Kỹ năng tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho bị can, bị cáo

TRANGTINPHAPLUAT.COM giới thiệu bài viết kỹ năng tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

1.Khái niệm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

1.1. Người tạm giữ.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang; người tự thú, đầu thú và người bị bắt theo lệnh truy nã.

Trước đây luật có ghi nhận người bị tạm giữ là người bị bắt ở trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang. Đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp đều phải tạm giữ, còn những trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng ít nghiêm trọng lại có nơi cứ trú rõ ràng thì không cần thiết phải tạm giữ mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Ngoài trường hợp người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, Luật mới còn quy định người phạm tội ra đầu thú cũng có thể bị tạm giữ. Đối với người đầu thú với những hành vi phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tùy từng trường hợp cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc đó là tạm giữ. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định những người bị bắt theo lệnh truy nã cũng phải tạm giữ.

Trong trường hợp bản thân người bị tạm giữ hoặc người nhà của họ đến Trung tâm TGPL yêu cầu cử luật sư, nhờ người đại diện, bào chữa thì Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên có thể tham gia ngay từ khi bị tạm giữ.

1.2. Bị can

Bị can là người đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự.

Một người trở thành bị can khi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với người đó. Bị can có quyền năng và nghĩa vụ pháp lý do luật định, có quyền đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu, được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình và có trách nhiệm chấp hành, tuân thủ các quy định của nhà tạm giam…Bị can chịu sự cưỡng chế về mặt pháp lý đối với họ, nếu họ không bị khởi tố bị can thì các biện pháp cưỡng chế đối với họ không bị áp dụng trừ trường hợp đặc biệt.

Kỹ năng tham gia bào chữa trong vụ án hình sự
Kỹ năng tham gia bào chữa trong vụ án hình sự

1.3. Bị cáo

Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị can chuyển thành bị cáo sau khi Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử trên cơ sở nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị can.

Bị cáo có quyền đưa ra chứng cứ và các yêu cầu, có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình, đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo luật định, có quyền nói lời cuối cùng sau khi nghị án, có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án, bị cáo có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng v.v.

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có vai trò quan trọng trong việc tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự là người được trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho họ; đồng thời giúp cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, chính xác, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý, luật sư có trách nhiệm sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Để thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo, người bào chữa phải biết được quyền và nghĩa vụ của mình (Điều 58 BLTTHS 2003); quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ (Điều 48), bị can (Điều 49), bị cáo (Điều 50), của cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tham gia vụ án và những nguyên tắc của hoạt động tố tụng hình sự.

Đối với người bị hại (bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản do phạm tội gây ra), Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia với tư cách là người đại diện, có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp theo quy định của pháp luật để làm rõ sự thật và giúp người bị hại về mặt pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích cho họ.

Thành công của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố (kỹ năng): Giao tiếp với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; khả năng điều tra, xác minh thu thập chứng cứ; gặp gỡ người làm chứng; nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án;  chuẩn bị bài bào chữa và đề cương luận cứ bảo vệ; cư xử đúng mực với người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng; năng lực tham gia tranh tụng và kỹ năng hùng biện tại phiên toà.

  1. Kỹ năng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Điều tra vụ án hình sự là hoạt động tố tụng do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra và Điều tra viên tiến hành nhằm phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội để đề nghị truy tố, xét xử trước Toà án.

Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can là người được trợ giúp pháp lý. Thực tiễn cho thấy sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư vào giai đoạn điều tra sẽ góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật, bảo đảm cho hoạt động điều tra được tiến hành khách quan, toàn diện, chính xác đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu đặt ra đối với Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong giai đoạn điều tra là phải sử dụng mọi biện pháp theo quy định của pháp luật để làm sáng tỏ vụ án để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

Trong giai đoạn điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần thực hiện một số kỹ năng sau đây:

– Làm thủ tục tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.

– Gặp gỡ, tham gia lấy lời khai của bị can, người bị tạm giữ để tìm hiểu sự thật khách quan của vụ án. Kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?

– Nắm vững và củng cố các chứng cứ chứng minh thân chủ là vô tội hay tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ.

– Hiểu được mong muốn, nguyện vọng của thân chủ, người bị tạm giữ; giải thích pháp luật, chuẩn bị tâm lý cho bị can, người bị tạm giữ.

– Thống nhất định hướng bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý.

2.1. Kỹ năng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư làm thủ tục tham gia tố tụng vụ án hình sự

Theo Khoản 1 Điều 58, Khoản 1 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền tham gia từ giai đoạn điều tra. Luật sư có quyền tham gia từ khi có quyết định khởi tố bị can, trong trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Để được tham gia tố tụng, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý với tư cách là người đại diện hợp pháp, xác lập các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được cử tham gia tố tụng phải làm các thủ tục cần thiết để được cơ quan điều tra cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Trước hết, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết để đề nghị Cơ quan điều tra cấp Giấy chứng nhận bào chữa (nếu bào chữa cho bị can), cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự (nếu bảo vệ cho người bị hại và đương sự khác). Theo Khoản 4 Điều 39 Luật trợ giúp pháp lý, để được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Thẻ luật sư, Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

b) Quyết định của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trưởng Chi nhánh) cử Trợ giúp viên pháp lý, hay Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng.

Trường hợp luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo pháp luật về luật sư hoặc tham gia trợ giúp pháp lý trong phạm vi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý thì thì luật sư phải chuẩn bị các loại giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về luật sư và pháp luật tố tụng hình sự.

Theo Khoản 2 Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời hạn 3 ngày (đối với trường hợp người bị tạm giữ, thời hạn này là 24h), kể từ ngày nhận được Quyết định cử người tham gia tố tụng của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hay Trưởng Chi nhánh của Trung tâm, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý. Nhưng để được tham gia tố tụng kịp thời, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cử tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải đến cơ quan điều tra xuất trình đầy đủ các giấy tờ nói trên và đề nghị Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng để thực hiện bào chữa, bảo vệ theo quy định của pháp luật tố tụng.

Tuy nhiên, thực tế thời hạn này thường bị kéo dài hơn do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trong thực tiễn tố tụng hình sự có lý do khách quan như: do sức ép công việc, điều tra viên phụ trách nhiều vụ án, Cơ quan điều tra chưa phân loại, xác minh được lý lịch của bị can … nên chưa thể hoàn tất hồ sơ trong thời hạn 3 ngày để trình Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Cũng có lý do chủ quan là các điều tra viên chưa muốn sự có mặt tham gia sớm của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư nên thường viện lý do Thủ trưởng đi vắng, chưa trình ký được giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Vì vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra chậm cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự chậm trễ, đề xuất ý kiến với Trung tâm trợ giúp pháp lý để tác động hoặc trực tiếp đề nghị cơ quan điều tra một cách mềm mỏng, tránh quá bức xúc, khiếu nại, gây căng thẳng ảnh hưởng không tốt đến quá trình tham gia tố tụng sau này.

Khi được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa hoặc Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, địa vị pháp lý tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư chính thức được xác lập; Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Để được tham gia vào giai đoạn điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần gặp gỡ, trao đổi với Cơ quan điều tra về những công việc dự định sẽ tham gia trong giai đoạn này.

2.2. Kỹ năng tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ và hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác

Khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa có quyền: Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi cung người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; Đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư cần gặp gỡ, trao đổi với Điều tra viên điều tra vụ án để biết kế hoạch làm việc của Điều tra viên đối với bị can là người được trợ giúp pháp lý, đề nghị được có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Cần giữ liên lạc với Văn phòng Cơ quan điều tra, Điều tra viên để biết được lịch hỏi cung, thay đổi lịch hỏi cung của Điều tra viên. Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cố gắng đạt được thỏa thuận trước với Điều tra viên về thời gian tham gia lấy lời khai, hỏi cung để bố trí thời gian tham gia.

Sau khi biết kế hoạch hỏi cung, lấy lời khai của Điều tra viên, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần nghiên cứu và lập kế hoạch cụ thể tham gia hỏi cung, chuẩn bị các câu hỏi đối với người tạm giữ, bị can để làm rõ những vấn đề mà Trợ giúp viên pháp lý, luật sư đã dự liệu trước. Trong trường hợp lấy lời khai của người được trợ giúp pháp lý tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần khẩn trương làm thủ tục cần thiết cùng với Điều tra viên để kịp thời có mặt tham gia buổi lấy lời khai, hỏi cung.

Trong quá trình tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần giúp đỡ pháp lý cho họ: Giới thiệu về mình, nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư và hướng dẫn các quyền của người bị tạm giữ, bị can…. Trong quá trình Điều tra viên lấy lời khai, hỏi cung, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải lắng nghe và ghi chép các câu hỏi của Điều tra viên và câu trả lời của bị can; đặt các câu hỏi khi được Điều tra viên đồng ý, tập trung làm rõ những điểm mấu chốt của vụ án, đặc biệt những điểm chưa rõ, có mâu thuẫn về chứng cứ, làm rõ vị trí, vai trò của bị can trong vụ án, tình tiết giảm nhẹ, động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội theo hướng có lợi cho bị can.

Trong trường hợp điều tra viên đặt những câu hỏi có tính mớm cung hoặc bức cung đối với người được trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý, luật sư không nên phản ứng gay gắt với Điều tra viên bởi làm mất hay hạ thấp uy tín của Điều tra viên trước mặt người bị tạm giữ, bị can là điều tối kỵ. Trong trường hợp này, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần khéo léo, tế nhị xin phép đặt những câu hỏi cho người được trợ giúp pháp lý để phản bác lại câu hỏi của Điều tra viên.

Trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai nếu phát sinh vấn đề tình tiết mới có lợi cho thân chủ, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể đề xuất Điều tra viên hỏi hoặc đề nghị được hỏi bổ sung để làm rõ các vấn đề của vụ án. Khi gần kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần hướng dẫn người bị tạm giữ, bị can đọc lại biên bản lấy lời khai, bản cung, đính chính (nếu có) và ký tên vào các trang của bản ghi lời khai, bản cung, vào chữ cuối của dòng cuối cùng của biên bản và gạch chéo phần giấy trống còn lại không có chữ. Khi được tham gia lấy lời  khai, hỏi cung bị can, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư phải giữ bí mật điều tra theo qui định của pháp luật.

Khi tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư không chỉ được tham gia buổi lấy lời khai, hỏi cung người bị tạm giữ, bị can mà còn được quyền tham gia vào các hoạt động điều tra khác như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, khám xét chỗ ở, địa điểm, đối chất, nhận dạng v.v. Khi Trợ giúp viên pháp lý, luật sư nắm được kế hoạch thực hiện các hoạt động điều tra của Điều tra viên, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần sắp xếp thời gian tham dự để hiểu rõ hơn các tình tiết có liên quan đến bản chất của vụ án.

Khi tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra, nếu Trợ giúp viên pháp lý, luật sư nhận thấy cần thiết phải trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung hoặc đối chất, khai quật tử thi, thu thập đồ vật, bảo quản vật chứng, dấu vết… thì Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cần có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động đó và yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp cho mình kết quả giám định theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trong quá trình tham gia vào các hoạt động điều tra này, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chú ý quan sát, phát hiện để thu được nhiều thông tin nhất về vụ án. Trong một số vụ án có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư đề nghị được tham gia hoà giải. Tham gia vào các hoạt động điều tra này, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư có điều kiện giám sát hoạt động của những người tiến hành tố tụng, bảo đảm cho cơ quan điều tra, Điều tra viên phải thực hiện công việc theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định và kịp thời phát hiện ra những sai sót của cơ quan điều tra (nếu có), trên cơ sở đó kiến nghị kịp thời với cơ quan điều tra, Điều tra viên khắc phục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý nói riêng và bảo vệ pháp chế nói chung.

2.3. Kỹ năng tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo

2.3.1. Gặp gỡ, tiếp xúc với bị can, bị cáo tại ngoại

Người được trợ giúp pháp lý là bị can, bị cáo được tại ngoại có nghĩa là không bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế tự do. Trong luật tố tụng hình sự Việt Nam có các biện pháp ngăn chặn: Bắt, tạm giam, tạm giữ, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm, trong đó các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm là những biện pháp ít nghiêm khắc và người bị áp dụng những biện pháp này không bị hạn chế tự do, được tại ngoại dưới sự giám sát của gia đình, cơ quan, tổ chức và bị can, bị cáo phải có mặt khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần phải lựa chọn địa điểm, thời gian gặp gỡ cho phù hợp để tiếp xúc, trao đổi ban đầu với người được trợ giúp pháp lý, tạo lòng tin của người được trợ giúp pháp lý, cần có thái độ cảm thông đúng mực, làm chỗ dựa tinh thần cho họ. Người bào chữa cần dự liệu cho người được trợ giúp pháp lý về những khả năng xảy ra trong tiến trình điều tra vụ án; cảnh báo và hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý thực hiện các công việc cần thiết (chấp hành nghiêm lệnh triệu tập lấy lời khai của cơ quan điều tra, quyền yêu cầu khi kết thúc biên bản làm việc: đọc lại, bổ sung, thêm bớt những nội dung, ghi đúng lời khai, gạch những khoảng trống và ký tên vào các bản hỏi cung…). Đề nghị người được trợ giúp pháp lý thông báo cho người bào chữa về thời gian, địa điểm lấy lời khai khi có Giấy triệu tập lấy lời khai để được tham gia. Người bào chữa cần dự kiến những vấn đề mà Điều tra viên sẽ hỏi để bị can chuẩn bị trả lời. Trong giai đoạn này, người bào chữa cần tư vấn, giúp người được trợ giúp pháp lý hiểu về trình tự, thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, các dấu hiệu cấu thành tội phạm đang bị cáo buộc; hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý đưa ra chứng cứ, lý lẽ chứng minh việc không phạm tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thông qua việc thu thập, cung cấp các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, lời khai nhân chứng, diễn biến vụ án… vào thời điểm xẩy ra vụ án cho Cơ quan điều tra;

2.3.2. Gặp gỡ, tiếp xúc với bị can, bị cáo tại trại tạm giam

Để được gặp gỡ, tiếp xúc với bị can, bị cáo tại Trại tạm giam, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ có liên quan như Giấy chứng nhận người bào chữa; Thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Thẻ Luật sư, Giấy CMTND; Quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Giấy giới thiệu của cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục gặp bị can, bị cáo tại Trại tạm giam.

Đến Trại tạm giam, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư xuất trình các giấy tờ có liên quan cho bộ phận Hồ sơ để lấy số giam, buồng giam, khu giam bị can và nhận Phiếu xuất phạm có bút phê (sự chấp thuận) của Giám thị; Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư chuyển Phiếu xuất phạm đến bộ phận trực ban của khu giam giữ và hỏi cung; đề nghị bộ phận thường trực giải quyết thủ tục có lệnh “trích – xuất” để nhận bị can. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải ký vào Sổ theo dõi của Trại để nhận bị can và đăng ký số buồng làm việc. Sau khi làm việc, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải ký trả bị can cho Trại tạm giam sau khi kết thúc buổi làm việc với bị can.

Tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo là hoạt động bắt buộc cần thiết của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư khi nhận bào chữa cho bị can, bị cáo, đặc biệt là những vụ án Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia từ giai đoạn đưa vụ án ra xét xử tại Toà án. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu diễn biến của vụ án, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải gặp gỡ bị can, bị cáo để làm sáng tỏ bản chất vụ án hoặc nghiên cứu hồ sơ vụ án xong đến gặp bị can, bị cáo tuỳ thuộc vào kinh nghiệm và phương pháp làm việc của người bào chữa.

Sẽ rất thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư khi đến tiếp xúc với bị can, bị cáo trong trường hợp Luật sư được chính bị can, bị cáo hoặc người thân của bị can, bị cáo mời. Ngược lại, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư sẽ khó khăn hơn trong trường hợp họ được mời theo chỉ định của Toà án hoặc người thân của họ mời mà không được sự đồng ý hay ngoài ý muốn của bị can, bị cáo. Trong mọi trường hợp, khi tiếp xúc với bị can, bị cáo lần đầu tiên, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải gây được thiện cảm, tạo niềm tin cho bị can, bị cáo để họ coi Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư như một chỗ dựa để cứu giúp họ, giảm bớt những cảm giác tiêu cực phát sinh khi họ phải cách ly với gia đình và xã hội .

Theo qui định hiện hành của Bộ Công an, thời gian dành cho Luật sư gặp bị can, bị cáo trong khoảng 1 giờ/một lần gặp. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chuẩn bị kế hoạch cụ thể, dự kiến trước các nội dung cần trao đổi với bị can, bị cáo. Khi gặp bị can, bị cáo để xây dựng niềm tin của bị can, bị cáo, trước tiên Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần giới thiệu về mình, giải thích về chức năng, nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư; có thể thông báo tình hình gia đình, chuyển lời nhắn của gia đình (nếu có), giải thích, hướng dẫn pháp luật (nếu bị can có thắc mắc, hỏi). Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư chuẩn bị các câu hỏi để làm rõ những hành vi mà bị can, bị cáo đã thực hiện; làm rõ những điểm có mâu thuẫn giữa lời khai của bị can, bị cáo với chứng cứ khác; xác định rõ những tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội và làm rõ những yêu cầu của bị can, bị cáo với cơ quan tiến hành tố tụng. Các câu hỏi đặt ra cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để bị can, bị cáo trả lời đúng trọng tâm, nên đặt câu hỏi gợi mở để bị can, bị cáo trình bầy các tình tiết diễn biến của vụ án.

Khi tiếp xúc với bị cáo, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chú ý đến tâm trạng, diễn biến tâm lý của bị can, bị cáo. Tuỳ từng loại tội phạm và phương thức thực hiện hành vi phạm tội mà bị can, bị cáo có những tâm trạng và tâm lý khác nhau, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư qua kinh nghiệm của mình có những ứng xử phù hợp. Ví dụ, bị cáo có thể nhận biết mình bị tử hình thì thường có tâm lý không muốn mời Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư để thêm tốn kém hoặc cho rằng Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư không thể chống lại được pháp đình,… Trong trường hợp như vậy, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần tế nhị với thái độ điềm tĩnh, nhân hậu, khéo léo gợi chuyện, hỏi thăm về sức khoẻ, tình trạng giam giữ, ăn ở, hoàn cảnh gia đình, sở thích cá nhân để thức tỉnh những phẩm chất tích cực của bị cáo, giảm bớt những tâm lý bi quan, chán nản của bị cáo, từ đó dẫn dắt bị cáo bộc lộ những tình tiết có liên quan đến vụ án.

Khi được bị can, bị cáo chấp nhận, bước đầu đặt niềm tin vào Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư, muốn trao đổi, bày tỏ với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thì tranh thủ cơ hội này, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư giới thiệu cho bị cáo biết về những quyền tố tụng, những khả năng, biện pháp mà họ được sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trên cơ sở đó, gây dựng niềm tin cho bị cáo để họ tích cực tham gia cùng với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư xem xét, nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ, lập luận cứ bác bỏ lời buộc tội hoặc giảm nhẹ hình phạt.

Về nguyên tắc, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư hành động cùng với bị cáo, bảo vệ quyền lợi ích của họ, không được hành động có hại cho bị cáo. Tuy nhiên, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cũng không thể thay thế bị cáo, mà Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng độc lập, có quyền và nghĩa vụ riêng, không phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm và ý chí của bị cáo mà cần độc lập xác định cho mình phương hướng, chiến thuật bào chữa và tranh luận tại Toà án nhân danh mình vì quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Trong quá trình tiếp xúc với bị can, bị cáo có thể phát sinh quan hệ đồng thuận hoặc bất đồng giữa Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư và bị can, bị cáo. Trong nhiều trường hợp, thông thường Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư và bị cáo có đồng quan điểm, thoả thuận với nhau về quan điểm và đánh giá chứng cứ, tin tưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư và bị cáo bất đồng quan điểm trong việc đánh giá một số sự kiện hoặc một số chứng cứ riêng biệt. Ví dụ: có trường hợp bị cáo không phạm tội, nhưng nhận tội vì lý do nào đó (nhận tội thay cho người thân, bị bức cung hay do một áp lực nào đó mà họ không thể vượt qua), bị cáo không nói sự thật cho Luật sư biết và không hiểu hậu quả của việc nhận tội đó; còn Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tìm hiểu vụ việc, tiếp xúc với bị cáo và tranh luận tại phiên toà thấy rằng bị cáo không phạm tội. Trong trường hợp này, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải sử dụng mọi quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định để chứng minh bị cáo vô tội. Hoặc bị cáo phạm tội nhưng không thừa nhận mình có tội và yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư bác bỏ lời buộc tội của Viện kiểm sát, trong khi đó, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư qua quá trình xem xét hồ sơ thấy rằng bị cáo có phạm tội. Trong trường hợp này Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần giải thích, thuyết phục, hướng dẫn bị cáo cách xử sự có lợi nhất cho bị cáo như biết tội, thành khẩn nhận tội và khai báo các hành vi phạm pháp để hưởng khoan hồng,…Trên cơ sở đó, Trợ giúp viên pháp lý , Luật sư trình bày những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Điều cần lưu ý, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư không nên đưa ra bất cứ một cử chỉ hoặc lời nói nào thể hiện việc thừa nhận tính phạm tội của bị cáo trái với sự phủ nhận của họ, bởi như vậy sẽ khẳng định thêm lời buộc tội đối với bị cáo, đồng thời trái với mục đích bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư và đó là sai lầm nghề nghiệp của người bào chữa.

Tóm lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bằng lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải sử dụng đầy đủ các quyền năng mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình và không được hành động có hại cho thân chủ. Trong quá trình tham gia tố tụng cần phải có quan điểm, chính kiến riêng có lợi cho thân chủ, không phụ họa lời buộc tội và cũng không nghe theo bị cáo một cách mù quáng trong trường hợp bị cáo phủ nhận tội lỗi của mình mà không có cơ sở pháp lý xác thực.

Trong quá trình trao đổi với bị can, bị cáo Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần tập trung làm rõ những những tình tiết mang tính bản chất để làm rõ sự thật khách quan của vụ án; làm rõ các vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời khai và chứng cứ, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trong quá trình làm việc với bị can, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải chú ý lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi bổ sung để làm rõ thêm những vấn đề còn mâu thuẫn, nghi vấn. Trường hợp bị can, bị cáo trình bầy quanh co, không muốn nói ra sự thật, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần giải thích, đưa ra lời khuyên, thuyết phục họ nói ra sự thật của vụ án thì mới có khả năng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can có hiệu quả. Nếu bị can trong vụ án gây thiệt hại vật chất thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần đưa lời khuyên nên khắc phục hậu quả đúng thời điểm để được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo các Điều 46, 47 Bộ luật Hình sự. Cuối cùng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư và bị can thống nhất phương án, định hướng bào chữa và xác định công việc của mỗi bên để đạt được hiệu quả cao nhất trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

2.4. Gặp gỡ, tiếp xúc với người làm chứng

Người làm chứng là những người nào biết được sự thật khách quan của vụ án, được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến để khai thác về những sự việc cần xác minh, trừ những người có nhược điểm về thể chất, tâm thần và người bào chữa không phải là người làm chứng. Trong trường hợp Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư đã tham gia bào chữa trong vụ án đó thì không phải làm người làm chứng.

Trên thực tế, việc Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tiếp xúc, gặp gỡ người làm chứng rất phức tạp và khó khăn, bởi họ ngại, không muốn tham gia tố tụng làm mất thời gian, công sức, tiền tàu xe đi lại hoặc là bị oán trách từ phía bị can, bị cáo, bị hại. Trong trường hợp người làm chứng không muốn tiếp xúc, người bào chữa phải biết vận động, động viên họ làm chứng tại cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với những người làm chứng biết sự thật khách quan của vụ án mà có lợi cho người được trợ giúp pháp lý thì phải tạo mọi điều kiện cần thiết để mời họ tham gia phiên toà.

2.5. Kỹ năng thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa

Điểm d Khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa có quyền: Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người  bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người  bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác.

Để công việc bào chữa có hiệu quả, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần có kế hoạch, chủ động điều tra, thu thập chứng cứ. Tuỳ theo vụ án cụ thể luật sư cần dự kiến những tài liệu, đồ vật, chứng cứ trong vụ án cần xác minh, thu thập, sau đó chủ động tự điều tra, thu thập các chứng cứ cần thiết theo kế hoạch của mình. Theo Khoản 2 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì: Chứng cứ được xác định bởi vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Theo quy định của pháp luật thì những tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án được người bào chữa thu thập được có giá trị như những tài liệu đồ vật, tình tiết do cơ quan điều tra thu thập. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chủ động đi thu thập các tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án và cung cấp cho cơ quan điều tra bởi trong nhiều trường hợp những tài liệu, đồ vật mà Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cung cấp có thể làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án (chứng minh người bị tạm giữ, bị can không phạm tội; thay đổi tội danh đối với người bị tạm giữ, bị can) hoặc là căn cứ để cơ quan điều tra ra những quyết định có lợi cho cho người được trợ giúp pháp lý như quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn (từ tạm giam sang cho tại ngoại…), quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án…

Nhiệm vụ của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Vì vậy, các tài liệu, đồ vật, tình tiết mà luật sư định thu thập phải là những tài liệu, đồ vật, tình tiết có lợi đối với bị cáo để chứng minh bị cáo không có tội, phạm tội nhẹ hơn hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ mức bồi thường. Ngoài ra, để đảm bảo tính thực tế, các tài liệu, đồ vật, tình tiết đó phải không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác và Luật sư có khả năng thu thập được. Đối với từng vụ án cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và gặp gỡ, trao đổi với bị can, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư xác định những tài liệu, đồ vật, tình tiết cần thiết và có khả năng thu thập. Thông thường, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể thu thập tài liệu phản ảnh điều kiện không gian, thời gian khi xảy ra tội phạm (ví dụ: bản tin về tình hình thời tiết ở hiện trường vụ án vào thời điểm xảy ra tội phạm); đồ vật là công cụ phạm tội, là đối tượng của tội phạm; tài liệu phản ánh nhân thân của bị can (giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh gia đình có công với nước, giấy tờ chứng minh điều kiện sống của bị can…). Một số tài liệu khác tuy rất có ý nghĩa cho việc bào chữa như kết luận giám định, biên bản hiện trường…nhưng Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư không thể tự mình thu thập mà phải thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định lại, giám định bổ sung hoặc Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Để thu thập được các tài liệu cần thiết, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể sử dụng một số cách thức sau: cần giải thích ý nghĩa của các tình tiết, đồ vật đối với vụ án để bị can, thân nhân của họ hợp tác thu thập. Yêu cầu bị can, người thân thích của bị can cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án mà họ có hoặc đến các cơ quan, tổ chức, gặp các cá nhân có liên quan đề nghị cung cấp. Khi thu thập các tài liệu, đồ vật ở các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần xuất trình Thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Thẻ luật sư, giấy giới thiệu của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và đề nghị cơ quan, tổ chức gì cung cấp các đồ vật, tài liệu đó. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể thu thập những ý kiến của những người có liên quan (ví dụ, thu thập bản tường trình của những người hàng xóm của bị can để chứng minh người bị hại đã có hành vi xâm phạm quyền lợi của gia đình bị can trước khi tội phạm xảy ra…), chụp ảnh, quay phim nơi xảy ra tội phạm để tìm ra những tình tiết có lợi cho việc bào chữa…

Để các đồ vật, tài liệu thu thập được có giá trị chứng minh, bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục thu thập đồ vật, tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và cung cấp cho cơ quan tố tụng vào thời điểm có lợi nhất cho bị can, bị cáo. Khi cung cấp cho cơ quan điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có quyền yêu cầu người tiếp nhận hoặc văn thư của cơ quan điều tra, Điều tra viên lập biên bản về việc cung cấp, giao nộp và yêu cầu giao cho mình một bản. Đối với các đồ vật, tài liệu có lợi cho người được trợ giúp pháp lý mà Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư không thể thu thập được thì có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập.

Sau khi thu thập được các tài liệu, đồ vật, tình tiết cần thiết, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần phân tích, đánh giá các tài liệu đó, tìm ra những điểm có ý nghĩa đối với việc bào chữa và đề xuất, thuyết phục người tiến hành tố tụng, Hội đồng xét xử đồng ý với những đánh giá của mình để ra những quyết định có lợi cho bị can, bị cáo.

2.6. Kỹ năng phát hiện sai phạm của Điều tra viên và đề xuất, yêu cầu

Việc phát hiện ra sai phạm của Cơ quan điều tra và Điều tra viên trong hoạt động điều tra để kịp thời đề xuất, đưa ra yêu cầu khắc phục có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật. Các sai phạm của Điều tra viên có thể được Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trực tiếp phát hiện thông qua hoạt động tham gia lấy lời khai, hỏi cung người bị tạm giữ, bị can và các hoạt động điều tra khác của Điều tra viên hoặc thông qua việc tiếp xúc, trao đổi với người bị tạm giữ, bị can và được họ nói lại. Khi gặp gỡ, trao đổi với người bị tạm giữ, bị can, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần hỏi xem họ đã được trao các quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hay chưa? đã được Điều tra viên giải thích đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can hay chưa? có bị Điều tra viên đặt câu hỏi mớm cung hay không? có bị Điều tra viên ép cung hay dùng nhục hình khi hỏi cung hay không? bị can có được đọc và ký tên vào từng trang biên bản hỏi cung hay không và có ký vào sát dòng cuối cùng của biên bản hay không? trong biên bản có khoảng trống nào mà bị can không gạch bỏ đi không?…

Đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần hỏi rõ xem họ có người giám hộ không? người giám hộ của họ có mặt khi hỏi cung họ không và có được ký vào các biên bản hỏi cung đó hay không? bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi hỏi cung người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì phải có mặt người giám hộ của họ và người giám hộ này được quyền ký vào các biên bản hỏi cung.

Khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án, luật sư cần chú ý đến ngày tháng năm của các biên bản xem chúng có trùng lặp hoặc mâu thuẫn nhau về mặt thời gian hay không? Trong nhiều vụ án, trong cùng một thời gian, địa điểm mà một Điều tra viên lại có thể hỏi cung nhiều bị can khác nhau thậm chí tại nhiều địa điểm khác nhau. Điều đó chứng tỏ những bản cung đó là do Điều tra viên tự viết bản cung và người bị tạm giữ, bị can phải ký vào. Việc làm này của Điều tra viên sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính khách quan của hồ sơ vụ án. Trong khi nghiên cứu hồ sơ, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chú ý để phát hiện những phần bị tẩy xoá và viết thêm của bản cung. Về nguyên tắc, khi tẩy xoá các ký tự hoặc viết thêm trong bản cung thì phải có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ, bị can vào bản cung đó. Nếu bản cung bị tẩy xoá hoặc phần viết thêm mà không có chữ ký của người bị tạm giữ, bị can thì đó là sự vi phạm thủ tục tố tụng. Trong nhiều trường hợp đây là căn cứ để Viện kiểm sát hoặc Toà án yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sai phạm của Điều tra viên còn phát hiện trong trường hợp Điều tra viên không tích cực điều tra để kết thúc điều tra trong thời hạn tạm giam, sau đó lại gia hạn tạm giam; thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam thiếu căn cứ… Ngay sau khi phát hiện ra những sai phạm của Điều tra viên, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần gặp trực tiếp để trao đổi với Điều tra viên, yêu cầu lập biên bản về buổi làm việc và ghi rõ đề xuất, yêu cầu của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư. Trong trường hợp cần thiết, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên hoặc Viện kiểm sát để thông báo về sai phạm của Điều tra viên.

Trường hợp sai phạm của Điều tra viên gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần  kiến nghị, đề xuất cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, xử lý và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Việc đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản. Trong một số trường hợp, kiến nghị, đề xuất phải được làm bằng văn bản như yêu cầu lấy lời khai của người làm chứng, triệu tập thêm nhân chứng, trưng cầu giám định; kiến nghị đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án; đề xuất mở rộng vụ án nếu thấy có lợi cho người được trợ giúp pháp lý; đề xuất tách hoặc nhập vụ án (phạm tội nhiều lần) theo hướng có lợi nhất, giảm nhẹ nhất trách nhiệm hình sự cho bị can và đề nghị đưa nội dung kiến nghị, đề xuất vào hồ sơ vụ án.

  1. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

3.1. Khái niệm về hồ sơ vụ án hình sự

Hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hoặc lập ra trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, được sắp xếp theo một trình tự nhất định phục vụ cho việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài.

Thông thường hồ sơ vụ án hình sự được sắp xếp theo một trình tự nhất định, theo nhóm tài liệu, lấy thời gian thu thập làm căn cứ để sắp xếp theo thứ tự tài liệu thu thập trước để ở trên, tài liệu thu thập sau để ở dưới, cụ thể như sau:

a) Các văn bản về khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

b) Các văn bản về thủ tục trong việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn;

c) Các tài liệu về kết quả điều tra không thuộc lời khai của những người tham gia tố tụng;

d) Biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng;

e) Tài liệu về nhân thân bị can;

f) Tài liệu về nhân thân người bị hại;

g) Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra;

h) Tài liệu kết thúc điều tra;

i) Tài liệu về truy tố;

k) Tài liệu trong giai đoạn xét xử;

n) Các tài liệu của Toà án cấp trên khi huỷ án điều tra lại hoặc xét xử lại (nếu có).

Việc nghiên cứu cách sắp xếp hồ sơ vụ án cho phép Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nhìn nhận một cách tổng thể các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để có phương pháp nghiên cứu khoa học, hiệu quả và trính dẫn tài liệu, bút lục có trong hồ sơ đúng và chính xác. Mặt khác, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải nhớ thứ tự sắp xếp hồ sơ vụ án để khi thúc việc nghiên cứu hồ sơ, bàn giao lại hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng không bị thất lạc, mất thời gian tìm lại, đồng thời học cách sắp xếp tiểu hồ sơ của mình để tiện cho việc tra cứu, trích dẫn khi thực hiện bào chữa tại phiên toà.

3.2. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là tổng hợp các hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư: xem xét, đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm nắm vững bản chất vụ án, diễn biến của hành vi phạm tội, qua đó xác định sự thật khách quan của vụ án. Trên cơ sở đó, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch, xác định phương án bào chữa hoặc phương án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần phải nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện và đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tránh tư tưởng chủ quan chỉ nghiên cứu những tài liệu mà mình cho là quan trọng, còn các tài liệu khác thì bỏ qua. Tuỳ theo hồ sơ vụ án cụ thể, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể nghiên cứu hồ sơ theo thứ tự thời gian diễn ra, theo trình tự tố tụng hoặc theo từng tập tài liệu liên quan đến từng người tham gia tố tụng. Yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu đầy đủ, ghi chép, lập được hệ thống chứng cứ của vụ án để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoach bào chữa, đề cương bào chữa hoặc luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

3.3. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ là cách thức Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư sử dụng để  nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có thể nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự theo trình tự tố tụng diễn ra theo thời gian bắt đầu từ quyết định khởi tố vụ án rồi mới nghiên cứu các tài liệu xác định về hành vi phạm tội của bị can… Người bào chữa có thể nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng, phương pháp này bắt đầu từ nghiên cứu Cáo trạng của Viện kiểm sát tiếp đến là Kết luận điều tra và các tài liệu khác. Nghiên cứu theo phương pháp này cho phép nghiên cứu hồ sơ qua đó kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của các quyết định tố tụng. Mỗi phương pháp có thế mạnh khác nhau, tuỳ theo từng hồ sơ vụ án, tính chất phức tạp, số lượng bị can, bút lục có trong hồ sơ của vụ án, thời gian vật chất dành cho việc nghiên cứu, vị trí tham gia tố tụng của người được trợ giúp pháp lý, người bào chữa có thể sử dụng một trong các phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp nghiên cứu thích hợp để đạt hiệu quả cao.

3.4. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

3.4.1. Kỹ năng nghiên cứu bản cáo trạng

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nghiên cứu bản cáo trạng để hiểu được nội dung của vụ án, diễn biến  hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) và quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát. Khi nghiên cứu bản cáo trạng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần ghi chép lại đầy đủ các hành vi phạm tội của bị can; tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát viện dẫn để truy tố; các chứng cứ được Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm, người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, đương sự. Thông qua nghiên cứu cáo trạng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần rút ra được những điểm quan trọng liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ.

Cùng với việc nghiên cứu cáo trạng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần đọc biên bản giao nhận cáo trạng để tìm hiểu xem bị can có đồng ý với nội dung bản cáo trạng hay không? nếu không đồng ý thì ý kiến của bị can như thế nào, bị can có đưa ra được những chứng cứ để bác bỏ một phần hay toàn bộ nội dung quyết định truy tố hay không? Thông thường, những bị can đồng ý với nội dung bản cáo trạng thì ra phiên toà sẽ nhận tội, ít phản cung; những bị can không chấp nhận nội dung bản cáo trạng thì sẽ không nhận tội và thường thay đổi lời khai. Trường hợp bị can không đồng ý với nội dung bản cáo trạng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các chứng cứ khác để xác định sự thật của vụ án và trao đổi với họ.

