1. Chế định đồng phạm là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng của pháp luật hình sự. Theo đó, tội phạm có thể chỉ do một người thực hiện nhưng cũng có trường hợp lại do nhiều người cùng gây ra. Chế định đồng phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.
Đồng phạm phải có từ 2 người trở lên
Cụ thể: tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “ Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Trong khoa học luật hình sự ghi nhận hai loại đồng phạm là: đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Trong đó, đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành (Ví dụ: A rủ B, C cùng đi trộm cắp tài sản nhà bà X);
Phạm tội có tổ chức được quy định tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 1985 và khoản 3 Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999 của nước ta: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Tình tiết phạm tội có tổ chức không những được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 1985, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999, mà còn được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại nhiều điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999. Từ khái niệm phạm tội có tổ chức nói trên cho thấy, đây là phương thức phạm tội đặc biệt để phân biệt với phương thức phạm tội riêng lẻ hoặc với các phương thức phạm tội dưới các hình thức đồng phạm khác. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Giữa những người này có sự cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò giữa những người cùng tham gia. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu:
+ Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
+ Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
+ Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết Số 02/HĐTP-NQ ngày 16/11/1988 thì:
(1) Trong phạm tội có tổ chức và những trường hợp đồng phạm khác đều phải có từ 2 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu cùng thực hiện tội phạm mà không có sự nhất trí thì không phải là đồng phạm Ví dụ: nhiều người cùng vào hôi của ở một nhà bị cháy, nhưng không có bàn bạc trước hoặc xúi giục nhau phạm tội.
(2) Nói chung, trong các trường hợp đồng phạm những người phạm tội thường có bàn bạc trước và sự phân công thực hiện tội phạm, nhưng không phải bất cứ trường hợp nào có bàn bạc trước và có phân công thực hiện tội phạm đều là phạm tội có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Vì vậy, nếu việc thực hiện tội phạm giản đơn, không đòi hỏi phải có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng, chu đáo thì không phải là phạm tội có tổ chức. Ví dụ: Hai thanh niên muốn có tiều tiêu, nên rủ nhau đi ăn cắp xe đạp, khi gặp người để xe sơ hở đã phân công một người canh gác và một người lấy xe…
(3) Phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây:
a) Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Ví dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
b) Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Ví dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…
c) Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Ví dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm v.v…
* Ý nghĩa của việc xác định vai trò người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức tham gia trong vụ án hình sự:
Việc xác định vai trò người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức tham gia trong vụ án hình sự có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để đánh giá tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm đối với hoạt động chung của họ. Từ đó, đảm bảo việc lượng hình cho các bị cáo chính xác, đúng pháp luật.
Ví dụ: A thấy chú ruột của mình là người giàu có, nên tổ chức cho B, C và D trộm cắp tài sản của chú. A căn dặn B, C, D rằng khi đến nhà chú của A nếu phát hiện thì phải rút lui, A đã kiểm tra kỹ không để cho B, C, D mang theo hung khí. Trên đường đến nhà chú của A, C đã rẽ về nhà mình và đem theo một dao găm. Khi phát hiện C dùng dao găm ấy đâm vào bụng chú của A. Trường hợp này hành vi của C là vượt quá. Vì vậy A, B và D không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của C.
* Khi xác định trách nhiệm hình sự của những người trong vụ án đồng phạm, cần chú ý những vấn đề sau đây:
Một là: Đối với những tội đòi hỏi chủ thể tội phạm phải có dấu hiệu đặc biệt thì chỉ cần người thực hành có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, còn người đồng phạm khác không cần dấu hiệu đó.
Hai là: Do nguyên nhân ngoài ý muốn, người thực hành không phạm tội được đến cùng, mà phải dừng lại thì người thực hành thực hiện tội phạm đến đâu người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó. Người xúi giục, giúp sức, tổ chức chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi họ đã cố gắng ngăn cản không để người thực hành phạm tội. Nếu hành vi xúi giục, giúp sức, tổ chức đã thực tế cấu thành tội phạm khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ấy.
Ba là: Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được xem xét theo quy định Điều 19 Bộ luật Hình sự. Người thực hành được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định chung; người tổ chức, xúi giục, giúp sức chỉ được thừa nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi người thực hành chưa bắt tay vào việc thực hiện tội phạm và có hành vi ngăn ngừa người thực hành phạm tội.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015 mới ban hành đã có những sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật Hình sự năm 1999 về chế định đồng phạm và phạm tội có tổ chức. Cụ thể, tại Điều 17 BLHS năm 2015 quy định như sau:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Như vậy, về cơ bản quy định về đồng phạm và phạm tội có tổ chức quy định tại BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên so với quy định tại BLHS năm 1999, ngoài ra BLHS 2015 còn có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau:
Một là, Điều 17 BLHS năm 2015 được quy định thành 04 khoản (so với BLHS năm 1999 là 03 khoản), khoản 2 của Điều 20 BLHS năm 1999 “Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.” được sửa đổi thành khoản 3 của BLHS năm 2015 như sau: “Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”
Hai là, Khoản 3 Điều 20 BLHS năm 1999 được quy định thành khoản 2 Điều 17 của BLHS năm 2015.
Ba là, Điều 17 BLHS năm 2015 bổ sung thêm khoản 4 “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
* Các căn cứ để xác định vụ án đồng phạm và phạm tội có tổ chức:
Thứ nhất: Các căn cứ khách quan:
– Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
– Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
– Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
Thứ hai: Căn cứ chủ quan. Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
– Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
– Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ ngy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
– Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
– Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
– Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.
* Về trách nhiệm hình sự trong trường hợp đồng phạm và phạm tội có tổ chức:
Tất cả các loại người đồng phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội mà có cấu thành tội phạm thoả mãn với những hành vi mà người thực hành đã làm. Toà án sẽ căn cứ vào hành vi cụ thể của từng người để quyết định hình phạt với từng người, nhưng trách nhiệm hình sự thì tất cả các đồng phạm đều sẽ bị truy cứu cùng một loại tội danh.
Các quy định nêu trên về đồng phạm đều là những kế thừa từ chế định đồng phạm của Bộ luật hình sự cũ. Ngoài những điểm nêu trên thì Bộ luật hình sự 2015 cũng đã bổ sung thêm 1 quy định về trách nhiệm hình sự trong trường hợp đồng phạm tại khoản 4: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Đây cũng là một thay đổi tích cực dựa trên những thiếu sót trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự trong cuộc sống.
Trên thực tế, trong một vụ đồng phạm, nhiều người thực hành có những hành vi vượt quá những thoả thuận, hứa hẹn, kế hoạch ban đầu của các đồng phạm khác. Bản chất của đồng phạm là phải có sự thống nhất về ý chí và lý trí. Trường hợp người thực hành có hành vi vượt quá, đây là ý chí chủ quan của người thực hành, thực hiện hành vi vượt quá hứa hẹn, kế hoạch ban đầu. Xét từ bản chất sự việc thì phần vượt quá này không hề có sự thống nhất ý chí giữa những người đồng phạm. Do đó, những người đồng phạm khác sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Tuy nhiên, quy định này cũng cần có sự giải thích, hướng dẫn chi tiết hơn nữa như là thế nào là hành vi vượt quá; trường hợp hành vi vượt quá này được chấp thuận bởi những người đồng phạm khác thì giải quyết như thế nào? Đây là những vấn đề mà các nhà lập pháp cần dự liệu để tránh việc khó áp dụng, diễn giải các quy định mới trong chế định đồng phạm.
Hồ Nguyễn Quân