Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập của Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp so với thực tiễn và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cụ thể như sau:
1. Luật Giáo dục 2019 quy định:
(i) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có chức năng thực hiện chương trình đào tạo trình độ sơ cấp (Điều 44);
(ii) Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức và hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (Điều 48);
(iii) Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng thuộc ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (Điều 6)…
Do vậy, cần bổ sung đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (sau đây viết tắt là TTGDNN-GDTX); trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và bổ sung hành vi vi phạm “không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”.
2. Luật Giáo dục đại học (bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học) quy định:
(i) Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của GDĐH (khoản 1 Điều 4[1]);
(ii) các trình độ đào tạo của GDĐH bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ (khoản 1 Điều 6[2]). Theo quy định này, cơ sở GDĐH chỉ thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của GDĐH như quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật GDĐH.
3. Luật Giáo dục nghề nghiệp
(khoản 2 Điều 25) quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, Nghị quyết số 19-NQ/TW (khoản 6 mục III) quy định việc hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư về tổ chức bộ máy (Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP[5]), tự chủ về tài chính (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP[6]), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các Nghị định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bổ sung quy định về tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, liên kết đào tạo với nước ngoài của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Do vậy, cần bổ sung chế tài xử lý khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được giao quyền tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo; liên kết đào tạo với nước ngoài vi phạm quy định theo quy định tại Nghị định này.
4. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
a) Tại điểm k khoản 73, điểm c khoản 74 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi điểm c khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 38, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 theo hướng: Tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của Thanh tra viên, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ từ mức “có giá trị không vượt quá mức tiền phạt” tăng lên thành “có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt”; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không còn bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Ngoài ra, điểm c khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh (Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ). Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt của các chức danh đối với một số hành vi liên quan trong Nghị định cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020.
b) Tại điểm a khoản 1 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 giao Chính phủ quy định: Hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Do vậy, cần quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt, thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
c) Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP). Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Do vậy, cần quy định cụ thể tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định này để phù hợp, thống nhất theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và pháp luật liên quan.
Ngoài ra, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có một số quy định liên quan trực tiếp đến Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như: (i) Nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước; (ii) Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước, làm căn cứ xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; (iii) Nguyên tắc xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước; (iv) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn, lãnh thổ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó. Do đó, cần phải rà soát, bổ sung các quy định này trong dự thảo Nghị định để phù hợp, thống nhất theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
5. Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung một số hành vi vi phạm bị coi là tội phạm như:
Tội làm lộ bí mật nhà nước; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do vậy, một số hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP không còn phù hợp, cần được bãi bỏ như: (i) Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, hồ sơ để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (ii) Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (iii) Hành vi làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi; (iv) Hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả và làm giả văn bằng, chứng chỉ.
6. Ngày 22/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục[1]. Trong đó, quy định các hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả liên quan trực tiếp đến tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, cần phải rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
.7. Tại thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2015/NĐ-CP, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp là cơ sở để quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa được hoàn thiện một cách đầy đủ, toàn diện.
Nội dung Nghị định quy định:
(i) Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính còn thấp, không đủ sức răn đe, phòng ngừa các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
(ii) Chưa quy định cụ thể từng đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP;
(iii) Chưa quy định biện pháp xử phạt “trục xuất” đối với cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
(iv) Chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ đối tượng bị xử phạt; biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người học đã được xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Vi phạm về liên kết đào tạo, tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh/năm được cấp; không công khai văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp…;
(v) Chỉ giao thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cán bộ, công chức là thành viên đoàn thanh tra khi đang thi hành công vụ nên số vụ việc vi phạm hành chính được phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính rất hạn chế;
(vi) Chưa phân định rõ thẩm quyền xử phạt của từng chức danh theo từng hành vi vi phạm hành chính, từng điều, khoản, điểm nên quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện;
(vii) Quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020;
(viii) Chưa quy định cụ thể, đầy đủ về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
(ix) Một số hành vi vi phạm hành chính của tổ chức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa có chế tài xử lý như: Văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp; cơ sở tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp; hoạt động tư vấn du học, đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;…