3.4.2. Kỹ năng nghiên cứu bản kết luận điều tra

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nghiên cứu bản kết luận điều tra để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm, các chứng cứ mà Cơ quan điều tra dùng để chứng minh tội phạm và quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra.

Trong quá trình nghiên cứu bản kết luận điều tra, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần so sánh, đối chiếu, ghi lại những hành vi của bị cáo có nêu trong cáo trạng nhưng không được đề cập trong kết luận điều tra; những điểm mâu thuẫn giữa bản cáo trạng và kết luận điều tra; quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của cơ quan điều tra có lợi cho người được trợ giúp pháp lý mà mình bào chữa, bảo vệ.

3.4.3. Kỹ năng nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can

Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần làm rõ xem bị can có nhận những hành vi nêu trong cáo trạng hay không. Trường hợp bị can nhận tội thì tìm hiểu tư tưởng, động cơ, mục đích, việc thực hiện hành vi phạm tội và sự ăn năn, hối cải của bị can như thế nào? Trên cơ sở đó xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo như hoàn cảnh phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nhân thân của bị can. Trong trường hợp bị can không nhận tội, Trợ giúp viên pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý, Luât sư nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can để nắm được các lý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình.

Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần ghi lại theo trình tự thời gian: các hành vi bị can nhận như trong cáo trạng (có trích dẫn bút lục); hành vi nào cáo trạng nêu nhưng bị can không thừa nhận, các lý lẽ bị can đưa ra để bào chữa, chứng minh cho mình không có những hành vi đó? hành vi nào ban đầu bị can nhận tội nhưng sau đó không thừa nhận nữa (ghi rõ nhận tội ở biên bản hỏi cung nào, bút lục nào?).

Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần kiểm tra về thủ tục tố tụng: xem biên bản hỏi cung đầu tiên có ghi phần giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can hay không; biên bản hỏi cung có bị tẩy xoá, sửa chữa hay viết thêm hay không? Nếu bị sửa chữa thì có chữ ký xác nhận của bị can hay không? Trong trường hợp biên bản hỏi cung ghi cả thái độ, cử chỉ của bị can trong lúc trả lời như bị can cúi đầu, im lặng, không trả lời, lý do bị can không ký vào biên bản v.v. thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần ghi lại và lưu ý làm rõ nguyên nhân, trong nhiều trường hợp những cử chỉ, hành vi này thể hiện diễn biến tâm lý, đấu tranh tư tưởng của bị can khi  khai báo hoặc bị can phản ứng việc làm sai trái của Điều tra viên.

3.4.4. Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng để hiểu rõ sự việc phạm tội xẩy ra có những người nào biết, nghiên cứu những xác nhận của họ về các tình tiết của sự việc như thế nào. Trên cơ sở đó, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư sử dụng lời khai của những người làm chứng để bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Khi nghiên cứu bản ghi lời khai của người làm chứng cần xác định rõ người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp biết về tình tiết của vụ án; mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị cáo, người bị hại như thế nào? Khi người làm chứng tiếp nhận các thông tin về tội phạm thì các điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp, khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức của người làm chứng…) và điều kiện khách quan (không gian, thời gian, thời tiết, ánh sáng, âm thanh… nơi xảy ra vụ án) tác động ra sao? Những tình tiết trong lời khai của người làm chứng cần được sử dụng để bảo vệ cho bị can, bị cáo (ghi rõ số bút lục). Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các lời khai của một người làm chứng trong các lần khai khác nhau hoặc mâu thuẫn giữa các lời khai của những người làm chứng thì phải tìm nguyên nhân, kiểm tra tính xác thực, trong trường hợp cần thiết phải đối chiếu với các lời khai, chứng cứ khác.

3.4.5. Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã thực hiện như thế nào? mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại hoặc thân nhân của họ về việc giải quyết vụ án và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi nghiên cứu cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại, cần chú ý so sánh, đối chiếu các lời khai của người bị hại trong các lần khác nhau xem có phù hợp hay mâu thuẫn với nhau; đối chiếu giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, bị cáo, lời khai của người làm chứng xem có điểm nào phù hợp, điểm nào mâu thuẫn. Nếu bào chữa cho bị can, bị cáo thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại với thực tế khách quan và với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Nếu bảo vệ cho người bị hại, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu và ghi lại những tình tiết xác định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và các chứng cứ xác định về việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

3.4.6. Kỹ năng nghiên cứu biên bản đối chất

Trong hồ sơ vụ án có thể có nhiều biên bản đối chất giữ các bị can, bị cáo với nhau; biên bản đối chất giữa bị can và người làm chứng, người bị hại; giữa người bị hại với người làm chứng v.v. Khi tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản này để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn. Nếu lời khai trong biên bản đối chất có lợi cho người được trợ giúp pháp lý thì cần ghi lại để sử dụng trong quá trình bảo chữa, bảo vệ.

3.4.7. Kỹ năng nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra

Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra… nhằm kiểm tra xem các loại biên bản này có được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định hay không như có ghi thành phần người tham gia, ý kiến người chứng kiến hay không; những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ quản lý đồ vật hay không. Đối với hoạt động điều tra, thu thập vật chứng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chú ý địa điểm và cách thức thu thập vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, quá trình thu thập vật chứng. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem có phù hợp hay không để xác định giá trị chứng minh của nguồn chứng cứ này.

3.4.8. Kỹ năng nghiên cứu kết luận giám định

Nghiên cứu kết luận giám định nhằm kiểm tra các điều kiện để đưa ra kết luận giám định có được bảo đảm hay không ( vật chứng, số lượng, chất lượng đồ vật, tài liệu gửi đi giám định, thủ tục yêu cầu giám định…); các phương pháp được áp dụng để thực hiện giám định có cơ sở khoa học hay không. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần so sánh kết luận giám định với các chứng cứ khác của vụ án để đánh giá độ chính xác của kết luận giám định. Nếu thấy kết luận giám định không có cơ sở tin cậy (thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tiễn khách quan…) thì ghi lại và đề nghị với Toà án yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.

3.4.9. Kỹ năng nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo và các biên bản, tài liệu  khác

Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo để hiểu rõ về nhân thân của họ; cần ghi tóm tắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống của bị can, bị cáo. Đặc biệt, khi bào chữa cho bị can, bị cáo phải chú ý ghi lại những điểm về nhân thân bị can, bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt để làm cơ sở đề nghị Toà án xem xét quyết định hình phạt. Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư bảo vệ cho người bị hại thì cần ghi lại những đặc điểm nhân thân bất lợi cho bị cáo như bị cáo có tiền án, tiền sự, những lần vi phạm pháp luật của bị cáo v.v.

Khi tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản, tài liệu  khác như biên bản giao nhận cáo trạng, các biên bản xác minh của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; các nhận xét và đề nghị của các cơ quan, đoàn thể; các đơn từ khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các tài liệu này nhằm tìm ra những chứng cứ có lợi cho người được trợ giúp pháp lý mà mình bảo vệ, bác bỏ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý để đề nghị Toà án bác bỏ, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

  1. Kỹ năng chuẩn bị luận cứ bào chữa cho bị cáo

Dù Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư giỏi đến đâu chăng nữa, trước khi tham dự phiên toà đều phải chuẩn bị đề cương chi tiết bài bào chữa, trong đó đặc biệt chú ý luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo trên cơ sở những nhận định, đánh giá, buộc tội bị cáo trong hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ án.

Kết quả bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị bài bào chữa. Nó giúp cho người bào chữa tự tin, giữ được tâm lý chủ động trong quá trình tranh tụng và kịp thời bổ sung thêm những luận cứ mới phát sinh trong quá trình tranh tụng. Nếu không chuẩn bị tốt bài bào chữa, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư sẽ rơi vào tình thế bị động, bào chữa tản mạn, dài dòng, lập luận không lôgic, chặt chẽ, thậm chí dùng những thuật ngữ không chính xác, bỏ sót những tình tiết có lợi cho bị cáo hoặc đương sự, không tập trung vào những vấn đề mang tính bản chất nhằm gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Để chuẩn bị bản luận cứ bào chữa tốt thì người bào chữa phải tổng hợp các tài liệu đã có trong hồ sơ, các tài liệu thu thập được sau khi nghiên cứu hồ sơ, các tài liệu do bị cáo và thân nhân của họ cung cấp; các tài liệu thu thập được trong quá trình gặp người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án, các tài liệu đã xuất trình với các cơ quann tiến hành tố tụng đề nghị họ chấp nhận làm chứng cứ của vụ án và các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Luật, Luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự…mà người bào chữa sẽ sử dụng và viện dẫn khi bào chữa.

Để xây dựng được một bài bào chữa ngắn gọn, xúc tích, lập luận chặt chẽ, lôgic và có sức thuyết phục, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải tập trung trí tuệ phân tích các quan điểm, nhận định, đánh giá luận cứ buộc tội của Kiểm sát viên về diễn biến vụ án, đặc điểm phạm tội, các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và các luận cứ buộc tội. Trên cơ sở đó, so sánh với nhận định, đánh giá, quan điểm của mình sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét hiện trường, tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan, tìm hiểu nhân thân bị cáo và tham khảo ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc biết vụ việc và đưa ra luận cứ của mình.

Thông thường nội dung của bài bào chữa gồm 3 phần: Phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.

– Phần mở đầu của bài bào chữa bao giờ cũng bắt đầu từ những lời thưa gửi xã giao lịch thiệp: “Kính thưa Hội đồng xét xử; kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố, thưa các quý vị,…” thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả mọi người. Sau đó người bào chữa tự giới thiệu về bản thân mình, về tổ chức trợ giúp pháp lý, về lý do tham gia bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý. Ví dụ: Kính thưa Hội đồng xét xử, kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát, tôi là Nguyễn văn A, Trợ giúp viên trợ giúp pháp lý (Luật sư là cộng tác viên) của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Đ.N. nhận nhiệm vụ bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là bị cáo Nguyễn Văn B tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay.

Có nhiều cách để mở đầu khác nhau nhưng nhìn chung, phần mở đầu phải giới thiệu để Hội đồng xét xử, những người tham gia phiên toà biết được người bào chữa, bảo vệ là ai, lý do tham gia bào chữa và  bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là ai. Yêu cầu của phần mở đầu là phải gây được sự chú ý của người nghe, kích thích được sự quan tâm của tất cả những người có mặt tại phiên toà và định hướng cho họ tiếp nhận những quan điểm, ý kiến tranh luận của Luật sư. Vì vậy, phần mở đầu cần ngắn gọn, rõ ràng, khúc triết, gây chú ý cho người nghe ngay từ đầu.

– Phần nội dung của bản bào chữa cần tập trung phân tích những nhận định, đánh giá, luận cứ buộc tội của cáo trạng và đưa ra những chứng cứ pháp lý chứng minh sự không đầy đủ, mâu thuẫn, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án để phủ nhận lời cáo buộc của Viện kiểm sát và gỡ tội cho bị cáo. Trong phần này phải nêu ra được các chứng cứ, phân tích được các tình tiết có lợi cho người được trợ giúp, phải viện dẫn các căn cứ pháp luật theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý để từ đó chứng minh cho định hướng bào chữa của mình. Trong trường hợp có tình tiết mới hoặc Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thu thập được chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ tội thì sử dụng để bác bỏ luận cứ buộc tội của Viện kiểm sát. Để có luận cứ gỡ tội hoặc đề nghị giảm nhẹ tội, Luật sư phải nêu lên được điều kiện (nguyên nhân phạm tội), phân tích đặc điểm nhân cách của thân chủ lúc phạm tội dẫn đến động cơ phạm tội, làm rõ nguyên nhân dẫn đến bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và cấu trúc của hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp, động cơ phạm tội quyết định hình thức lỗi là tình tiết định tội, định khung hình phạt, nhưng đồng thời cũng là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần chú ý đề cập đến những vấn đề trên khi nó có tác dụng gỡ tội hoặc là tình tiết giảm nhẹ tội.

– Phần kết luận của bài bào chữa cần ngắn gọn và biểu cảm, trong đó khẳng định quan điểm, nhận định cuối cùng của người bào chữa với những chứng cứ pháp lý rõ ràng và đưa ra những đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm, khoản, điều của các luật tương ứng để từ đó đưa ra những kết luận có lợi cho người được trợ giúp pháp lý cũng như việc giải quyết vấn đề khác của vụ án. Cuối cùng, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thể hiện sự tin tưởng vào sự phán quyết công minh, bình đẳng, khách quan và đúng pháp luật của Hội đồng xét xử và chân thành cảm ơn.

Một số điểm cần chú ý:

  1. Khi chuẩn bị luận cứ bào chữa, sau mỗi ý phải để khoảng trống, cách dòng để có thể bổ sung thêm được những nội dung mới phát sinh tại phiên toà, tránh phải sửa chữa, tẩy xóa trong bản bào chữa. Đây là kinh nghiệm thực tiễn có nhiều tiện ích nên người bào chữa cần lưu ý.
  2. Bài bào chữa dù soạn thảo cẩn thận đến đâu cũng không phải là hoàn hảo nhất vì nó được chuẩn bị trên cơ sở những gì đã có trong hồ sơ vụ án và những chứng cứ, tài liệu thu thập được. Nó có thể chưa đầy đủ hoặc thừa, vô dụng khi tại phiên toà phát sinh những tình tiết mới, sự kiện mới, chứng cứ mới hoặc bên buộc tội tự rút bỏ hoặc bổ sung thêm những chứng cứ buộc tội của mình. Vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cần phải tập trung, chú ý lắng nghe khi Kiểm sát viên đọc bản luận tội và những câu hỏi, trả lời, ý kiến tranh luận của những người tham gia phiên toà để kịp thời điều chỉnh quan điểm, nhận xét, đánh giá và đưa ra luận cứ gỡ tội cho phù hợp;
  3. Khi tranh tụng tại Toà án, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư nên sử dụng đề cương chi tiết của bài bào chữa mà không nên đọc bài bào chữa chuẩn bị sẵn. Như vậy, sẽ giúp cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tự tin và tự nhiên hơn, tự do, thoải mái hơn mà không phụ thuộc vào bài bào chữa. Đương nhiên là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải thuộc bài bào chữa đã chuẩn bị.
  4. Trước khi tham dự phiên toà, người bào chữa phải kiểm tra bản bào chữa, bài bảo vệ bằng cách đọc lại và rà soát lại nội dung, luận cứ bào chữa, đồng thời chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cần thiết phục vụ bào chữa. Tài liệu, chứng cứ phục vụ bào chữa phải được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc sử dụng tại phiên tòa bằng cách tài liệu nào cần sử dụng trước thì để lên trên, cái nào sử dụng sau thì để xuống dưới, tránh trường hợp khi cần viện dẫn thì tìm mãi không thấy.
  5. Kỹ năng tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

5.1. Kỹ năng theo dõi thủ tục bắt đầu phiên tòa

Thủ tục bắt đầu phiên tòa đòi hỏi người bào chữa phải theo dõi danh sách những người được triệu tập, theo dõi chủ tọa kiểm tra căn cước và giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và phát biểu ý kiến về mặt thủ tục bắt đầu phiên tòa. Người bào chữa phải lắng nghe thư ký báo cáo danh sách với Chủ tọa những người được Tòa án triệu tập, có mặt, vắng mặt có lý do hay không có lý do. Lắng nghe Toà kiểm tra căn cước của bị cáo, hỏi bị cáo khai rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, nơi thường trú, nơi tạm trú, bố bị cáo tên là gì, mẹ bị cáo tên gì, còn sống hay đã chết, bị cáo có vợ chưa, có mấy con, con lớn nhất bao nhiêu tuổi, con nhỏ nhất bao nhiêu tuổi, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo… sau đó phổ biến quyền và nghĩa vụ. Người bào chữa phải chú ý lắng nghe xem quyền và nghĩa vụ của bị cáo, của người được trợ giúp pháp lý có được Toà án phổ biến đầy đủ không… Trên cơ sở đó, người bào chữa có thể phát hiện những tình tiết mang tính thủ tục không phù hợp với pháp luật, là cơ sở pháp lý để yêu cầu Toà án hoãn phiên tòa (ví dụ: vì vắng mặt người làm chứng quan trọng mà có lời khai có lợi cho thân chủ) hoặc đề xuất thay đổi Hội đồng xét xử, thay đổi Kiểm sát viên, Thư ký tòa án trong những trường hợp phải thay đổi theo quy định của pháp luật.

5.2. Kỹ năng nghe bản luận tội, xét hỏi, tranh luận và nghe tuyên án tại phiên tòa

Đầu tiên người bào chữa phải lắng nghe Kiểm sát viên trình bày lời luận tội và ghi chép những điểm cần thiết để phát hiện những tình tiết mới, kịp thời chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung luận cứ bào chữa cho phù hợp, bởi trong thực tiễn bản cáo trạng với bản luận tội trong một số trường hợp có khác nhau. Bản cáo trạng là văn bản pháp lý của Viện kiểm sát, do Viện trưởng Viện kiểm sát ấn hành, còn  bản luận tội là văn bản pháp lý của Kiểm sát viên, chủ thể ấn hành là Kiểm sát viên. Có trường hợp Viện kiểm sát rút lại hồ sơ để bổ sung cáo trạng (bổ sung thêm tội, thêm người, thêm tình tiết đối với bị cáo) hoặc rút bớt tội, rút bớt người ở trong cáo trạng hoặc rút toàn bộ quyết định truy tố nên trong mọi trường hợp, người bào chữa, bảo vệ đều phải chú ý lắng nghe để chỉnh lý lại kế hoạch hỏi và luận cứ bào chữa cho phù hợp. Tránh trường hợp Kiểm sát viên đã rút các tình tiết buộc tội đi rồi mà người bào chữa vẫn cứ tranh luận. Việc lắng nghe, ghi chép nội dung chính bản luận tội của Kiểm sát viên và những câu hỏi và câu  trả lời của người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, ý kiến của phía bên kia là trách nhiệm của người bào chữa.

Trong giai đoạn xét hỏi, người bào chữa tiến hành hỏi theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn có sự sửa chữa, thêm bớt bổ sung những tình tiết mới diễn biến tại phiên tòa: dự kiến thứ tự người cần hỏi, hỏi ai, xác định phạm vi, cách hỏi đối với người tham gia tố tụng. Thông thường,  Hội đồng xét xử hỏi tuần tự bị cáo đến người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng… nhưng người bào chữa có thể không nhất thiết phải hỏi bị cáo trước, nếu như việc khai của bị bị cáo không có lợi thì không cần hỏi, mà chỉ tập trung hỏi những người tham gia tố tụng cung cấp những thông tin có lợi lợi nhất cho người được trợ giúp pháp lý.

Sau đó cần chú ý lắng nghe những người tham gia tố tụng khác trình bày như Luật sư của người bị hại, nguyên đơn, người làm chứng …, sau đó chúng ta tiến hành đối đáp ý kiến của Kiểm sát viên, đối đáp lại ý kiến của phía đối trọng với người được trợ giúp pháp lý. Nếu bào chữa cho bị cáo thì phải lắng nghe ý kiến của người bị hại, của người bảo vệ cho người bị hại. Nếu trợ giúp cho nguyên đơn thì phải lắng nghe ý kiến của bị đơn và người trợ giúp cho bị đơn… Sau đó các ý kiến có cùng một nội dung, cùng một vấn đề, cùng một mục đích thì sẽ giải đáp luôn, còn các ý kiến khác phải đáp lại riêng rẽ.

Khi tham gia tranh luận, Luật sư phải có tác phong đàng hoàng, chững chạc, khiêm tốn và điềm đạm, tế nhị và lịch sự, biết tự kiềm chế và điều khiển hành vi của mình để tập trung trí tuệ cho việc tranh luận. Trong khi tranh luận, với nghệ thuật hùng biện, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trình bày luận cứ bào chữa một cách rõ ràng, khúc triết, lôgic, ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, có lý, cố tình nhằm tạo sự chú ý, thuyết phục Hội đồng xét xử để Hội đồng xét xử đồng tình và chấp thuận luận cứ bào chữa của mình.

Trong quá trình tranh luận, dù có bất cứ lý do gì xảy ra chăng nữa, kể cả có lời lẽ xúc phạm đến mình thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cũng không nên tranh cãi, đụng chạm đến danh dự cá nhân của Kiểm sát viên hoặc đổ lỗi cho người làm chứng hoặc phê phán thái độ không thiện chí của Chủ toạ phiên toà hoặc công kích vào những người bị hại. Vì điều đó không những không thuyết phục được họ mà còn gây cho họ tâm lý phẫn uất, dẫn đến tiêu cực, bảo thủ quan điểm sai trái của họ và cuối cùng hậu quả vẫn dồn lên người được trợ giúp pháp lý phải gánh chịu.

Trong tranh luận, người chiến thắng là người nói có bằng chứng xác thực chứ không phải là người nói suông. Người bào chữa chỉ nói tất cả những gì phù hợp với lẽ phải được coi là “cần”“đủ” để gỡ tội cho người được bào chữa của mình mà không nên nói dài, nói những gì không liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, với phương châm “Thà đừng nói gì còn hơn là nói nhiều mà chẳng thu lại kết quả gì”.

Tại phiên tòa nếu có căn cứ chứng minh bị cáo là vô tội thì Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố. Trong trường hợp họ rút toàn bộ quyết định truy tố thì người bào chữa không cần trình bầy luận cứ bào chữa nữa và phát biểu ý kiến về quyết định của Viện kiểm sát là đúng đắn, đây là quyết định hoàn toàn sáng suốt, công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và thể hiện quan điểm hoàn toàn nhất chí với quyết địng của Viện kiểm sát.

Trong trường hợp Viện kiểm sát vẫn bảo vệ cáo trạng, không rút cáo trạng thì Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trình bày luận cứ bào chữa. Trong quá trình trình bày, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư phải thể hiện chất hùng biện, có sự lên bổng, xuống trầm, ngắt câu, ngắt lời, giọng nói có lúc tha thiết, da diết, có lúc ào ạt, có lúc mãnh liệt, có lúc trầm lắng, phù hợp với tâm lý, cảm xúc và từng viễn cảnh xảy ra vụ án; ánh mắt, cử chỉ, tay chân phải hướng về chủ tọa, mọi vấn đề đều phải được nói rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu để cho tất cả mọi người tham dự phiên toà nghe.

Khi nghe tuyên án đòi hỏi người trợ giúp phải lắng nghe để hiểu nội dung bản án và ghi chép những nội dung cần thiết được ghi trong bản án tư vấn cho họ việc nên kháng cáo bản án hay không. Vì vậy, người bào chữa phải chú ý lắng nghe và ghi chép những điểm, khoản, điều nào mà Hội đồng xét xử áp dụng, mức án và mức bồi thường mà tòa tuyên…Từ đó mới có cơ sở để giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn tố tụng phúc thẩm nếu họ tiếp tục yêu cầu giúp đỡ.

  1. Kỹ năng hùng biện

Trong quá trình tranh tụng, người bào chữa thường sử dụng kỹ năng hùng biện của mình, đó là nói cho người khác nghe và thuyết phục được người khác theo quan điểm của mình. Để nói được đúng, đầy đủ và hay, chinh phục được người khác và thuyết phục người khác thì những người bào chữa phải có kiến thức chuyên môn giỏi, có tri thức xã hội rộng, có khả năng giao tiếp tốt, có phương pháp sư phạm và kỹ năng hùng biện.

Hùng biện là gì? Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000 thì: “Hùng biện là nói hay, nói giỏi, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục”.

– Nói hay có nghĩa là nói dễ nghe, dễ hiểu, văn phong trong sáng, chứa đựng nhiều thông tin, thu hút và chinh phục được người nghe và làm cho người nghe thú vị. Tiếng nói có sức truyền cảm sẽ góp phần vào sự thành công khi người bào chữa diễn thuyết. Giọng nói truyền cảm là giọng nói dễ nghe, sử dụng ngữ điệu, lúc cao, lúc thấp phù hợp với hoàn cảnh, diễn biến của vụ việc, phù hợp với tâm trạng, tình cảm và cảm xúc của con người đối với hoàn cảnh đó.

Giọng nói truyền cảm không thể là một giọng nói yếu ớt với âm lượng quá nhỏ bắt người nghe phải căng tai ra để nghe, và cũng không phải là một giọng nói khô khan cứng nhắc, giật cục mang tính kích động, bực bội. Nghệ thuật của người hùng biện là phải biết sử dụng giọng nói có sức sống, tự nhiên và thoải mái, trầm bổng khác nhau, biết hoá thân vào nhân vật mình bảo vệ thể hiện tâm trạng, cảm xúc phù hợp với diễn biến của sự vật và môi trường xung quanh.

Khi bắt đầu nói, hãy bắt đầu nói nhẹ nhàng, bình tĩnh với một giọng ôn hoà. Khi bài diễn thuyết đã đến chỗ quyết định thì bạn phải nói nhấn mạnh để gây sự chú ý cho người nghe. Không nên đưa ra những luận cứ mà người bào chữa cho là thuyết phục nhất ngay trong đoạn mở đầu, mà cần dẫn dắt người nghe từ đơn giản đến phức tạp để thu hút người nghe.

Để hùng biện thành công, người bào chữa cần chú ý đến tốc độ nói, lúc nhanh, lúc chậm phù hợp với cảm hứng và tâm trạng bị tác động của sự vật và môi trường. Ví dụ, cần nói nhanh để  khơi dậy sự hào hứng khi nói về một tình cảm mãnh liệt, lòng căm thù, sự  tức giận và cần nói chậm khi thể hiện tình cảm khắc khổ, kể về sự kiện đau buồn. Trong mọi trường hợp cần giữ cho giọng nói tự nhiên.

– Nói giỏi là việc chuyển tải đầy đủ các thông tin cần thiết về một vấn đề cho người nghe bằng việc sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp phân tích, diễn giải, quy nạp, tổng hợp, so sánh trong từng trường hợp cụ thể. Người nói  giỏi là người luôn cuốn hút người nghe từ đầu đến cuối bài nói của mình. Khi kết thúc bài nói, người nghe cảm thấy thoả mãn, thậm chí còn nuối tiếc là không được tiếp tục nghe người nói diễn thuyết.

– Lập luận chặt chẽ là việc Luật sư đưa ra được các căn cứ “cần” và “đủ” để khẳng định hay phủ định một quan điểm hay kết luận nào đó liên quan tới vấn đề đang trình bày. Các căn cứ đưa ra phải được chứng minh, viện dẫn về nguồn gốc, xuất xứ của nó. Đó có thể là các quan điểm chính trị chính thống, các quan niệm, kết luận khoa học đã được thừa nhận chung và các điều luật, các diễn biến của sự vật mang tính phổ biến, điển hình phù hợp với quy luật khách quan. Để lập luận được chặt chẽ, người nói phải phân tích, chứng minh, bảo đảm tính lôgic. Các nhận định đánh giá, kết luận phải có căn cứ rõ ràng, cụ thể chứ không thể là nguỵ biện, bảo thủ, chủ quan, duy ý chí, mang tính riêng tư.

– Sức thuyết phục của bài nói phụ thuộc vào phong cách, thái độ của người nói. Để thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm, nhận định, đánh giá và theo ý kiến của mình thì bản thân Luật sư phải tự tin vào những điều mình nói ra. Không thể thuyết phục được người nghe nếu người nói không tin vào điều mình nói hoặc còn phân vân, nghi ngờ điều mình nói hoặc chưa thể hiện quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề đó. Để thuyết phục được người nghe, muốn người nghe tin và làm theo những điều mình nói, người nói cần phải khiêm tốn, không đặt mình “cao hơn” người nghe, có thái độ hoà đồng với người nghe, đề cao vị trí, vai trò của người nghe.

