ, chi tiết, không bỏ lọt hành vi.

Luật phòng chống tham nhũng 2018
Luật phòng chống tham nhũng 2018

Luật 2018 chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước” bỏ quy định vợ hoặc chồng không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

2. Về tặng quà và nhận quà tặng

Luật 2005 không quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng mà chỉ quy định chung trừ trường hợp pháp luật có quy định khác nên rất khó thực hiện. Luật 2018 đã quy định chi tiết hơn trường hợp cơ quan, đơn vị được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, đó là  tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng
Công khai minh bạch để hạn chế tham nhũng

3. Kiểm soát xung đột lợi ích

Luật 2005 không quy định vấn đề này, Luật phòng, chống tham nhũng 2018 dành 1 điều riêng để quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, cụ thể:

– Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

(Xem slide bài giảng Luật phòng, chống tham nhũng 2018)

–  Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

– Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

Giải quyết xung đột lợi ích
Giải quyết xung đột lợi ích trong cơ quan nhà nước

+ Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

(Xung đột lợi ích là gì? Trường hợp nào được xem là xung đột lợi ích)

+ Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;

+Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

4. Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức

Luật năm 2005 chỉ quy định việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Còn luật 2018 không quy định vị trí nào phải chuyển đổi mà chỉ quy định chung là cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được chuyển đổi vị trí để phòng ngừa tham nhũng.

(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021)

Luật 2018 bổ sung nguyên tắc: Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.  Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Luật 2018 cũng quy định cụ thể thời hạn chuyển đổi: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

Phần tiếp theo sẽ đăng tải vào ngày 30/12/2018, mời các bạn theo dõi

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

2 Bình luận

  1. Bài viết rất hữu ích. Đề nghị anh đăng tiếp các phần còn lại đề các báo cáo viên pháp luật tuyên truyền được đầy đủ./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *