Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo quyết định xử phạt hoặc áp dụng độc lập trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
I. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính
1. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
Các hình thức xử phạt VPHC trong Luật XLVPHC được chia làm 2 loại: Hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung.
a) Các hình thức xử phạt
– Cảnh cáo
– Phạt tiền
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
– Trục xuất
Trong các hình thức xử phạt trên thì hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống các hình thức xử phạt chính.
b) Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt
– Hình thức xử phạt cảnh cáo, phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính
– Đối với hình thức trục xuất, có thể áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung.
– Luật bổ sung 2 hình thức nữa vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh 2002.
Xem chuyên đề 1: Những điểm mới của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
Xem chuyên đề 2: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
Xem chuyên đề 3: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
Xem chuyên đề 4: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cập nhật năm 2019
Xem chuyên đề 5: Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Xem chuyên đề 6: Sơ đồ quy trình xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
Đối với các hình thức xử phạt : Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính và trục xuất, việc lựa chọn hình thức xử phạt nào là chính, hình thức xử phạt là bổ sung là tùy nghi nhưng phải được quy định trong Nghị định của Chính phủ.
2. Các hình thức xử phạt cụ thể
a) Phạt cảnh cáo
Xử phạt cảnh cáo chỉ áp dụng với 2 đối tượng
+ Thứ nhất là áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm
Điều kiện để áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với đối tượng này là:
– Hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong các văn bản xử phạt có quy định áp dụng hình thức xử phạt này
– Vi phạm không nghiêm trọng
– Có tình tiết giảm nhẹ
+ Thứ hai, là áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
b) Hình thức xử phạt tiền
– Tăng mức tiền phạt tối thiểu và tối đa so với Pháp lệnh 2002 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu phòng, chống vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:
+ Mức phạt tiền tối thiểu: Điều chỉnh từ 10.000d lên 50.000d
+ Mức phạt tối đa: Điều chỉnh từ 500 tr lên 2 tỷ đồng
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là mức phạt tối đa 2 tỷ chỉ áp dụng đối với tổ chức trong một số lĩnh vực như quản lý biển đảo, thềm lục địal quản lý hạt nhân…
+ Quy định mức phạt tiền cao hơn mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
Luật đã bổ sung hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn bên cạnh hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Điểm thay đổi lớn trong quy định về hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là quy định rõ hình thức này được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức để tránh việc lạm dụng, áp dụng việc tịch thu đối với cả những vi phạm không nghiêm trọng.
Slide Bài giảng luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất 2019
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Sửa đổi các biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Pháp lệnh 2002, Luật XLVPHC đã tách biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép từ Pháp lệnh 2002 thành 2 biện pháp là: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu và buộc tháo dỡ công trình, phần xây dựng công trình không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép.
3.1.Cácbiện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;
– Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
– Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
– Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
– Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
– Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
3.2.Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
– Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả
– Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp : Không xác định được đối tượng, hết thời hiệu, thời hạn…
Nguyễn Quốc Sử
Tổng hợp, biên soạn