Theo quy định tại các Điều 54 và Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó thể hiện rõ thời hạn giao quyền, lĩnh vực giao quyền, riêng đối với cưỡng chế chỉ giao quyền khi cấp trưởng vắng mặt. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền lại cho người khác.
Giao quyền xử phạt vi phạm hành chính
Quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có nhiều điểm khác so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 được sửa đổi, bổ sung 2007, 2008, cụ thể: Pháp lệnh 2002 quy định về ủy quyền xử lý vi phạm hành chính gồm ủy quyền xử phạt và các biện pháp xử lý hành chính khác, không quy định về ủy quyền cưỡng chế. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thay đổi từ ngữ từ “ủy quyền” thành “giao quyền” và mở rộng phạm vi giao quyền, không chỉ giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính mà cấp trưởng còn được giao quyền cho cấp phó trong việc ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, Luật không cho phép giao quyền trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Luật cũng quy định người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho người khác nhưng không giải thích từ ngữ giao quyền, ủy quyền là gì? Đã gây nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng, không biết trường hợp nào là giao quyền, trường hợp nào là ủy quyền.
Ủy quyền và giao quyền có giống nhau?
Cả Pháp lệnh 2002 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đều quy định việc ủy quyền phải lập thành văn bản và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể về nội dung và mẫu của văn bản giao quyền. Tuy nhiên, thực tế giữa các địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau về văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế hành chính.
Một số ý kiến thì cho rằng không cần thiết phải ban hành quyết định giao quyền xử phạt, cưỡng chế mà trong quyết định phân công nhiệm vụ có thể hiện nội dung giao cho cấp phó phụ trách từng lĩnh vực được thực hiện quyền hạn của cấp trưởng trong lĩnh vực được phân công. Và như vậy thì cấp phó đương nhiên được giao quyền xử phạt và tổ chức thực hiện quyết định xử phạt khi cá nhân, tổ chức không chấp hành mà không cần phải ban hành văn bản ủy quyền thực hiện cưỡng chế.
Một số ý kiến không đồng tình với quan điểm trên, cho rằng: Kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành thì tất cả trường hợp giao quyền xử phạt, cưỡng chế vi phạm hành chính phải có văn bản riêng chứ không thể giao chung chung trong quyết định phân công nhiệm vụ được. Bởi lẽ, Luật quy định cụ thể thời hạn giao quyền xử phạt, đặt biệt việc cưỡng chế chỉ giao cho cấp phó ban hành quyết định khi cấp trưởng vắng mặt.
Đã giao quyền thì không còn được xử phạt?
Và một vướng mắc phát sinh nữa là trong trường hợp cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được quyền ký quyết định xử phạt, cưỡng chế nữa hay không? Vấn đề này đang bị bõ ngỏ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
(Phân biệt ủy quyền, giao quyền, phân cấp, phân quyền trong cơ quan hành chính)
Vướng mắc trên kéo dài từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012 đến hết năm 2021 thì mới được hướng dẫn, cụ thể theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Rubi