Để nói được hay, nói giỏi, cảm hoá, thuyết phục được người khác nghe và làm theo điều mình nói, người bào chữa trước hết cần phải là người có kiến thức rộng. Có kiến thức rộng không có nghĩa là người nói phải biết tất cả, bởi trên thực tế không ai có thể biết được tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng ít nhất người nói phải có trình độ hiểu biết sâu về một lĩnh vực mà mình đang trình bày và có kiến thức về một số lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp đến vấn đề mình nói. Ví dụ, khi nói về luật tố tụng dân sự thì cũng phải biết ít nhiều về luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật đất đai, luật lao động, kinh tế, hành chính,… bởi những môn khoa học pháp lý này ít nhiều có liên quan và gần gũi với tố tụng dân sự. Ngoài việc hiểu biết cũng như chuyên sâu một lĩnh vực và một số lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu, người có kiến thức rộng còn bao hàm cả việc phải có kiến thức hiểu biết về xã hội, các quan hệ xã hội có liên quan hoặc chịu ảnh hưởng của lĩnh vực và vấn đề mà người nói trình bày. Ví dụ, khi nói về luật hôn nhân gia đình người nói phải có kiến thức xã hội về phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng của một số vùng, miền có đặc thù riêng của dân tộc thiểu số,…

Có kiến thức rộng mới chỉ là điều kiện “cần” để cho người nói được hay và làm cho bài  nói được xúc tích, phong phú nhưng chưa phải là điều kiện “đủ” để người nói đạt được mục đích là thuyết phục được người nghe đồng tình và làm theo lời nói của mình. Để cảm hoá, thuyết phục được người nghe cần có điều kiện “đủ” là người nói phải có kiến thức sâu về lĩnh vực, vấn đề mà người nói đang trình bày.

Hiểu biết sâu về một hiện tượng, sự kiện, sự vật, một lĩnh vực, một vấn đề đòi hỏi người nói phải có tri thức về bản chất bên trong của sự vật hay nội dung của lĩnh vực, vấn đề, hiểu biết về lịch sử (quá trình vận động, phát triển) của sự vật theo quy luật khách quan; có kiến thức về nguồn gốc, nguyên nhân, căn cứ phát sinh và chấm dứt sự kiện (tính nhân quả của hiện tượng, sự vật); nhận biết được quá khứ, hiện tại và dự báo được tương lai của lĩnh vực, vấn đề trình bày.

Có kiến thức sâu, rộng sẽ giúp cho người nói tự tin, tự nhiên, thoải mái trong khi trình bày, là yếu tố quyết định cho việc nói hay, lập luận chặt chẽ, tạo ra sự cuốn hút, cảm hoá, thuyết phục được người nghe. như vậy, để trở thành nhà hùng biện về bất cứ lĩnh vực, vấn đề nào thì người nói cũng phải có trình độ chuyên môn giỏi, có kiến thức sâu, rộng về lĩnh vực và vấn đề đó.

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tranh tụng tại Toà án, các chuyên gia đã đưa ra mười lời khuyên đối với Luật sư, người bào chữa khi phát biểu trong tranh tụng [1]:

– Vũ khí tranh luận tốt nhất là các lý lẽ về bản chất của vụ việc, việc hướng vào nhân cách của người buộc tội là thể hiện sự yếu đuối trong quan điểm của mình;

– Trong tranh luận cần phải xác định rõ ràng cái cần thiết và cái có lợi, cái tất yếu và cái nguy hại. Cần phải khai thác tối đa cái cần thiết và cái có lợi và nhấn mạnh nó, còn cái nguy hại nên thận trọng né tránh và bỏ qua;

– Cần đề phòng những kết luận sắc bén nước đôi, nhưng có thể sử dụng nó nếu bên buộc tội né tránh nó;

– Không cần thiết chứng minh cái hiển nhiên, rõ ràng;

– Việc đưa ra những chứng cứ hoặc luận cứ cơ bản phải gây được ấn tượng mạnh đến những người tham dự tại phiên toà và phải chuẩn bị cho họ tiếp cận các chứng cứ đó một cách thuận lợi;

– Không sử dụng những lý lẽ còn nghi ngờ, không tin tưởng; không cần nhiều lời – quan trọng là nói chất lượng, chứ không cần nói nhiều; không cần nhiều chứng cứ mà chỉ cần đủ; đưa ra nhiều chứng cứ hơn cần thiết là biểu hiện sự thiếu tự tin của Luật sư vào tính thuyết phục của những chứng cứ đó;

– Không cần phải thể hiện sự chống đối, phủ nhận những kết luận có cơ sở của bên buộc tội. Hãy đồng tình với những ý kiến thứ yếu của họ – điều này thể hiện Luật sư vô tư dưới con mắt của Hội đồng xét xử;

– Nếu chứng cứ trực tiếp là đáng kể, cần phân tích từng chứng cứ một, nếu là không đáng kể cần đưa vào những mối liên hệ chung. Sự không đầy đủ về số lượng của chúng được bù trừ bởi xu hướng chung thống nhất;

– Khi có cả chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp, cần bắt đầu từ chứng cứ gián tiếp và khi kết thúc thì khẳng định quan điểm của mình bằng chứng cứ trực tiếp;

– Đừng bao giờ giải thích điều gì mà mình biết không chính xác – sự chú ý của người nghe sẽ thu hút bởi những điểm yếu đó. Bất kỳ mâu thuẫn nào trong bài phát biểu cũng có nghĩa là thất bại.

Luật gia người Nga A.D Bôi-cốp có 10 lời khuyên đối với Luật sư khi phản bác lời buộc tội của bên buộc tội như sau[2]:

– Hãy tìm những sai lầm trong bài phát biểu của bên buộc tội;

– Khi đáp lại ý kiến của bên buộc tội không nên quá căng thẳng mà hãy nhẹ nhàng tựa như đi qua, như tất cả người nghe đều hiểu;

– Hãy sử dụng những lý lẽ của bên buộc tội để chống lại họ;

– Hãy dùng thực tế để chống lại lời nói;

– Hãy phủ nhận những gì không thể chứng minh;

– Không bỏ qua bất cứ một luận cứ nào của bên buộc tội mà phải tìm cách đáp lại;

– Không chống lại những chứng cứ có cơ sở mà hãy tìm cách giải thích chúng để có thể dung hoà với quan điểm của mình;

– Không bác bỏ cái rõ ràng là không có thật;

– Cần thận trọng nghiên cứu những sự kiện mà bên buộc tội thừa nhận và hãy sử dụng chúng vào mục đích của mình;

– Nếu bên buộc tội tìm cách né tránh những lý lẽ, dẫn chứng không thể chối cãi được thì hãy nhấn mạnh tính không thể chối cãi đó, nhưng đừng bao giờ cho phép mình xâm phạm đến những vấn đề cá nhân của bên buộc tội.

  1. Một số điểm lưu ý khi thực hiện bào chữa cho người chưa thành niên

7.1. Cử người bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội

  1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình báo chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
  2. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người báo chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình (Điều 57 BLTTHS 2003).

Nếu vị thành niên là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì có quyền nhờ Luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình.

7.2. Xem xét kỹ độ tuổi của người chưa thành niên

– Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

  1. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Điều 303 BLTTHS năm 2003 quy định:

  1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của BLHS, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
  2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của BLHS, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Khi tham gia bào chữa cho người chưa thành niên, vấn đề đặc biệt quan trọng là xác định rõ độ tuổi của bị can tại thời điểm phạm tội và thời điểm xét xử. Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý là người chưa thành niên thì phải xem xét, xác định rõ độ tuổi, ngày, tháng, năm sinh so với ngày phạm tội, bởi kém 01 ngày vẫn chưa đủ 14 tuổi thì chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, trẻ em 13 tuổi đốt nhà, giết người đi chăng nữa thì vẫn không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cha, mẹ, người giám hộ, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự. Còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng do cố ý, còn phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng do vô ý thì không phải chị trách nhiệm hình sự.

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69 BLHS).

Trường hợp người chưa thành niên đủ 16 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm, nhưng chỉ bị tạm giam trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng còn các trường hợp khác không được bắt giam đối với họ.

Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 5 Điều 69 BLHS).

7.3. Để có kỹ năng thành thạo trong hoạt động trợ giúp pháp lý
cho người chưa thành niên, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải:

  • Có đủ trình độ và kiến thức sâu rộng về pháp luật (bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật hình thức), nhất là pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến người chưa thành niên. Biết tập hợp và thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến người chưa thành niên;
  • Am hiểu tâm sinh lý của người chưa thành niên, biết nhìn nhận, phân tích các khía cạnh xã hội tác động lên đời sống của đối tượng này;
  • Có tinh thần, thái độ, đạo đức và trách nhiệm cao khi thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý vì quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, loại bỏ tâm lý mặc cảm, ghét bỏ tội phạm, thái độ hắt hủi, lạnh lùng khi tiếp xúc với người chưa thành niên vi phạm pháp luật;

Có kỹ năng tiếp cận với trẻ. Tạo niềm tin để trẻ tin tưởng, gần gũi, cậy nhờ và thổ lộ tâm tư, tình cảm, nói hết những gì mà trẻ nghe được, nhìn thấy hoặc trẻ hành động, …

[1] Kỹ năng hành nghề luật sư, Tập 1, NXB Công an nhân dân, 2001, tr 199.

[2] A. D. Bôi-cốp, Đạo đức nghề nghiệp Luật sư, (bản tiếng Nga), Maxcơva,1978, Tr. 98.

Sưu tầm

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *