Theo quy định tại Điều 663,664 Bộ luật dân sự 2005 thì vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản. Trong quá trình lập di chúc thì Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.
Trong quá trình thực thi quy định trên thì gặp nhiều khó khăn trong thực tế, nhất là hiệu lực của di chúc chung vợ chồng nên khi tiến hành sửa đổi BLDS, dự thảo có đưa ra lấy ý kiến về vấn đề di chúc chung của vợ chồng. Và sau khi tiếp thu ý kiến thì UBTVQH đã đề nghị bỏ các điều 641, 642 và 646 về di chúc chung của vợ chồng, đề xuất này đã được Quốc hội thông qua.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2017, BLDS 2015 có hiệu lực thi hành thì di chúc chung của vợ chồng có được lập nữa hay không?
Qua tìm hiểu thì toàn bộ BLDS 2015 không có điều khoản nào quy định về di chúc chung của vợ chồng, cũng như không cấm việc lập di chúc chung vợ chồng mà chỉ quy định quyền lập di chúc là quyền của cá nhân.
Theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền thì công dân được làm những gì pháp luật không cấm và theo Điều 5 của BLDS 2015 thì trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thì có áp dụng tập quán.
(So sánh Bộ luật Dân sự 2015 với Bộ luật Dân sự 2005)
Như vậy, nếu vợ chồng thỏa thuận lập di chúc thì vẫn đảm bảo, bởi vì di chúc đó thể hiện ý chí cá nhân của họ và nó phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam.
Phương Thảo.