Những hạn chế bất cập sau 5 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Trangtinphapluat.com trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập sau 5 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

  1. Về các quy định cụ thể của Luật XLVPHC

Luật XLVPHCNghị định 81/2013/NĐ-CP không quy định cụ thể đối với các trường hợp đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng nếu người vi phạm không chấp hành thì có ban hành quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không. Tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định nguyên tắc tất cả các trường hợp cưỡng chế phải có quyết định cưỡng chế, đồng thời có đề cập đến nội dung quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không quy định mẫu cụ thể. Dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều và lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.

– Tại Điều 54 Luật XLVPHC quy định về giao quyền, ủy quyền xử phạt nhưng chưa đưa ra định nghĩa để phân biệt ủy quyền và giao quyền;  chưa đề cập đến việc cấp trưởng đã giao quyền xử phạt, cưỡng chế cho cấp phó thì có được quyền xử phạt, cưỡng chế nữa hay không?.

– Việc tạm giữ tang vật, tại Khoản 3, Điều 60 Luật XLVPHC quy định thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ). Thực tế áp dụng thì quy định như vậy là quá ngắn do phải thành lập Hội đồng định giá, nhất là những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu như mỹ phẫm, rượu, thuốc lá… nên rất khó khăn để tiến hành định giá trong vòng 48 giờ.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

– Theo quy định tại Điều 66 Luật LVPHC, trường hợp vụ việc vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì được kéo dài thời hạn ra quyết định xử phạt không quá 30 ngày. Tuy nhiên, xác định như thế nào là trường hợp phức tạp thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

– Tại Khoản 2 Điều 105 Luật XLVPHC quy định “Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.” Và tại Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định phải có đến 08 loại giấy tờ; đây là quy định quá khó đối với cấp xã khi tiến hành lập thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều thời gian để thu thập đầy đủ các loại tài liệu theoquy định, trong khi đó người nghiện luôn có tâm lý né tránh việc phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

-Việc rà soát đối tượng để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn do quy định trong 6 tháng ít nhất phải có 02 lần vi phạm bị xử lý (thời gian quá ngắn). Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần trên nhiều địa bàn khác nhau nên khó có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này.

– Theo Khoản 2 Điều 68 và Khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày, còn tối đa thì do người có thẩm quyền xử phạt quyết định. Trong một quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể có các hình thức như phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả…. Đối với hình thức phạt tiền thì tại Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt… Tuy nhiên đối với Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì tại Khoản 1 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Như vậy, thời hạn thi hành quyết định xử phạt chung tại Điều 73 và từng thời hạn thi hành riêng tại điều 78, 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính có sự khác nhau, dẫn đến lúng túng khi áp dụng thời hạn chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả.

– Theo quy định tại Khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản. Tuy nhiên, không phải lúc nào tham gia kiểm tra xử lý vi phạm đều có người đủ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ. dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm nhưng không tam giữ tang vật, phương tiện vi phạm được.

– Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 125 Luật XLVPHC có quy định 03 trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trả lại ngay khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi không còn nguy hiểm, quyết định được thi hành. Tuy nhiên, Khoản 8 Điều 125 quy định thời hạn tạm giữ là 7 ngày. Như vậy là mâu thuẫn với nhau. Cũng theo Khoản 8 Điều 125 thì thời gian gia hạn tạm giữ tang vật, phương tiện đến 60 ngày. Nhưng thực tế có nhiều vụ vi phạm phức tạp thì thời gian trên là chưa đủ để kết thúc hồ sơ.

2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan đến Luật XLVPHC

Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật XLVPHC thì cần thực hiện các khắc phục các hạn chế đã được nêu ở phần trên và thực hiện các giải pháp sau:

– Tại Điều 5 Luật XLVPHC nên quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi bị xử phạt VPHC về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt VPHC về mọi VPHC”, quy định như vậy sẽ tránh tình trạng bỏ sót chủ thể từ 16 tuổi một ngày đến chưa đủ 16 tuổi.

– Khoản 1 Điều 52 Luật XLVPHC nên sửa theo hướng bỏ cụm từ “trong trường hợp phạt tiền” mà chỉ cần quy định “thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp hai lần thẩm quyền xử phạt của cá nhân và được xác định theo tỷ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó”, quy định như vậy sẽ mang tính bao quát hơn, hợp lý hơn vì có thể hiểu thẩm quyền này không chỉ xác định trong trường hợp phạt tiền mà cả đối với trường hợp áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

– Khoản 3 Điều 82 Luật XLVPHC cần bổ sung quy định “Đối với vụ việc phức tạp thì có thể được gia hạn thêm nhưng tối đa không quá 30 ngày” nhằm giải quyết tình trạng xử lý đối với một số tang vật, phương tiện phải bán đấu giá được quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 82 Luật XLVPHC.

– Cần quy định thống nhất về người có thẩm quyền lập biên bản VPHC trong Luật XLVPHC và các Nghị định xử phạt VPHC là người đang thi hành công vụ, chứ không chỉ là công chức thi hành công vụ.

– Quy định cụ thể cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó thì vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế.

– Bổ sung quy định về điều chỉnh, gia hạn quyết định cưỡng chế.

– Giải thích cụ thể thế nào là trường hợp “có tình tiết phức tạp”, “vắng mặt”, “ủy quyền”, “giao quyền” để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và minh bạch.

– Bổ sung chủ thể là hộ gia đình, cộng đồng dân cư và vợ, chồng trong vi phạm pháp luật hành chính.

– Sửa đổi quy định tạm giữ chỉ cần ghi vào biên bản vi phạm hành chính, có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm hoặc 2 người làm chứng.

– Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về vi phạm hành chính để thuận lợi cho quá trình tra cứu, xử lý, đôn đốc người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt.

– Sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

– Bổ sung thêm điều khoản quy định chi tiết, hướng dẫn Điểm d Khoản 1 Điều 82 Luật XLVPHC về “tài sản khác” gồm những tài sản gì để thuận lợi trong quá trình xử lý VPHC.

– Bổ sung vào Nghị định 81/2013/NĐ-CP điều khoản giải thích Điều 126 Luật XLVPHC về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, trong đó hướng dẫn rõ trường hợp cá nhân, tổ chức VPHC không nộp một khoản tiền tương ứng với giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp tang vật, phương tiện vẫn được đảm bảo. Trường hợp này có thể ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với cá nhân, tổ chức.

– Đề nghị bổ sung xử lý hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng vào Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *